Mới đây, qua kiểm tra thực tế tại các đơn vị kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố cho thấy, hầu hết đều đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm. Theo ông Thái Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Tâm Đạt (quận Cầu Giấy), để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, Công ty phát triển chuỗi cửa hàng tại các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Theo đó, sản phẩm nông sản bày bán đều được kiểm nghiệm chặt chẽ, được nhập từ các cơ sở sản xuất uy tín với đầy đủ giấy tờ chứng nhận thực phẩm an toàn.
Theo bà Trần Thị Huyền Trang, Phó Trưởng phòng phụ trách Bộ phận thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội), từ nay đến cuối năm, Chi cục tăng cường hoạt động kiểm soát thực phẩm tại các chợ đầu mối, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Với thị trường tiêu thụ lớn, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố xây dựng được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội; riêng thành phố cũng đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn của thành phố.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản vẫn phát hiện vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Đông Anh đã tiến hành xử lý, tiêu hủy lượng lớn hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ước tính trị giá hơn 2 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là thiếu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không đeo khẩu trang trong quá trình chế biến, thực phẩm có côn trùng động vật gây hại, hàng hóa chế biến thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng nước để sản xuất không rõ ràng…
Còn theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã xử lý 105 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, tiêu hủy hơn 7.000kg hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, 212kg thực phẩm tươi sống bị nấm mốc, biến đổi màu sắc…
Để kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu về thực phẩm sẽ tăng mạnh, trong khi diễn biến tình hình dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp, khó lường, huyện đã chỉ đạo các ngành tiếp tục tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm của huyện, xã, thị trấn; khi tổ chức kiểm tra cơ sở đều yêu cầu giải trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, tiến hành xác minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, sản phẩm; duy trì chuỗi cửa hàng tiện ích cung cấp sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Trung tâm thương mại Đông Anh; khuyến khích xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ, đồng thời truy xuất nguồn gốc xuất xứ thực phẩm bằng phần mềm quét mã QR.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt, thủy sản trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, các sở, ngành của thành phố tăng cường kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)