Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn: Ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dự báo dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, trong khi nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng cao. Trong bối cảnh đó, để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm; phối hợp với các địa phương khác kiểm soát, giám sát chặt chẽ chất lượng nông sản từ gốc…


Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn.

Kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm

- Để kiểm soát chất lượng nông sản, bảo đảm nguồn thực phẩm “sạch” cho người dân Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều vùng sản xuất nông nghiệp an toàn. Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong việc triển khai công tác này?

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, tác động trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội, cùng với việc tham mưu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, địa phương thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn cung ổn định cho thị trường, ngành Nông nghiệp Thủ đô đặc biệt chú trọng các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ người dân trên địa bàn.

Theo đó, thành phố đã đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn. Hiện, thành phố có 40 mô hình sản xuất rau áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) trên diện tích hơn 1.700ha; 181ha nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; gần 40ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ… Hà Nội đã hỗ trợ phát triển 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm,cấp mã truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử QR Code… Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã triển khai một số giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế trong sản xuất, chế biến thực phẩm, như: GAP, HACCP, ISO 22000…, qua đó nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường.

- Những kết quả nêu trên rất đáng ghi nhận, nhưng thực tế cũng cho thấy, tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm vẫn tồn tại. Để khắc phục tình trạng này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, xử lý như thế nào, thưa ông?

- Với phương châm giám sát từ gốc, theo chuỗi từ sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến trước khi lưu thông trên thị trường, Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát để kịp thời ngăn chặn các nguy cơ; phát hiện, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Theo đó, 9 tháng năm 2021, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 161 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, phát hiện 44 cơ sở vi phạm, xử phạt 105 trường hợp với số tiền hơn 673 triệu đồng; đồng thời, tiêu hủy 7.131kg hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, 212kg thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật bị nấm mốc, biến đổi màu sắc...

Nhằm giám sát, cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng đã lấy 1.039 mẫu, tập trung vào các nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ cao để giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản. Kết quả cho thấy, 94,4% mẫu đạt yêu cầu, 5,6% mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Với những mẫu vi phạm, các đơn vị thuộc Sở NN& PTNT đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục; đồng thời xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm; thực hiện thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật và thông tin kịp thời đến người tiêu dùng để phòng tránh, không sử dụng…

- Ông có thể cho biết rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Hà Nội hiện nay?

- Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn nhỏ lẻ, manh mún, các vùng sản xuất tập trung còn ít so với tiềm năng và lợi thế. Việc quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn chậm; công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở một số địa phương chưa được chú trọng. Chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản; giết mổ, gia súc gia cầm; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, vẫn còn một bộ phận người sản xuất, kinh doanh có những hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Thêm nữa, nguồn lực đầu tư, công tác bảo trì nhà xưởng, trang thiết bị, bảo đảm an toàn thực phẩm, ghi chép truy xuất nguồn gốc còn nhiều bất cập…

Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm

- Dịp cuối năm, Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ triển khai những giải pháp gì để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân Thủ đô, thưa ông?

- Theo thống kê, nhu cầu tiêu dùng của người dân thường tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng rau, thịt, cá... gia tăng mạnh; nguy cơ mất an toàn thực phẩm theo đó cũng sẽ tăng cao. Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là giám sát chất lượng sản phẩm từ vùng sản xuất.

Thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp với các địa phương triển khai quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm ở Chương Mỹ, Thanh Oai, Phúc Thọ...; phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn ở Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì...; chăn nuôi, thủy sản ở Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức..., ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường các giải pháp mở rộng sản xuất tập trung, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quán lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

- Việc giám sát, kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản trên thị trường, nhất là những mặt hàng sản xuất tại các địa phương khác được ngành thực hiện thế nào, thưa ông?

- Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm trên diện rộng nhằm truy xuất nguồn gốc, phát hiện, yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm. Các cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo hình thức đột xuất các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm; đồng thời chủ động ứng phó với các sự cố mất an toàn thực phẩm.

Hà Nội là một trong những địa bàn tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của cả nước. Các loại hàng hóa được kết nối tiêu thụ từ các tỉnh, thành phố, nhập khẩu chiếm 40-65% lượng tiêu thụ của người dân Thủ đô. Do vậy, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong giám sát, kiểm soát từ vật tư đầu vào đến các khâu sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời giám sát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội.

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã ký kết Chương trình phối hợp “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025”. Trong thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh, thành phố có sản phẩm tiêu thụ tại Hà Nội sẽ phối hợp thực hiện chương trình với mục tiêu tiếp tục gia tăng số chuỗi, quy mô chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 932
Tổng lượng truy cập: 22076432