Tăng cường kiểm soát nông sản tại chợ đầu mối
Sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động trở lại. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản, thực phẩm bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Chợ đầu mối phía Nam tập trung nông sản từ nhiều địa phương nên cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chợ đầu mối nông sản đã trở lại nhộn nhịp

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội, hoạt động kinh doanh đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Bà Nguyễn Thị Hoàn, tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho hay, hiện nay bán ra 5-6 tấn rau, củ, quả các loại mỗi ngày. Còn bà Nguyễn Thị Dung, tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) cho biết, mặc dù sức mua vẫn chậm hơn so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội, nhưng trung bình mỗi ngày bà vẫn bán được 2-3 tấn rau, củ, quả.

Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) Lê Thanh Bình cho biết, chợ hiện có 162 hộ bán sản phẩm gia cầm, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 40 tấn, tăng hơn 50% so với thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách.

Do sức tiêu thụ tại các chợ đầu mối đã tăng trở lại nên vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ cần được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát thông tin, hiện nay trên địa bàn thành phố có 2 chợ đầu mối nông sản và một số chợ có tính chất như chợ đầu mối như: Chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín), chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai)... Qua kiểm tra tại các chợ đầu mối cho thấy, ban quản lý chợ đã liên tục kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các hộ kinh doanh, tuy nhiên, do thương lái thu gom từ nhiều nơi khác nhau nên vẫn rất khó khăn để xác định nguồn gốc xuất xứ tất cả mặt hàng tại chợ.

"Mặt khác do sản xuất nông nghiệp Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, hầu hết sản phẩm chưa có mã QR để truy xuất nguồn gốc, cũng gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm tra, giám sát chất lượng", ông Ngô Đình Loát thông tin thêm.

Kiểm soát nguồn gốc và phòng, chống dịch bệnh

90% sản phẩm nông nghiệp ở chợ đầu mối được mang đi tiêu thụ ở các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố. Do đó, kiểm soát tốt nguồn gốc nông sản ở chợ đầu mối sẽ cơ bản giám sát được chất lượng các mặt hàng bán tại chợ dân sinh. Hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, yêu cầu Ban quản lý chợ đầu mối phải giám sát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nông sản bán tại chợ; đồng thời bảo đảm các quy định phòng, chống dịch.

Về vấn đề này, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Tiến Sỹ thông tin, Ban Quản lý chợ đã thường xuyên truyền truyền, nhắc nhở các tiểu thương ghi chép nhật ký nhập hàng hóa ở từng địa phương. “Từ nay đến Tết Nguyên đán, Ban Quản lý chợ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm buôn bán tại chợ theo quy định; đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch”, ông Hoàng Tiến Sỹ cho biết thêm.

Còn Phó Trưởng phòng Kinh doanh 2 - Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam Trần Đăng Sơn cho biết: Ban Quản lý chợ yêu cầu các tiểu thương bắt buộc lắp đặt tấm chắn giọt bắn, hằng ngày khai báo y tế...; đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc buôn bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản, thực phẩm trên thị trường nói chung, chợ đầu mối nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác giám sát, cảnh báo chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố; tiến hành lấy mẫu tại các chợ đầu mối và chợ có tính chất như chợ đầu mối để cảnh báo nguy cơ cho người tiêu dùng... Ngoài ra, ban quản lý các chợ cần yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho người tiêu dùng Thủ đô.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 10172
Tổng lượng truy cập: 22065804