Chuỗi liên kết giúp ổn định nguồn cung nông sản cho người dân Hà Nội
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô là nhiệm vụ đặt ra đối với ngành nông nghiệp. Ở đó, các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đang đóng vai trò quan trọng.

Lợi ích kép

Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) không còn là cái tên xa lạ đối với thị trường tiêu dùng Hà Nội. Mỗi ngày, đơn vị này đang cung ứng hơn 2 tấn thịt lợn cho người dân. Nhờ mối liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối nên việc tiêu thụ thịt lợn thương hiệu A-Z của hợp tác xã được duy trì ổn định trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kiniko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) cũng là đơn vị đang duy trì tốt chuỗi cung ứng nấm tươi được sản xuất theo quy trình công nghệ Nhật Bản cho thị trường Hà Nội. Trung bình mỗi ngày, đơn vị liên kết với hệ thống kênh phân phối cung ứng khoảng 3 tấn nấm ăn các loại cho người dân.

 

Chăn nuôi lợn tại Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Ảnh: Trọng Tùng.
 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn đến sản xuất, lưu thông, các chuỗi liên kết của Hợp tác xã Hoàng Long hay Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao đã và đang phát huy lợi thế lớn. Sản lượng của các đơn vị không những không giảm mà còn tăng do nhu cầu tiêu dùng lớn.

Thực tế, các mô hình liên kết giữa nông dân với nông dân; giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với DN đang ngày một phổ biến trên địa bàn Hà Nội. Nhờ có chuỗi liên kết, DN không lo thiếu nguồn cung, trong khi chủ thể sản xuất cũng vơi bớt nỗi lo tiêu thụ. Đặc biệt, các chuỗi cung ứng được duy trì giúp bảo đảm sản lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp.

Hình thành chuỗi cung ứng lớn

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, toàn TP hiện đã xây dựng được tổng số 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế từ 15 - 20%, các chuỗi liên kết còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.

“Người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ việc nông sản có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn chất lượng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm…” - ông Chí đánh giá.

Nhiều lợi ích nhưng việc phát triển các chuỗi liên kết không phải đã hết khó khăn. Sự kết dính giữa các tác nhân trong một số chuỗi còn lỏng lẻo. Rào cản tích tụ ruộng đất khiến sản xuất nhỏ lẻ, manh mún còn phổ biến, ảnh hưởng đến nguồn cung và chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, giá cả lương thực, thực phẩm nhìn chung còn bấp bênh. Việc liên kết chưa theo quy luật của thị trường…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc hình thành các chuỗi liên kết là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đặt ra. Điều này không chỉ duy trì ổn định về mặt sản lượng cung ứng, mà còn bảo đảm chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng Thủ đô.

Để hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi liên kết nói chung, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào các cơ chế, chính sách hỗ trợ sau đầu tư, sơ chế, chế biến, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho nông sản.

Ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đang tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung, từ đó hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa lớn. Đồng thời, hỗ trợ về vốn vay từ quỹ khuyến nông để chủ thể sản xuất phát triển nông nghiệp.

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8695
Tổng lượng truy cập: 25332407