Vi phạm giảm nhưng chưa triệt để
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường xây dựng chuỗi liên kết, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Để giám sát chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bán ra thị trường, Hà Nội đẩy mạnh việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục đã lấy 64/2605 mẫu để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm; có 62/64 mẫu đạt (chiếm tỷ lệ 96,9%); 2 mẫu vi phạm (chiếm 3,1%), giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2020. Công tác lấy mẫu, giám sát được tập trung vào các nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Với những mẫu vi phạm, Chi cục tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.
Mặt khác, để kiểm tra phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y trong chăn nuôi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, các trạm chăn nuôi và thú y quận, huyện, thị xã đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện kiểm tra 1.201 lượt cơ sở giết mổ, chăn nuôi, trong đó, cảnh cáo 16 trường hợp, phạt tiền 53 trường hợp với số tiền 54,7 triệu đồng.
Về nguyên nhân vẫn phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố lớn, khoảng 27.355 cơ sở, nhưng đa số quy mô nhỏ lẻ, thậm chí một số cơ sở hoạt động theo thời vụ, gây khó khăn cho việc kiểm tra. Số lượng các cơ sở xếp loại B nhiều nên tần suất đánh giá, kiểm tra dày, trong khi lực lượng chức năng ở địa phương mỏng nên hoạt động chưa hiệu quả. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ... Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc chưa cao, vẫn tiêu thụ với hình thức thô, không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng, giá thành không ổn định...
Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập huấn cho người dân, người tiêu dùng thực phẩm về quy định quản lý và cách lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố để tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát.
Sở phối hợp với các địa phương đẩy mạnh xây dựng kế hoạch công tác phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững cho nông sản an toàn trên địa bàn gắn với vùng nông nghiệp chuyên canh. Cùng với đó, thực hiện công tác lấy mẫu giám sát, cảnh báo, điều tra, truy xuất nguồn gốc, thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở tham mưu thành phố sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt dự án “An toàn thực phẩm nông nghiệp thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2026” sử dụng nguồn vốn ODA. Cùng với đó, kêu gọi đầu tư, có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chợ đầu mối nông sản trên địa bàn thành phố theo quy hoạch để kiểm soát tốt thực phẩm khi lưu thông.
Ở góc độ địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, tăng cường tái kiểm tra đối với những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản xếp loại C không bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không có sự thay đổi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) Phạm Thị Lý, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, ứng dụng mã QR nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)