Ưu tiên phát triển chuỗi liên kết nông sản an toàn
Đổi mới tư duy, ưu tiên tập trung xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thành phố đã đáp ứng tốt nhu cầu nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô và đi đầu trong phát triển chuỗi nông sản an toàn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.


Ngành Nông nghiệp phối hợp với Hội LHPN Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn

 

- Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay, ông có thể chia sẻ những kết quả mà Hà Nội đã tập trung xây dựng để giúp lĩnh vực nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững?

 

- Các mô hình liên kết sản xuất an toàn được thành phố ưu tiên phát triển, nhân rộng nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững được Hà Nội định hướng từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, một số chuỗi liên kết dễ dàng đứt gãy, chưa thật sự phát huy hiệu quả, chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp Thủ đô. Trong đó, có nguyên nhân năng lực của hợp tác xã với vai trò làm cầu nối còn yếu, nông dân chưa thật sự tin tưởng vào chuỗi liên kết. Nhưng đây là câu chuyện của mấy năm trước, giờ đây, với tư duy mới, nhất là vai trò tổ chức sản xuất của ngành Nông nghiệp và sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, những e ngại của nông dân về hiệu quả của chuỗi liên kết đang dần thay đổi. Kiên định mục tiêu cung ứng nguồn nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, cả nước có 1.642 chuỗi liên kết nông sản thì Hà Nội có 141 chuỗi (chiếm 8,8%). 

 

Thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, Hà Nội cũng đã phối hợp tích cực với 21 tỉnh, thành phố và đến nay đã xây dựng được 786 chuỗi rau, thịt an toàn, với 670 điểm bán sản phẩm chuỗi (chiếm 22%). Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đây là điều kiện thuận lợi cho thành phố kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ. Từ đó, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của Thủ đô.

 

- Vậy hiệu quả kinh tế, xã hội đem lại từ việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn như thế nào, hay chỉ dừng ở việc hô hào, phát động phong trào, thưa ông?

 

- Hiệu quả là rất rõ ràng. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ tham gia hợp tác xây dựng. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Thành phố cũng đã phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm với trên 5.000ha sản xuất rau an toàn, 40 mô hình rau áp dụng Hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ (PGS) tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 18 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích trên 1.700ha. Hà Nội có trên 2.500ha VietGAP trồng trọt, 181ha VietGAP nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở VietGAP chăn nuôi, gần 40ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

 

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Hà Nội hiện là trung tâm sản xuất cung cấp các giống cây con chất lượng cao lớn nhất cả nước, hằng năm cung cấp gần 200 triệu giống gia cầm các loại, 3,8 triệu giống lợn, 110 nghìn con trâu, bò, các loại giống cây hoa, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây đô thị... cho hầu hết các tỉnh, thành phố của cả nước. Phát triển liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp của Hà Nội đã phát huy tốt yếu tố đầu mối để khai thông các thị trường giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của cả Hà Nội và tỉnh được ổn định, gia tăng giá trị, từ đó, nâng cao vị thế nông nghiệp Thủ đô. Nông nghiệp Thủ đô đã tạo động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Thực tiễn cho thấy, vài năm trở lại đây, ở nước ta đã và đang hình thành các chuỗi phát triển trên 3 cấp độ: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm địa phương. Tại Hà Nội, nhóm chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực cấp quốc gia và cấp tỉnh đã dần hình thành với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành để thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân sản xuất. 

 

Phát triển chuỗi sản phẩm đặc sản địa phương (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP) cũng được thúc đẩy mạnh, đến nay, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước triển khai thực hiện một cách bài bản, có hệ thống chương trình này. Đến nay, đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch thành phố giao (năm 2019 là 301 sản phẩm, năm 2020 là 753 sản phẩm), trong đó, có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%), của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất kinh doanh. Qua đó, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế theo hướng gia tăng giá trị mà còn góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và ổn định vấn đề an sinh xã hội ở khu vực nông thôn...

 

 - Thưa ông, hiệu quả đã rõ, thế nhưng người tiêu dùng Thủ đô vẫn băn khoăn về việc kiểm soát các chuỗi?

 

- Tôi khẳng định rằng, việc kiểm soát các chuỗi đang được ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai thực hiện và kết quả đạt được là khá tốt. Song song đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn, thẩm định xếp loại, cấp giấy chứng nhận, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm…, công tác tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Lũy kế đến nay, đã tiếp nhận 1.764 bộ hồ sơ tự công bố và được đăng tải trên website bản tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm chế biến bao gói sẵn. Năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lân sản và thủy sản Hà Nội đã lấy 1.765 mẫu nông sản, thực phẩm giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội cũng đã hỗ trợ hướng dẫn, cấp mã tài khoản tham gia quản lý, duy trì cho 2.854 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản. Trên địa bàn thành phố có 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn. 

 

Một kết quả nữa không thể không nhắc tới đó là đã hoàn thiện thủ tục quản lý, minh bạch thông tin của 635 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, 238 doanh nghiệp của 35 tỉnh, thành phố với 8.702 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm lên Hệ thống thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội…  

 

- Như trao đổi ở trên, việc xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ góp phần nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ phát huy lợi thế này như thế nào, thưa ông?

 

- Việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng, tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế đó là sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi còn lỏng lẻo kể cả trong trồng trọt và chăn nuôi. Mặt khác, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng thấp. Nông sản chủ yếu được tiêu thụ qua các phương thức truyền thống thông qua chợ đầu mối, chợ dân sinh… Thói quen tiêu dùng của người dân vẫn sử dụng thịt “nóng”, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nên chưa thúc đẩy được đầu tư vào sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn… 

 

Khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường kết nối các đơn vị, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu có lợi thế của từng vùng, miền với doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi phân phối…, từ đó, đẩy mạnh phát triển chuỗi nông sản an toàn. Sở NN&PTNT cũng sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu, tìm đầu ra cho nông sản an toàn. Duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản an toàn trên địa bàn thành phố...

 

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8696
Tổng lượng truy cập: 25380947