Năm 2020, Trung tâm đã triển khai hơn 20 điểm mô hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc xây dựng các mô hình trình diễn, đào tạo, giới thiệu, thông tin tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính thuyết phục cao khi người nông dân được tận mắt nhìn thấy những kết quả sản xuất nông nghiệp qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Từ đó họ tin tưởng và tự quyết định làm theo. Mô hình còn thu hút nhiều nông dân ở những nơi khác đến tham quan, học tập và áp dụng. Các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nói riêng được triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Nhờ kiểm soát tốt những chỉ số về môi trường, dịch bệnh từ đó đã nâng cao được năng suất, chất lượng thủy sản cải thiện rõ rệt.
Ngày 12/11 vừa qua, đồng chí Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cùng với lãnh đạo Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã có buổi đi thăm mô hình “Sông trong ao” và một số mô hình phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao.
Mô hình “Sông trong ao” thực chất là việc nuôi cá trong một sông rộng khoảng 100m2, sâu 2,5m. Sông này được xây trong một ao lớn rộng khoảng 1ha. Trong sông được trang bị máy tạo dòng, máy sục khí, máy quạt nước, máy cho ăn tự động, máy hút chất thải đáy... bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá, hình thành cho cá thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục 24/24 giờ làm cho thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi cá trong ao nước tĩnh truyền thống. Dòng nước tuần hoàn đẩy chất thải của cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước sông nuôi luôn sạch. Bên ngoài sông, người nuôi tận dụng mặt nước có thể thả cá mè, rô phi, trôi để tăng cường xử lý môi trường nước cho sông nuôi. Đây là những điểm khác biệt của mô hình nuôi cá “Sông trong ao” so với phương pháp nuôi truyền thống. Khi áp dụng công nghệ nuôi cá “Sông trong ao” giúp cho quá trình cá nuôi sinh trưởng và phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn nhiều lần so với cách nuôi cá truyền thống. Với diện tích ao nuôi khoảng 100m2, mỗi 1 lứa cá cho sản lượng đạt khoảng 12 - 15 tấn, gấp 4-5 lần năng suất nuôi truyền thống, mà còn có chất lượng sản phẩm cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng.
Đến thăm mô hình nuôi cá “Sông trong ao” tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Phó Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đánh giá cao những cố gắng của bà con nông dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc phát triển thủy sản. Đồng chí yêu cầu Trung tâm phối hợp với các ban ngành liên quan đánh giá hiệu quả của mô hình nuôi cá “Sông trong ao” tại huyện Ứng Hòa để nhân ra diện rộng. Đặc biệt, huyện Ứng Hòa là địa phương có truyền thống nuôi trồng thủy sản lâu đời trên địa bàn thành phố. Những năm gần đây, thiên tai diễn biến phức tạp nên việc nuôi cá theo phương pháp truyền thống luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho nên nuôi cá theo công nghệ “Sông trong ao” có thể thay thế, tạo hướng đi mới cho người chăn nuôi chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Kiểm tra một số địa điểm dự kiến phát triển thủy sản hàng hóa theo hướng công nghệ cao tại địa bàn thành phố, Đồng chí Nguyễn Huy Đăng yêu cầu Trung tâm phối hợp cùng với địa phương tập trung rà soát những diện tích cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng phát triển mô hình nuôi cá “Sông trong ao”. Khi quy hoạch xây dựng các vùng nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao cần chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng, đảm bảo môi trường, cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm tập trung nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Sở, UBND thành phố định hướng phát triển chăn nuôi thủy sản phù hợp để khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Thời gian tới, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình chuyển giao công nghệ, cập nhật mô hình sản xuất tiên tiến, giới thiệu giải pháp kỹ thuật, giúp người nông dân từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu sang những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu vào cả đầu ra thuận lợi cho người nuôi.