Hình thành vùng nông nghiệp chuyên canh
Những năm gần đây, nhiều địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, hiện nay huyện đã chuyển đổi được gần 1.500ha, trong đó, cây rau màu đã chuyển đổi hơn 141,99ha; cây ăn quả gần 430ha. Ngoài diện tích chuyển đổi, tại những ruộng trồng lúa, Thanh Oai đã chuyển từ giống lúa truyền thống sang giống lúa chất lượng cao với diện tích trên 10.000ha/năm. Qua đó, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tam Hưng; trồng hoa lan nhân cấy mô tại xã Thanh Cao; trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Dân Hòa, Hồng Dương. Các mô hình đều có giá trị từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm.
Cũng về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết: Trên địa bàn huyện đã hình thành 4 vùng phát triển nông nghiệp gồm: Vùng trồng cây ăn quả ở xã Vạn Phúc (hơn 100ha); vùng sản xuất rau an toàn ở các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà (145ha, trong đó hơn 50ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, còn lại theo mô hình rau an toàn liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và nông dân theo hình thức ký hợp đồng trực tiếp - tiêu thụ tốt); vùng trồng lúa chất lượng cao tập trung ở các xã: Tả Thanh Oai, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh... cho năng suất, chất lượng cao; vùng nuôi trồng thủy sản ở các xã: Đại Áng, Đông Mỹ… Những mô hình này đều mang lại giá trị cao cho nông dân, cho thu nhập từ 300 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Đánh giá về hiệu quả của vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hiện nay, Hà Nội có hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn; 40 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích hơn 1.700ha; duy trì hơn 1.300ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP rau, quả, chè; 181ha VietGAP nuôi trồng thủy sản; 88 cơ sở chăn nuôi theo hướng VietGAP; gần 40ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 26 mô hình so với năm 2019). Đặc biệt, để bảo đảm đầu ra thuận lợi, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản...
100% nông sản an toàn được truy xuất nguồn gốc
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như: GAP, HACCP, ISO… quy trình quản lý giám sát truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, ứng dụng nông nghiệp thông minh (đến cuối năm 2020 sẽ có 100% sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn theo chuỗi được truy xuất nguồn gốc điện tử) bảo đảm cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tạo cảnh quan môi trường sinh thái.
Ở góc độ địa phương, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông, trong giai đoạn 2020-2025, huyện xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở các xã đã hoàn thành kế hoạch dồn điền, đổi thửa; phấn đấu đến năm 2025 cơ giới hóa 75% các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra thuận lợi.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản, phấn đấu đến năm 2025 có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sâu sản phẩm rau, củ, quả; các sản phẩm chế biến từ thịt, trứng, sữa được sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao. Cùng với đó, phát triển thêm một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định “một cửa” hỗ trợ hàng hóa nông sản xuất khẩu…
Mặt khác, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh nông sản thực phẩm theo hướng “tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm”; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Cùng với đó là tăng cường đẩy mạnh năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thị trường cho sản phẩm nông sản chủ lực của Thủ đô; phối hợp với các hội, hiệp hội, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài tổ chức giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn, sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu; tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.