Thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội địa - giải pháp duy trì phát triển ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh covid 19
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, sau 6 tháng kể từ khi dịch xuất hiện đã lây lan ra hơn 215 quốc gia/ vùng lãnh thổ, làm cho hơn 10 triệu người mắc và hơn 500 nghìn người tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam đến thời điểm cuối tháng 6 ghi nhận tổng số 355 ca mắc và không có ca tử vong. Dịch bệnh covid 19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội của các nước trên thế giới và đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, theo các số liệu dự báo năm 2020 nhiều nước sẽ có mức tăng trưởng âm.

Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 3,5-4% trong năm 2020 và thậm chí có thể cao hơn nữa, tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ. Cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét, tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam không được như kỳ vọng ban đầu nhưng vẫn có thể đạt mức trên dưới 4% do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cùng các gói hỗ trợ bơm ra cho nền kinh tế kịp thời. Trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng và là bệ đỡ ổn định để hỗ trợ và thúc đẩy các ngành kinh tế khác khắc phục khó khăn để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Theo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 0,83%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 0,78% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020; ngành lâm nghiệp tăng 2,15% nhưng chiếm tỷ trọng thấp; ngành thủy sản tăng 2,37%, chỉ cao hơn mức tăng 2,34% của 6 tháng đầu năm 2013 và 1,25% của 6 tháng đầu năm 2016 trong giai đoạn 2011-2020. Ngành sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là phấn đấu đạt từ 2,5 - 3%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 41 tỷ USD.

 

Các xe container chở Thanh Long chờ xuất khẩu tại cửa khẩu Lào Cai

Dịch bệnh covid 19 đang làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong vấn đề xuất khẩu như đối với sản phẩm cá tra của nước ta giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm đạt 449,5 triệu USD, giảm 27% so với cùng kì năm 2019. Hệ quả của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu là tình trạng dư thừa các nông sản của Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này thì ngành nông nghiệp và các địa phường cần thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản đối với thị trường trong nước.

Thời gian qua một số ngành sản xuất nông sản chủ lực của nước ta tập trung sản xuất để phục vụ xuất khẩu mà bỏ qua thị trường nội địa, khi đại dịch covid 19 bùng phát làm các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nông sản gặp khó khăn trong việc xuất khẩu. Diễn biến dịch bệnh Covid 19 trên thế giới còn rất phức tạp, chưa thể có giải pháp nhanh chóng để dập dịch mà các nước phải cầm cự chọ đến khi tìm ra được vacxin phòng dịch. Vì vậy để khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu và từng bước ổn định phát triển ngành nông nghiệp, chúng ta không còn cách nào khác là thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tiếp nữa chúng ta phải tập trung tái cấu trúc ngành nông nghiệp quy hoạch sản xuất, chế biến phục vụ cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cụ thể:

Tập trung khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Tiếp tục duy trì và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh có quy mô lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ… Đáp ứng yêu cầu nguồn nông sản phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tập trung xây dựng và phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có thị trường thuận lợi. Tập trung rà soát chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường tiêu thụ ổn định. Ưu tiên phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại các địa phương.

Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị.

Tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản với các đối tượng chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.

Tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi để không tái nhiễm; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá bán mặt hàng thịt lợn trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững.

Chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm, tránh dư thừa, gây thiệt hại cho người chăn nuôi; kiểm soát chất lượng và nguồn gốc con giống, nhất là giống nhập khẩu. Khuyến khích các địa phương, người dân mở rộng quy mô đàn gia súc ăn cỏ theo hướng cả thịt và sữa…

Tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh Covid 19 tại các nước có nhập khẩu nông sản của Việt Nam để khôi phục chuỗi cung ứng nông sản sớm nhất có thể.

Vũ Thị Nga - Chi cục QLCL nông lâm sản và thủy sản

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9837
Tổng lượng truy cập: 22584166