Vẫn còn nhiều rào cản
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, nhờ áp dụng các mô hình mạ khay cấy máy, tưới nước nhỏ giọt, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP..., các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn từng bước được hình thành ở nhiều địa phương. Công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tăng ít nhất 35% giá trị sản phẩm, giảm 50% chi phí trong sản xuất nông nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thư, ở thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập (huyện Mê Linh) cho biết: "Chúng tôi đã được cán bộ khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật khi trồng giống lúa Japonica của Nhật Bản. Năng suất đạt hơn 6,2 tấn/ha/vụ, trừ chi phí thu về khoảng 31 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2 lần các giống lúa khác". Tương tự, anh Bùi Văn Chung, ở thôn Bái Lâm Thượng, xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa) thông tin: "Từ việc ứng dụng kỹ thuật mới - trồng dưa lưới trong nhà màng, gia đình tôi đã có thu nhập gần 1 tỷ đồng/ha, cao hơn 20% khi canh tác theo phương thức cũ".
Tuy nhiên, những trường hợp như bà Thư, anh Chung không phải là phổ biến. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thượng (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết: "Hợp tác xã đầu tư 5.000m2 trồng rau trong nhà kính, nhiều nhất là dưa lưới. Tuy nhiên, do hạn chế về kỹ thuật nên có những thời điểm dưa lưới không ra hoa, đậu quả".
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường, để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, các hộ dân phải đầu tư chuồng trại khép kín từ hệ thống làm mát đến máng ăn tự động với chi phí cao hơn 20% so với chăn nuôi thông thường trong khi giá bán không cao hơn.
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trên thực tế đã vấp phải một số rào cản chính, như: Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít; nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay, lệ thuộc vào tập quán sản xuất cũ - nhỏ lẻ, manh mún, vì khả năng làm chủ kỹ thuật, quy trình trồng trọt, chăn nuôi hiện đại còn hạn chế...
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để thúc đẩy việc đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, bà Vũ Thị Hương thông tin: “Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ đa dạng hóa chương trình hỗ trợ kỹ thuật mới cho nông dân. Ngoài mô hình trình diễn, trong năm 2020, trung tâm tổ chức thêm chương trình "Nhịp cầu nhà nông" tới tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Đây là cơ hội để nông dân trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học, từ đó có thêm kiến thức bổ ích về trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào sản xuất”.
Dưới góc độ chính quyền địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Lừng cho biết, muốn đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, phải chỉ rõ được lợi ích khi người nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật ấy vào sản xuất. Do vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ xây dựng nhiều hơn nữa các điểm trình diễn để người nông dân "trăm nghe không bằng một thấy".
Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến hàng nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Thị Hạnh Hiếu cho hay, doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp giống, kỹ thuật, kinh phí hỗ trợ cho nông dân nhưng phải bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp. "Thành phố cần có chính sách khuyến khích về thuế, lãi suất ngân hàng khi doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ đến với người nông dân. Nếu doanh nghiệp thu mua được sản phẩm, nông dân có kỹ năng sản xuất hiệu quả, thì nhà nước cũng thu thuế được nhiều hơn", bà Bùi Thị Hạnh Hiếu nói.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần đưa ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên 4% trong năm 2020. Các địa phương cần tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích nông dân thực hiện cơ giới hóa, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
"Sở cũng sẽ đề xuất thành phố có cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với khả năng tiếp cận của người nông dân và điều kiện cụ thể ở từng địa phương để tăng năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp", ông Chu Phú Mỹ nói.