Từ cây trồng truyền thống đến sản phẩm 4 sao
Bắc Sơn là một xã trung du, nằm ở phía Bắc huyện Sóc Sơn, giáp ranh với một số xã của tỉnh Thái Nguyên. Với địa đình vùng đồi gò và khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm, xã Bắc Sơn có nhiều lợi thế phát triển cây chè. Loại cây này có mặt trên đất Bắc Sơn từ năm 1960, phát triển mạnh những năm 1990 - 1992 và hiện là cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chúng tôi cùng Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý rảo bước trên những nương chè bạt ngàn, xanh tốt, phủ khắp các triền đồi của xã. Tuổi thơ của chị Quý là những năm tháng chập chững theo cha mẹ lên nương chè, quen hương thơm và thứ vị vừa đắng lại có chút ngọt của những búp chè non được hái khi sương sớm. Chị kể rằng: “Trước đây, người Bắc Sơn trồng chè nhiều lắm, chỗ nào cũng có chè, nhưng manh mún mỗi nơi một ít, chủ yếu là các giống chè cũ, nhiều cây đã cằn cỗi nên năng suất không cao. Chè làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu uống chè tươi, sau này chè khô cũng chỉ làm thủ công và chè thành phẩm được đóng trong những chiếc túi bóng rất đơn giản. Hồi ấy, thu nhập từ trồng chè chẳng đáng là bao nên đời sống người dân còn vất vả”.
Nhìn vào đôi mắt của chị Quý, chúng tôi cảm nhận được những trăn trở, suy tư của một người nông dân luôn mong muốn thay đổi phương thức canh tác cũ, thay đổi quan niệm làm ăn để quê hương sớm thoát cảnh nghèo, vươn lên giàu mạnh. Bởi thế, chị đã cùng với cán bộ lãnh đạo xã Bắc Sơn quyết tâm tìm ra hướng đi mới trong phát triển cây chè với mục tiêu trên hết là nâng cao đời sống người dân. Đảng bộ, chính quyền xã Bắc Sơn đã chỉ đạo thực hiện Chương trình chuyển đổi diện tích chè giống cũ sang cây chè giống mới có năng suất, giá trị cao. Bên cạnh đó, chỉ đạo thành lập HTX nông lâm nghiệp xã Bắc Sơn để làm nòng cốt trong thực hiện chương trình. Những ngày đầu, việc thành lập HTX gặp nhiều khó khăn do người dân còn e dè, chưa hiểu được lợi ích kinh tế mà HTX mang lại. Chị Quý là người trực tiếp đi vận động, tuyên truyền đến từng hộ trồng chè để cùng nhau đóng góp, thành lập HTX chè bước đầu chỉ với 7 thành viên. Đến nay, HTX đã có 30 hộ thành viên triển khai đưa các giống chè mới vào sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị cho sản phẩm chè.
Sơ chế nguyên liệu chè tại HTX nông lâm nghiệp Bắc Sơn, Sóc Sơn
Trên diện tích 300ha, hằng năm sản lượng chè Bắc Sơn đạt từ 1,2 - 1,5 tấn chè khô/ha. Nhờ đó, doanh thu của HTX không ngừng tăng, thu nhập của thành viên HTX đạt từ 3 - 5 triệu đồng/thành viên/tháng. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm cho nhiều người lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, gia tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn xã. Sau nhiều nỗ lực, năm 2012 sản phẩm chè của Bắc Sơn đã được thành phố Hà Nội cấp nhãn hiệu tập thể “Trà sạch Bắc Sơn”. Nhờ đó, sản phẩm chè Bắc Sơn được khách hàng tin dùng, có vị thế cạnh tranh trên thị trường. Thành công hơn nữa là cuối năm 2019, bộ sản phẩm “Trà sạch Bắc Sơn” đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là niềm vinh dự, cũng là dấu mốc mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho một hương hiệu trà sạch ở Thủ đô.
Mở rộng thị trường
Kỳ vọng của các thành viên HTX nông lâm nghiệp Bắc Sơn cũng như người trồng chè ở xã Bắc Sơn là sau khi được công nhận OCOP 4 sao, thị trường của “Trà sạch Bắc Sơn sẽ ngày càng được mở rộng, đầu ra sản phẩm ổn định hơn”. Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý cho biết, từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm chè Bắc Sơn đã được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm còn hạn chế, mới chỉ cung cấp tại các cơ quan hành chính của huyện Sóc Sơn. Bên cạnh đó, HTX ký kết hợp đồng buôn bán nhỏ lẻ với một số doanh nghiệp nhỏ và vừa với số lượng khiêm tốn. Do đó, vẫn xảy ra tình trạng chè tồn kho, phải bán với giá thấp. Người dân Bắc Sơn từ lâu luôn mong muốn được mở rộng đầu ra sản phẩm. Vì vậy, việc được công nhận OCOP 4 sao sẽ là cơ hội để thương hiệu “Trà sạch Bắc Sơn” đến được khắp mọi miền, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho người trồng chè ở Bắc Sơn.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ của chè Bắc Sơn đa số trong khu vực Hà Nội. Bên cạnh đó, cũng có một số công ty nước ngoài đến tiêu thụ nhưng nguồn cung không đủ nên HTX không thể ký hợp đồng. Trong khi đó, nhiều hộ dân trồng chè không thuộc HTX lại bị tư thương ép giá. Do đó, chị Quý cho biết, hiện nay HTX đang xây dựng kế hoạch thu mua thêm chè của các hộ dân trên địa bàn để chế biến, mở rộng kinh doanh. Cùng với đó, HTX cũng tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường. Trên cơ sở thương hiệu đạt OCOP 4 sao, HTX nông lâm nghiệp Bắc Sơn mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp ngành từ thành phố, huyện, xã trong việc kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện để sản phẩm “Trà sạch Bắc Sơn” được tham gia quảng bá thương hiệu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài thành phố. Với tất cả nhiệt huyết của những người sinh ra lớn lên cùng cây chè, người dân Bắc Sơn mong rằng chè Bắc Sơn sẽ sớm xuất hiện trên kệ hàng của các siêu thị lớn trên toàn quốc.