Đông Anh là địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội triển khai khảo sát đánh giá sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Đây là cơ sở để thực hiện chương trình này trong năm 2020 và những năm tiếp theo (2021-2025).
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về lộ trình và giải pháp của huyện để đạt được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, Chương trình OCOP sẽ là giải pháp để Đông Anh đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.
- Ngày 8-7-2019, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 3629/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020. Từ đó đến nay, huyện Đông Anh đã triển khai chương trình như thế nào, kết quả bước đầu ra sao, thưa ông?
- Chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị… Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa đó, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 2-8-2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm huyện Đông Anh đến năm 2020" và tập trung chỉ đạo thực hiện. Đông Anh có 133 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP huyện đến năm 2020, trong đó đã có 20 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP thuộc 3 nhóm hàng thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ. Trong số này có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm còn lại đạt 3 sao.
Từ những kết quả bước đầu, Đông Anh đề ra mục tiêu trong năm nay sẽ có 40-45 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.
- Bên cạnh kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, quá trình triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
- Công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình OCOP tại các xã, thị trấn chưa thực sự sâu rộng. Sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan chưa quyết liệt, đồng bộ. Điều đó dẫn đến các cơ sở sản xuất cũng như sản phẩm tham gia chương trình này trong năm qua còn ít so với tiềm năng của các địa phương trên địa bàn huyện.
Mặt khác, do quy mô sản xuất của nhiều đơn vị còn nhỏ, đầu tư cho công nghệ còn thấp nên giá trị sản phẩm chưa cao. Dù nhiều sản phẩm có ưu thế, song chưa vươn xa, chưa khẳng định được vị thế do chưa chủ động được về vùng nguyên liệu và công nghệ chế biến. Trong khi đó, đây lại là điều kiện tiên quyết để sản phẩm phát triển bền vững và mang lại giá trị cao.
Ngoài ra còn một số khó khăn khác liên quan đến hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP như: Hồ sơ công bố chất lượng và các quy trình giám sát, quản lý sản phẩm; hệ thống tem nhãn truy xuất nguồn gốc; đăng ký mã số, mã vạch toàn cầu; thiết kế hệ thống nhận diện sản phẩm; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ...
- Vậy ông có thể cho biết giải pháp mà Đông Anh sẽ triển khai để tháo gỡ những khó khăn, hoàn thành mục tiêu huyện đã đề ra trong năm nay?
- Ngày 14-2-2020, UBND huyện Đông Anh đã ban hành kế hoạch xây dựng Đề án phát triển nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025 theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn thành lập tổ điều tra, khảo sát do đồng chí chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch UBND xã, thị trấn phụ trách kinh tế làm tổ trưởng và tiến hành điều tra, khảo sát các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp chủ lực, tiềm năng và các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn… Huyện đề ra mục tiêu là toàn bộ 24 xã, thị trấn phải có ít nhất 2 sản phẩm trở lên tham gia đăng ký Chương trình OCOP. Các sản phẩm lựa chọn sẽ gắn liền với quy hoạch phát triển lên quận của huyện Đông Anh, căn cứ theo thế mạnh để có điều kiện đầu tư, phát triển…
Ngày 4-3 vừa qua, UBND huyện đã triển khai công tác khảo sát, điều tra xây dựng Đề án OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025 theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP… Qua đó, những thắc mắc trong việc triển khai chương trình đã được cấp ngành quản lý, các chuyên gia giải đáp và chỉ rõ hướng đi cho từng loại sản phẩm; những yêu cầu thủ tục cũng như những chính sách hỗ trợ đã được tuyên truyền cụ thể đến từng địa phương và các chủ thể sản phẩm tham gia đăng ký…
- Như ông đã nói, Chương trình OCOP tạo nền tảng cho nền nông nghiệp 4.0 của huyện. Vậy, ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Theo quy định, các sản phẩm OCOP được phân làm 5 hạng, tương ứng từ 1 đến 5 sao, trong đó sản phẩm 5 sao có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đây chính là động lực, là giải pháp để các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp 4.0 với các sản phẩm có thể vươn ra thế giới. Do đó, Đông Anh coi Chương trình OCOP là nền tảng để phát triển nông nghiệp.
Trong quá trình triển khai, huyện sẽ vận dụng các cơ chế hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến; đồng thời vận dụng các chính sách để chủ sản phẩm được tiếp cận nguồn vốn vay, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ...
Để tạo động lực thúc đẩy Chương trình OCOP, huyện đã tổ chức gắn tem truy xuất QR code cho gần 600 sản phẩm tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nhằm giám sát chất lượng sản phẩm. Đây là cơ sở để phân loại cũng như hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hình thành kênh phân phối, liên kết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi hàng hóa. Từ đó từng bước xây dựng nền nông nghiệp 4.0 hiện đại và mang bản sắc riêng của huyện Đông Anh…
- Trân trọng cảm ơn ông!