Thực hiện đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”, đến nay, huyện Gia Lâm đã hình thành 14 vùng sản xuất cây ăn quả, quy mô từ 20ha trở lên; 5 vùng rau tập trung, quy mô từ 20 đến 200ha; hơn 916ha sản xuất quả an toàn và VietGAP; gần 440ha sản xuất rau an toàn và VietGAP...
"Đặc biệt, các xã trên địa bàn huyện đã thành lập được 125 tổ, nhóm chỉ đạo, giám sát nông dân tham gia sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, hình thành những mô hình liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm", Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết.
Xã Yên Viên là địa phương điển hình của huyện Gia Lâm trong xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên Ngô Duy Hưng, toàn xã có hơn 22ha trồng rau. Trước đây, xã viên, nông dân phải tự tìm nơi tiêu thụ sản phẩm, song vài năm trở lại đây, hợp tác xã đã liên kết với một số hộ gia đình làm đầu mối thu gom 50% sản lượng rau an toàn của xã để cung cấp cho các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Hiện, doanh thu từ rau ở Yên Viên đạt khá cao, từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. “Đầu năm 2020, thông qua Phòng Kinh tế huyện giới thiệu, hợp tác xã đã liên hệ với một số đơn vị bao tiêu sản phẩm rau gia vị, rau cải. Nếu hợp đồng được ký kết, sẽ có thêm khoảng 20% sản lượng rau của Yên Viên được tiêu thụ ổn định” - ông Ngô Duy Hưng thông tin thêm.
Ông Phan Xuân Viền ở thôn Lã Côi (xã Yên Viên) chia sẻ: "Gia đình tôi trồng rau cải, mỗi năm thu hoạch hơn 40 tấn. Nhờ hợp tác xã giúp kết nối tiêu thụ sản phẩm với các công ty, đơn vị... nên gia đình tôi vừa không phải lo đầu ra sản phẩm, vừa có thu nhập ổn định".
Tương tự, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá cũng là đầu mối kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ với người nông dân. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, hiện nay, riêng một số doanh nghiệp chế biến suất ăn công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, bếp ăn của các trường mầm non trên địa bàn huyện Gia Lâm... đã tiêu thụ khoảng 20.000 tấn rau, củ/năm. Mặt khác, Hợp tác xã còn có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát bà con nông dân trồng, chăm sóc rau bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm.
Tại xã Văn Đức, Hợp tác xã Sản xuất - kinh doanh dịch vụ nông nghiệp cũng đã kết nối với nhiều siêu thị, công ty, bếp ăn trường học… xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ khoảng 2 tấn rau/ngày và xuất khẩu rau tới thị trường một số quốc gia…
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, toàn huyện có 22 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ nông sản, tiêu biểu là mô hình rau thủy canh ở xã Đa Tốn, cam Báo Đáp xã Kiêu Kỵ, ổi Đông Dư, cung cấp cho hệ thống siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh với sản lượng 29 tấn/ngày... Giá trị sản xuất rau, quả đạt bình quân 300-500 triệu đồng/ha/năm; một số mô hình ở các xã: Kiêu Kỵ, Yên Viên, Phù Đổng, Đặng Xá, Văn Đức, Lệ Chi... có thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm xây dựng thêm nhiều chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định” - ông Nguyễn Tiến Hoàng khẳng định.