Chung sức đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp một số khó khăn do sản lượng tiêu thụ chậm; một số mặt hàng rau, thịt gia cầm dù giá đang nhích lên so với đầu tháng 2-2020 nhưng vẫn ở mức thấp. Trong thời điểm có nhiều yếu tố khách quan bất lợi như hiện nay, giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản bảo đảm có lãi và phát triển ổn định đang cần sự vào cuộc, chung sức của cơ quan quản lý, doanh nghiệp - hệ thống bán lẻ và chính bà con nông dân.

Nông sản đang chịu nhiều tác động

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), ngày 27-2, giá các loại rau bắp cải, cải thảo… giảm khoảng 10-15% so với tuần trước. Cụ thể, nông dân đang bán bắp cải giá 8.000 đồng/kg, cải thảo 10.000 đồng/kg - giảm 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Không những giá bị giảm mà sức tiêu thụ cũng giảm. Trước đây, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã bán 40-50 tấn rau xanh các loại, nay chỉ còn hơn 30 tấn; số còn lại nông dân tự tìm cách tiêu thụ… Bà Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán rau ở Trung tâm chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) thông tin, trước đây, trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán 4-5 tạ rau xanh các loại thì thời điểm này chỉ bán được 1-2 tạ. Thậm chí, nhiều khách hàng "ruột" còn đóng cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, không mua hàng trở lại khiến việc tiêu thụ chậm.

Còn ông Bạch Văn Nghị ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết: "Gia đình tôi đang nuôi hơn 200 con vịt thương phẩm, đã đến kỳ xuất bán, nhưng thương lái chỉ trả 25.000 đồng/kg. Với giá này dù biết bị lỗ nhưng vẫn phải bán vì mỗi ngày chi phí cho việc mua thức ăn tiêu tốn khá lớn". Phó ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) Lê Hùng Quang thông tin thêm, ngày 27-2, giá gà Mía đang bán tại chợ 90.000-100.000 đồng/kg, gà công nghiệp 24.000-28.000 đồng/kg… Mặc dù mức giá này đã nhích lên so với đầu tháng 2-2020 nhưng vẫn thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng gia cầm bán tại chợ giảm, chỉ còn 20-25 tấn/ngày (giảm 10-15 tấn/ngày so với trước đây)...

Lý giải về tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện nay, thời tiết nắng ấm, một số loại rau ăn lá phát triển mạnh, sản lượng tăng… dẫn tới giá rẻ. Đối với gia cầm, do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi nên tổng đàn gia cầm toàn thành phố hiện đạt 37 triệu con, tăng 15,8% so với năm 2018. Thực tế, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường học, bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp chưa hoạt động trở lại; các dịch vụ lễ hội cũng không được tổ chức… dẫn tới nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sụt giảm so với mọi năm và tác động xấu đến giá cũng như sản lượng nông sản tiêu thụ trên thị trường. Thực tế này cho thấy, sản xuất nông sản đang bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố thị trường và những yếu tố khách quan bất lợi.

Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường

Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc thu mua miền Bắc của Công ty Aeon Việt Nam cho rằng, trước hết các hợp tác xã, người sản xuất cần nâng cao tiêu chuẩn về đóng gói, bao bì, chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ; hướng dẫn người dân ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng… nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua.

Còn ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) kiến nghị, các ngành chức năng cần hỗ trợ cho người sản xuất khi có diễn biến bất lợi về thị trường, trong đó, ưu tiên xử lý đối với các sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn ngày như rau, củ, quả… Song song đó, cần bám sát tình hình hoạt động sản xuất, thị trường, kịp thời thông tin để người dân biết và điều chỉnh hướng sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường.

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ liên kết đến sản xuất, bảo đảm nguồn hàng ổn định cho các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích với giá cả ổn định. Về trước mắt, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan, lập danh sách các hợp tác xã, đầu mối thu mua nông sản uy tín để cung cấp cho các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp thu mua theo nhu cầu, góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ.

"Về lâu dài, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của hệ thống bán lẻ hiện đại kết hợp với ngành công nghiệp chế biến... nhằm đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, giảm rủi ro. Một yếu tố quan trọng nữa là, các địa phương cần tích cực vận động, tuyên truyền, khuyến cáo người dân sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu; thâm canh, gối vụ (như trồng xen canh giống rau dài ngày và ngắn ngày để thu hoạch rải vụ); đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thời hội nhập kinh tế…", ông Tạ Văn Tường nói.

Nguồn: Hanoimoi.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 12272
Tổng lượng truy cập: 25435431