Sinh ra trong cái nôi làm nghề canh cửi, 6 tuổi, bà Thuận đã biết hái dâu nuôi tằm và đến nay, chưa có ngày nào bà rời xa nong tằm, nong kén. Kể lại cơ duyên đến với nghề trồng dâu nuôi tằm, bà Thuận nhớ lại: Những năm 70 của thế kỷ trước, vùng đất này một thời được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc, với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy.
Đến năm 1984, dâu tằm bị “thất sủng”, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề. Thương con tằm không “nơi nương tựa”, bà một mình âm thầm gây dựng lại từng nong kén, ngày ngày đạp xe đi xin lá dâu ngoài bờ bụi để duy trì nghiệp tổ.
“Có lúc tôi phải đạp xe hơn 20 km xuống tận nông trường Thanh Hà (Hòa Bình) để lấy lá về cho tằm ăn. Đúng là trời không phụ lòng người, việc trồng dâu nuôi tằm khi đó đã có dấu hiệu khởi sắc. Hàng xóm thấy vậy cũng học theo tôi để gây lại những nong tằm. Từ đó, nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Phùng Xá và nhiều nơi trong huyện Mỹ Đức bắt đầu phục hồi thế nhưng chỉ được vài năm, giá tằm rớt thê thảm, bán không ai mua”, nghệ nhân Phan Thị Thuận ngậm ngùi nhớ lại.
Không thể khoanh tay đứng nhìn con tằm chết yểu, bà Thuận quyết đi tìm đầu ra cho tơ tằm. Lúc đầu bà tìm đến các làng nghề, rồi tìm hiểu đầu ra, cùng họ hợp tác. Song cách này cũng khó có thể lâu dài được. Trong lúc bế tắc, bà chợt nghĩ mình đã trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ thì tại sao không làm thành một quy trình sản xuất khép kín, để tằm tự dệt tơ thành các thành phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ?
Mất bao ngày đêm trăn trở, bà Thuận nghĩ ra ý tưởng độc đáo, con tằm cũng chính là một người thợ. Bản thân đã tự đan cho mình chiếc kén đẹp hoàn hảo thì tại sao lại không khiến chúng tự dệt nên những tấm chăn...
Nghĩ là làm, ngày đêm bà mày mò bên những nong tằm, huấn luyện, điều khiển chúng dệt lụa. Bước đầu thử nghiệm, bà không làm tổ cho tằm mà để chúng nhả tơ một cách tự do. Vài chục con tằm do không có nơi bấu víu nên không thể cuộn tròn lại để cuốn kén, mà cứ bò lung tung theo bản năng neen bà lại phải sắp xếp chúng thành hàng lối. Ngày đêm, bà Thuận quên ăn, quên ngủ để trông coi, quan sát lứa tằm rút ruột nhả tơ.
Chia sẻ kĩ năng bắt con tằm làm thợ, bà Thuận nói: “Tằm không có tổ nên không thể kéo kén tròn theo lẽ thường nhưng do chức năng phải nhả tơ khi đến kỳ nên chúng buộc nhả tơ vào không gian. Tôi đã đem đặt chúng sát với nhau trên một mặt phẳng và kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm thảm bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp, lại tiết kiệm được chi phí nhờ giảm bớt nhiều công đoạn phức tạp như kéo kén, ươm tơ, cào bông…”
Mất hơn một năm với 8 lứa tằm thử nghiệm, rồi những tấm vải, tấm chăn do tằm tự dệt đầu tiên cũng đã hoàn thành. Bà Thuận đưa thành phẩm vào nồi đun nấu, tấm chăn bung nở bóng mịn, ấm áp đến lạ thường. Năm 2012, bà Thuận chính thức “trình làng” sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên có trong lịch sử loài người: Chăn tơ do tằm tự dệt. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt Giải nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015.
Từ sản phẩm chăn tơ do tằm tự dệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao. Sản phẩm của bà Thuận đã được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, sản phẩm chăn bông, vải lụa tơ tằm của bà đã có mặt ở những thị trường như: Nhật, Thái, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út … mang đến lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng/năm.
Có thể nói, đây là một sáng tạo đầy bất ngờ, đồng thời cũng là một kỹ thuật quan trọng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống.
Thành công với kỹ thuật dệt mới, nghệ nhân Phan Thị Thuận lại trăn trở, suy nghĩ để làm ra một sản phẩm tơ mới. Sau 2 năm vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho ra lò những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen. Thứ sợi tơ chỉ có ở cuống sen, bộ phận thường bỏ đi trong cây sen.
Bà Thuận chia sẻ: “Ý tưởng sản xuất ra tơ sen xuất hiện khi có một vị khhách đến thăm xưởng sản xuất của tôi và gợi đến loại lụa dệt từ tơ sen mà người Myanmar và Campuchia đã làm. Chuyện về tơ sen cứ luẩn quẩn trong đầu tôi mãi bởi ao sen trong vùng nhiều, thân sen trước nay là thứ bỏ đi, nên việc “bắt” loài cây ấy nhả tơ chưa ai từng nghĩ tới”.
Đến năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho Viện Kinh tế sinh thái thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” với sự hợp tác của Myanmar. Trong hai năm, mô hình của đề tài được thực hiện tại thôn Hạ (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội).
Khi đó, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do nghệ nhân Phan Thị Thuận làm Giám đốc đã được chọn để hợp tác cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sản xuất lụa tơ sen. Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã thực nghiệm trồng giống sen hồng đơn. Đặc biệt, bà đã tổ chức sản xuất thử thành công sợi sen và tập huấn cho một số công nhân nghề trồng sen và sản xuất sợi.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết quãng thời gian thử nghiệm sản xuất tơ sen là vô cùng khó khăn,trải qua rât nhiều lần thất bại, bà đã tìm ra được phương thức tối ưu nhất để lấy được tơ từ se và những sợi tơ sen đầu tiên đã ra đời.
Bà Thuận chia sẻ, tất cả công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều phải chỉn chu và rất cầu kỳ khéo léo. Để dệt chiếc khăn dài 1,7 mét rộng 0,25m cần tới 4.800 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng 1 tháng...
“Để làm được một chiếc khăn từ tơ sen phải mất hơn một tháng mới có thể hoàn thiện. Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng khoảng một ngày sau khi thu hái nếu không cọng sẽ bị khô lại, tơ sẽ bị biến chất hoàn toàn. Khi thợ rút tơ sẽ cắt ngắn cọng sen thành những đoạn dài 3-4 cm rồi dùng tay bắt đầu kéo, miết qua mặt bàn dấp dính nước. Sau đó bện từng sợi tơ lại với nhau cho đến khi chúng đủ dày, cứ thế, những sợi tơ sau nối tiếp vào những sợi tơ trước thành một cọng tơ dài.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận luôn đau đáu nặng lòng với nghề, bà không chỉ giữ gìn được nghề dệt sợi truyền thống mà còn phát triển nghề lên 1 tầng cao mới. Bà Thuận cũng luôn mong muốn các sản phẩm từ tơ sen của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, đưa thương hiệu tơ lụa sen ra thế giới, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và đặc biệt là giữ gìn và phát huy nghề truyền thống ông cha để lại.