Kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn cho Hà Nội: Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Hợp tác, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội năm 2019 đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý, không những thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của các địa phương mà còn chủ động được nguồn cung nông sản an toàn cho người dân Thủ đô.

Kênh kết nối bảo đảm chất lượng

Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội ngoài việc rà soát quy hoạch, phát triển sản xuất đã tích cực trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Theo đó, đã xây dựng, phát triển được 727 chuỗi (tăng 184 chuỗi, đạt tỷ lệ 34% so với năm 2018). Riêng thành phố Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó, 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong đó các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Cụ thể, đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê; đã cấp 8 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận để tập trung truyền thông, quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm an toàn theo chuỗi.

Điểm nổi bật trong kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn là công tác quản lý, bảo đảm ATTP ngày càng chặt chẽ. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã tăng cường nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, ATTP nông sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, trọng tâm là sản phẩm rau, thịt; đồng thời lấy mẫu giám sát điều kiện ATTP, quy trình sản xuất... Theo đó, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã lấy 3.266 mẫu sản phẩm nông sản để giám sát chỉ tiêu ATTP. Ông Tạ Văn Tường cho biết, thông qua giám sát đã phát hiện 181 mẫu nông sản vi phạm, chiếm tỷ lệ 5,5%, trong đó, phát hiện 7 mẫu vi phạm có nguồn gốc ngoại tỉnh. Đối với các mẫu của các tỉnh vi phạm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã được thông báo kịp thời cho các tỉnh để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm và có giải pháp khắc phục quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng nông sản cung cấp cho người tiêu dùng.

Đánh giá về sự hợp tác, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội năm 2019, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Các sản phẩm nông sản an toàn của các tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội ngày càng được thị trường Hà Nội tiếp nhận với số lượng lớn. Qua đó, không những thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của các địa phương mà còn chủ động được nguồn cung nông sản an toàn cho người dân Thủ đô.

Hướng tới liên kết bền vững

Tuy vậy, theo Sở NN&PTNT, công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội năm 2019 vẫn còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Bởi hiện nay, một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, có vùng được quy hoạch lại không phát triển được, cũng có vùng sản xuất phát triển mới lại không sản xuất theo quy hoạch... Mặt khác, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ...; chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp. Việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp. Hoạt động liên kết đưa sản phẩm của các hợp tác xã, hộ nông dân tiêu thụ trong các siêu thị và chuỗi cửa hàng hiện đại còn nhiều khó khăn, thách thức về sự ổn định về chất lượng, giá cả, vận chuyển, bảo quản... Đặc biệt là việc vận chuyển nông sản, nhất là nông sản tươi sống còn nhiều hạn chế về phương tiện vận chuyển hiện đại, ảnh hưởng tới thời gian, tiến độ cung ứng, chất lượng sản phẩm...

Khắc phục hạn chế trên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, cần sự nỗ lực từ nhiều phía trong việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội. Theo đó, Bộ NN&PTNT cần định hướng tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tránh việc các địa phương cùng sản xuất hàng hóa lớn đối với cùng một mặt hàng, làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản khi dư thừa nguồn cung sản phẩm. Các bộ, ngành liên quan cần định hướng phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến nhằm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm thô, sản phẩm tươi, kéo dài vòng đời sản phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Còn đối với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về triển khai kế hoạch, chương trình phối hợp quản lý chất lượng, ATTP và công tác phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội. Cùng với đó, chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về những vấn đề nóng, như tình hình dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện vệ sinh thú y... để thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Mặt khác, chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, sản phẩm đặc sản, sản phẩm an toàn chủ lực của từng địa phương với thành phố Hà Nội. Gắn chặt liên kết vùng để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất VietGAP, bền vững; sản xuất các sản phẩm chủ lực vào từng địa phương và sản phẩm đặc sản thế mạnh của vùng, miền; tăng cường công tác quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng mã QR nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc... Có như vậy, công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản mới bền vững.

Nguồn: HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 18742
Tổng lượng truy cập: 25453877