Hợp tác xã: Tiên phong xây dựng chuỗi liên kết nông sản

Liên kết các thành viên cùng xây dựng những mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao; kết nối, hình thành kênh tiêu thụ ổn định… là hoạt động hết sức có ý nghĩa của các hợp tác xã trong thời gian qua. Tiên phong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, các hợp tác xã đã, đang khẳng định vị thế, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Chọn mua nông sản sạch của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát tại điểm giới thiệu sản phẩm huyện Thanh Trì. Ảnh: Bá Hoạt

Cầu nối liên kết sản xuất, tiêu thụ

Chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo chất lượng cao tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) là một trong những mô hình liên kết quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao của ngành Nông nghiệp Thủ đô. Chủ nhân của chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo chất lượng cao này là Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng. Ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hiện nay Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng có khoảng 2.700 hội viên tham gia sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 730ha, trong đó diện tích sản xuất lúa hàng hóa lên đến 500ha. Năm 2015, nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm gạo Bối Khê. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm gạo thơm Bối Khê sản xuất với quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm tiêu thụ ổn định tại các cửa hàng tiện ích, kênh phân phối và một số nhà hàng trên địa bàn thành phố thông qua việc điều hành của hợp tác xã.

Tương tự, Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) đang quản lý một chuỗi chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường chia sẻ: “Năm 2014, tôi bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học với 30 con lợn giống, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả kinh tế và muốn nhân rộng mô hình để giúp đỡ các hộ nông dân cùng sản xuất sạch nên năm 2016, tôi thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm với 10 thành viên. Trong đó, 7 thành viên đảm nhận chăn nuôi lợn an toàn sinh học và 3 thành viên chuyên về khâu giết mổ, đóng gói, vận chuyển thịt lợn thành phẩm cho các cửa hàng, siêu thị. Hiện tại, hợp tác xã đã xây dựng được quy trình sản xuất từ 130 đến 150 con lợn/hộ, trung bình mỗi ngày, xuất bán ra thị trường từ 4 đến 5 tạ thịt lợn bảo đảm an toàn thực phẩm.

Về vai trò của hợp tác xã

trong phát triển các chuỗi nông sản, ông Lê Nam Khánh - Giám đốc Sàn thương mại điện tử GCAECO (Công ty cổ phần Kết nối thanh toán toàn cầu) cho biết, mô hình hợp tác xã đang phát huy hiệu quả trong việc kết nối nông dân với nhau và kết nối với doanh nghiệp. Hiện nay, các đơn vị tiêu thụ luôn lựa chọn những sản phẩm được bảo vệ pháp lý về chất lượng bởi các hợp tác xã.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có nhiều hợp tác xã đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất, tiêu thụ của mình, đóng góp thiết thực vào quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, để các hợp tác xã phát huy vai trò là đầu tàu trong liên kết, kết nối nông dân và doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương đồng hành và tư vấn xây dựng 89 mô hình hợp tác xã tổ chức sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi trên nhiều lĩnh vực. Các chuỗi sản xuất, kinh doanh nông sản mang giá trị kinh tế cao, có hợp tác xã doanh thu vài tỷ đồng mỗi năm, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều thành viên.

Phát triển chuỗi nông sản chủ lực

Xây dựng và phát triển chuỗi nông sản, các hợp tác xã cần sự hỗ trợ rất lớn trong hoạt động xúc tiến thương mại. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh chia sẻ, ngoài công nghệ, giống, các hợp tác xã mong muốn được thành phố hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nông sản Hà Nội đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài thành phố.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong cho biết, từ đầu năm đến nay, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã hỗ trợ gần 100 hợp tác xã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về xúc tiến thương mại với sự tham gia của hơn 500 hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận. Qua những hoạt động như vậy, các hợp tác xã đã kết nối giao thương, giới thiệu quảng bá sản phẩm tới nhiều đơn vị, doanh nghiệp…

Thời gian tới, để các hợp tác xã phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động cũng như vai trò của mình, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT và các địa phương tập trung tư vấn hỗ trợ các hợp tác xã phát triển theo chuỗi, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng như ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm…

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, phát triển các hợp tác xã gắn với các sản phẩm nông sản chủ lực địa phương theo Chương trình OCOP là hướng đi đúng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, phát triển nông nghiệp cần tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh, có thương hiệu... là hết sức quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả chuỗi liên kết cũng như góp phần nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu.


Nguồn: Hanoimoi.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 18592
Tổng lượng truy cập: 25453877