Nông dân cũng như các hợp tác xã sản xuất nông sản sạch mong muốn ký hợp đồng với doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng tiện ích nhằm nâng cao giá bán. Thế nhưng, một số hợp tác xã chưa đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp về mẫu mã, bao bì sản phẩm dẫn tới một lượng lớn nông sản sạch vẫn ở bên ngoài các kênh phân phối hiện đại. Vậy, làm thế nào để tìm được tiếng nói chung giữa người sản xuất và nhà phân phối?
Nhà sản xuất thiếu thông tin
Hiện nay, sản phẩm rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) đã có giấy chứng nhận VietGAP. Ở thời điểm chính vụ, sản lượng củ cải tăng gấp đôi, do vậy, hợp tác xã rất muốn liên kết với doanh nghiệp để đưa sản phẩm vào siêu thị. Thế nhưng, cũng như nhiều hợp tác xã nông nghiệp khác, hợp tác xã này vẫn loay hoay với câu hỏi: Làm thế nào để kết nối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ?
Theo ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), có thời điểm cả xã dư thừa hàng nghìn tấn củ cải vì nông dân không biết bán cho ai. Hợp tác xã đã liên kết với một số doanh nghiệp, nhưng số lượng tiêu thụ chỉ được khoảng 10-20% sản lượng. Cũng về vấn đề này, ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) cho biết: "Hợp tác xã đã xây dựng được thương hiệu gạo Bối Khê, tuy nhiên để tiêu thụ sản phẩm gạo một cách ổn định là cả vấn đề. Tìm đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã, tôi đã làm việc với một số siêu thị nhưng doanh nghiệp thu mua với giá thấp, số lượng ít, mỗi lần chỉ vài tạ gạo, không đủ kinh phí cho việc vận chuyển cũng như sản xuất của người dân…".
Trước những băn khoăn, trăn trở của các nhà sản xuất, bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc siêu thị Big C giải thích: "Đây là những khó khăn chung mà nhiều hợp tác xã đang gặp phải. Việc đưa hàng hóa vào siêu thị phải trải qua nhiều quy trình, trong đó khâu hoàn thiện hồ sơ ban đầu có vai trò quyết định. Mặc dù hợp tác xã có đầy đủ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nếu không đáp ứng được yêu cầu về thủ tục hồ sơ thì vẫn không thể đưa hàng vào siêu thị Big C. Có trường hợp, trong hồ sơ là chứng nhận VietGAP cho cam, bưởi nhưng sản phẩm mà hợp tác xã chào bán lại là chanh nên siêu thị không thể thu mua…".
Về những vướng mắc, bất cập trong việc đưa nông sản sạch vào siêu thị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết: Hiện nay tỷ lệ nông sản sạch vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7% đến 10%. Nguyên nhân là các hợp tác xã nông nghiệp thiếu thông tin về nhu cầu của các siêu thị. Thêm nữa, nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán. Do đó, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong việc phân phối nông sản sạch.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu
Để kết nối cung - cầu, giải quyết những bất cập như đã nêu trên, nhiều giải pháp được đưa ra như: Quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, liên kết chuỗi; hỗ trợ nông dân thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp; thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất kết nối, ký kết hợp đồng...
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam cho rằng, để ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm ở những cơ sở sản xuất an toàn nhằm minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc. Các hợp tác xã, người sản xuất phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của siêu thị. Mặt khác, không để tình trạng “mạnh ai nấy làm”, tự thân vận động đưa hàng vào siêu thị như hiện nay...
Theo ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì), các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ tổ chức kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là tạo cơ chế hỗ trợ người sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm để thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Từ đó có thể ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với số lượng ổn định.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các địa phương cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và phân phối sản phẩm nhằm giảm chi phí trong sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa nông sản. Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật để sản xuất theo hướng an toàn, cũng như các thủ tục cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... nhằm bảo đảm đủ các điều kiện đưa sản phẩm nông nghiệp vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối.