Nông sản Thủ đô góp sức xây dựng nông thôn mới

Nông sản Thủ đô góp sức xây dựng nông thôn mới

Đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cùng lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng các doanh nghiệp tham gia triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới

TTTĐ – Tại sự kiện triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới vừa diễn ra ở Nam Định, thành phố Hà Nội vinh dự có ba gian hàng của ba doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản, dệt may và sản phẩm thảo mộc tự nhiên. Cả ba doanh nghiệp này đều có nhiều thành tích vượt trội trong công tác phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới Thủ đô trong những năm vừa qua.

Mang thảo mộc thiên nhiên đến với mọi nhà

Nhắc đến những sản phẩm nông sản sạch tại Thủ đô, nhiều người không còn xa lạ với các sản phẩm của trang trại Tuệ Viên. Thuộc sự quản lí của Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên, các trang trại Tuệ Viên đã và đang xây dựng uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững. Tuệ Viên ngày càng khẳng định về chất lượng, được các đối tác tin tưởng qua hệ thống sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đến với triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới – sự kiện nằm trong chương trình hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, Tuệ Viên đã mang theo các sản phẩm được làm hoàn toàn từ thiên nhiên như: Trà lá ổi, nước xúc miệng, nước rửa tay, xà bông tắm... Các sản phẩm này đã thu hút rất đông các đại biểu, khách mời ghé qua tham quan và mua sắm.

Bà Trần Thị Kim Quy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên giới thiệu sản phẩm hữu cơ tại triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới
Bà Trần Thị Kim Quy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên giới thiệu sản phẩm hữu cơ tại triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới

Bà Trần Thị Kim Quy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên cho hay: “Chúng tôi rất vinh dự khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lựa chọn là một trong số những doanh nghiệp tham dự triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới. Các sản phẩm chúng tôi đem đến triển lãm đều là những sản phẩm hữu cơ, làm từ lá ổi, an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường”.

Được biết, để sản xuất ra được những sản phẩm có chất lượng như vậy, tất cả các khâu từ trồng tới sản xuất đều được Tuệ Viên thực hiện theo quy trình sản xuất hữu cơ khép kín, đảm bảo chất lượng và độ an toàn cao cho sản phẩm. Với mong muốn đem lại một cuộc sống sạch, an toàn và tự nhiên nhất cho khách hàng, Tuệ Viên luôn đặt tình cảm và tấm lòng vào mỗi sản phẩm, khi được đưa ra khỏi nông trại tới tận tay người tiêu dùng.

Người đánh thức tiềm năng của con tằm

Là một trong ba doanh nghiệp có gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại buổi triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới, Nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã đem đến triển lãm các sản phẩm dệt lụa từ tơ tằm và sợi tơ sen.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận năm nay đã 65 tuổi, quê làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Làng Phùng Xá từ ngàn năm vốn đã nổi tiếng với nghề trồng tơ, nuôi tằm, dệt lụa. Bà Thuận lại là đời thứ ba trong gia đình truyền thống theo nghề dệt. Bà đến với nghề như một cơ duyên và rồi cứ tâm huyết như thế từ lúc nào chẳng hay.

Kể về cơ duyên đến với nghề nuôi tằm dệt lụa, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết, ngay từ nhỏ tôi đã có đam mê với việc chăn tằm, ươm tơ. Lên 6 tuổi tôi đã được bố mẹ dạy nghề. Tuy nhiên, đến năm 1984, ngành dâu tằm bị “thất sủng”, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ phải bỏ nghề.

“Thương con tằm đến chết còn vương tơ, tiếc công người chăn tằm bao ngày phải ăn đứng, nên tôi kiên quyết bám trụ với nghề. Khoảng thời gian đó, tôi ròng rã đạp xe hàng chục cây số để mua lá dâu ở nông trường Thanh Hà (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Thấy tôi bươn chải khắp nơi tìm lối thoát cho dâu tằm, nhiều người nói tôi cố chấp đến gàn dở.

Thế rồi “trời cũng không phụ lòng người”, ý tưởng đã bất ngờ nảy sinh khi bà Thuận quan sát kỹ những con tằm đan kén, chúng tự dệt cho mình chiếc vỏ bền chặt mà không một kỹ thuật dệt tay nào có thể sánh bằng. Bà đã tự đặt câu hỏi cho mình, vậy tại sao không để những con tằm tự dệt thành một tấm kén phẳng mà cứ phải là kén tròn?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng của nghệ nhân Phan Thị Thuận tại triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng của nghệ nhân Phan Thị Thuận tại triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới

Nghĩ là làm, năm 2012, với lứa tằm thử nghiệm đầu tiên, bà đã không làm tổ cho tằm nên chúng không thể kéo kén tròn theo lẽ thường. Tuy nhiên, do chức năng phải nhả tơ khi đến kỳ nên chúng buộc nhả tơ vào không gian. Bà Thuận đã đem đặt chúng sát với nhau trên một mặt phẳng và kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm thảm bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp. Không những thế lại tiết kiệm được chi phí nhờ giảm bớt nhiều công đoạn phức tạp như kéo kén, ươm tơ, cào bông…

Nhờ những sáng tạo của nghệ nhân Phan Thị Thuận nên các sản phẩm tơ lụa được đem đến triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới đã được đông đảo đại biểu, khách mời và người dân trầm trồ khen ngợi.

Đánh giá về sản phẩm dệt lụa của nghệ nhân Phan Thị Thuận. ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội cho biết: Có thể nói đây là một sáng tạo đầy bất ngờ, đồng thời cũng là một kỹ thuật quan trọng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nghề dệt thủ công truyền thống. Nhờ cách làm của nghệ nhân Phan Thị Thuận, các sản phẩm dệt tơ lụa của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, đưa thương hiệu tơ lụa ra thế giới, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và giữ gìn, phát huy nghề truyền thống.

Đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới

Cũng góp mặt trong buổi triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới, Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam đã mang đến những mặt hàng nông sản đặc sản của Thủ đô và cả nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với đông đảo đại biểu khách mời trong nước và quốc tế.

Bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam cho biết: Công ty chúng tôi hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản đặc sản của Thủ đô và các tỉnh thành trên cả nước ra Thế giới. Việc làm này không chỉ góp phần tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm giúp bà con nông dân có nguồn thu ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương mà còn giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản của Việt Nam tới với bạn bè quốc tế.

Đến với triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều các sản phẩm nông sản như: bột gạo Organic, gạo, rượu, bánh trưng, bánh cuốn, bánh tẻ... Tất cả các sản phẩm này đều được sản xuất theo quy trình hữu cơ khép kín, đảm bảo chất lượng và an toàn thực.

Bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội, tham quan gian hàng của Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam
Bà Hoàng Thị Huyền, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội, tham quan gian hàng của Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam

“Chúng tôi rất may mắn khi được tham gia một sự kiện lớn như triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới. Tại đây, chúng tôi có nhiều cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình đến với đông đảo các đồng chí lãnh đạo các cấp, các đại biểu, khách mời và bà con nhân dân, lượng hàng hóa tiêu thụ trong hai ngày diễn ra triển lãm rất lớn. Chúng tôi mong muốn rằng, thông qua những buổi triển lãm như này, những sản phẩm nông sản,OCOP uy tín, có chất lượng sẽ được người dân đón nhận và phản hồi tích cực”, bà Phùng Thị Thu Hương chia sẻ.

Đánh giá vai trò của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nói: “Có thể thấy rằng, ba doanh nghiệp vinh dự được tham gia triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế Thủ đô nói chung và công tác xây dựng nông thôn mới nói riêng. Hi vọng, thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội, mở rộng được nhiều mối quan hệ giao lưu, hợp tác để thúc đẩy nông sản Thủ đô ngày càng phát triển”.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng mong muốn các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình để phát triển sản xuất, đóng góp nhiều thành tựu vào quá trình xây dựng nông thôn mới Thủ đô và cả nước.

Đăng Hải (nguồn: Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 18737
Tổng lượng truy cập: 25453877