Hiện nay, với những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp với xu hướng tiêu dùng và sản xuất nông nghiệp của xã hội, nền nông nghiệp trên thế giới bắt đầu bước vào con đường phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0 và nông nghiệp hữu cơ. Các sản phẩm sản xuất ra với chất lượng cao, các sản phẩm nông sản an toàn đang dần chiếm được lòng tin của các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, để có một môi trường – nơi mà cung và cầu về các sản phẩm an toàn sản xuất theo chuỗi gặp được nhau, vẫn là một vấn đề khó khăn.
Nhìn thấy được xu hướng phát triển đó của xã hội, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 06/12/2018 về Phát triển Chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị (gọi tắt là Chợ Nông sản điện tử) thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020. Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển Chợ Nông sản điện tử, trải qua nhiều hoạt động tích cực, đến nay Chợ Nông sản điện tử mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi vào thực tiễn cuộc sống của người dân nhưng cũng đã có được những kết quả khả quan và tạo tiền đề để có thể tin rằng sự phát triển của Chợ Nông sản điện tử sẽ ngày càng lớn mạnh trong thời gian tới.
Kế hoạch phát triển Chợ Nông sản điện tử bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực…
Nhận ra được sự cần thiết và lợi ích to lớn của mô hình Chợ Nông sản điện tử có thể mang lại cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp dưới sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tích cực tiến hành các hoạt động xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của Chợ Nông sản điện tử theo Kế hoạch 221/KH-UBND. Đến nay, tuy rằng Chợ đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị ra mắt tới người dân thủ đô nhưng đã có khá nhiều hoạt động về quảng bá, kiểm soát chất lượng, hoàn thiện hồ sơ đăng ký gian hàng… được thực hiện.
Các hoạt động lấy mẫu phân tích, kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông sản tiêu thụ trên Chợ thương mại điện tử là một trong những hoạt động quan trọng được Trung tâm tiến hành thực hiện. Đây là bước quyết định để xác nhận các cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ tiêu chuẩn để tham gia Chợ Nông sản điện tử hay không nên Trung tâm đã thực hiện một cách cẩn thận, kỹ lưỡng nhằm có độ chính xác cao nhất, đảm bảo lợi ích và quyền được tham gia Chợ của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là các hoạt động tư vấn, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện hồ sơ đăng ký khi có nhu cầu tham gia Chợ.
Song hành cùng với các hoạt động lấy mẫu kiểm nghiệm, Trung tâm cũng đã tổ chức các hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng tại tất cả 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nội dung tập huấn là những vấn đề thiết thực và gắn liền với sự phát triển sản xuất và tiêu dùng của người dân, đồng thời tạo cơ hội để họ có sự tiếp cận dễ dàng hơn tới Chợ Nông sản điện tử của thảnh phố và có được lợi ích lớn nhất khi tham gia Chợ. Đây cũng là một kênh quảng bá cho sự hoạt động của Chợ Nông sản điện tử bên cạnh các hình thức tờ rơi, đăng tin bài trên các kênh truyền thông.
Một buổi Hội nghị tập huấn về Chợ Nông sản điện tử www.chonhaminh.gov.vn tổ chức tại huyện Thanh Trì
… nhưng vẫn còn gặp phải những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai
Qua các đợt tổ chức thử nghiệm gian hàng thực tế (offline) thấy rằng đôi khi, trong một số trường hợp, hoạt động này còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố thời tiết và các điều kiện cơ sở hạ tầng tổ chức, làm ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm bày bán thực tế đồng thời ảnh hưởng đến số lượng đăng ký các gian hàng cũng như số lượng người tiêu dùng đến tham gia (VD: trời quá nắng nóng, mưa to,...).
Số lượng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường vẫn là rất lớn nhưng những điều kiện lại chưa phù hợp với phương thức kinh doanh trực tuyến (online). Vì vậy, cần có những giải pháp liên kết, kết nối những cơ sở này lại tạo thành những chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn, đáp ứng được những điều kiện phù hợp để tham gia Chợ Nông sản điện tử.
Số lượng và tần suất xuất hiện những thông tin giới thiệu, tuyên truyền, cập nhật về Chợ Nông sản điện tử trên các kênh trực tuyến, mạng xã hội như Facebook, Youtube,... còn khá hạn chế do Chợ chưa chính thức đi vào hoạt động. Điều này khiến cho hiệu quả truyền thông chưa cao và sự tiếp cận với Chợ Nông sản điện tử đến các nhóm đối tượng cộng đồng còn còn chưa thực sự rộng rãi. Do vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác truyền thông qua đa dạng các kênh thông tin.
Thông qua các sản phẩm triển khai Chợ thương mại điện tử thời gian vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp, người dân hy vọng ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục có những giải pháp và kế hoạch trọng tâm hơn để có thể mở ra những hướng phát triển mạnh mẽ hơn và bền vững hơn cho Chợ Nông sản điện tử trong tương lai.