Chu Minh là một trong những xã có truyền thống làm rau, từ cây rau giống đến rau thương phẩm của huyện Ba Vì. Nhiều năm qua, thực hiện Đề án tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, trên địa bàn huyện đã phát triển các vùng trồng rau an toàn (RAT) tập trung, gồm Chu Minh (26ha), Minh Châu (44ha), Sơn Đà (47 ha) và Thị trấn Tây Đằng (54 ha). Riêng xã Chu Minh, từ năm 2017 đến nay, trên diện tích 3,2ha đất vùng quy hoạch trồng RAT của xã, 25 hộ sản xuất đã phối hợp với Công ty Rau RaVi tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm RAT. Hình thức liên kết này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp người dân yên tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định.
Ông Trần Xuân Dự - Giám đốc Công ty rau RaVi cho biết: Liên kết sản xuất – tiêu thụ RAT tại xã Chu Minh có sự ràng buộc bằng văn bản với các nguyên tắc rõ ràng. Theo đó, trong sản xuất, các thành viên trong liên kết phải tuân thủ quy trình và kế hoạch sản xuất do Công ty rau RaVi hướng dẫn. Doanh nghiệp triển khai kế hoạch sản xuất đối với từng hộ dân theo từng thời vụ, song vẫn phải đảm bảo quyền lợi và thu nhập tương đương giữa các hộ thành viên. Sau khi thu hoạch Công ty sẽ thu mua sản phẩm cho bà con với giá đã được thỏa thuận trên nguyên tắc 2 bên cùng có lợi.
Nếu Ba Vì là vùng trồng chè lớn nhất Thủ đô thì xã Ba Trại là vựa chè lớn nhất của huyện Ba Vì. Đây cũng được coi là xã có truyền thống sản xuất chè lâu đời nhất huyện. Toàn xã có 9 thôn thì cả 9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Cây chè đang trở thành cây trồng chính và là nguồn thu lớn nhất của người dân Ba Trại.
Tận dụng khí hậu và đồng đất, từ một xã miền núi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, nhiều hộ trồng chè xã Ba Trại đã liên kết với nhau cùng xây dựng thành công mô hình sản xuất chè an toàn, chè VietGAP,…để cùng vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế địa phương. Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Ba Trại Bùi Ngọc Kiên cho biết: ở Ba Trại, 80% lao động địa phương tham gia trồng, sản xuất chè. Hiện toàn xã có 471ha chè, trong đó, có 60ha chè VietGAP, 30ha chè an toàn. Những năm qua, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ những nương chè giống cũ, nông dân Ba Trại đã thay đổi dần tập quán canh tác, tiếp nhận các giống chè mới, cho năng suất, chất lượng cao hơn vào sản xuất. Đặc biệt, nhằm nâng cao giá trị của cây chè, HTX đã kết nối các hộ để sản xuất chè theoVietGAP, đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kiên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Do đó, sau nhiều năm chuyển đổi, cùng với việc đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ trồng chè nơi đây đã đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ phun tưới, sao chè…. Cây chè đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân trong vùng và trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện Ba Vì.
Minh Châu là một trong những xã chăn nuôi bò trọng điểm của Hà Nội. Hiện tại, xã có tổng đàn bò gần 4.200 con. Ông Nguyễn Danh Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu, huyện Ba Vì cho biết: Trong những năm qua, để năng cao năng suất, chất lượng đàn bò, giúp các hộ chăn nuôi nâng cao thu nhập, xã Minh Châu đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Công ty CP giống gia súc Hà Nội triển khai các chương trình dự án đưa các nguồn tinh bò chất lượng cao như tình bò BBB(3B), Brahman (Bờ rát man), Laisind (Lai-sin)…lai tạo với đàn bò địa phương tạo đàn bò nền sinh sản có chất lượng cao. Đặc biệt, từ năm 2017, với chương trình phối hợp xây dựng chuỗi sản xuất – tiêu thụ giống bò thịt chất lượng cao Wagyu(Nhật Bản) (guây –giu) tại Minh Châu đã có trên 300 con bê lai Wagyu sinh ra và được doanh nghiệp trực tiếp thu mua theo đơn giá, cân nặng đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn 1 số giống bò khác.
Ngoài ra, phát huy lợi thế nằm trong vùng bán sơn địa, có vùng trung du đồi gò lớn, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong xây dựng nhãn hiệu, chuỗi sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm,… những năm gần đây, huyện Ba Vì đã phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi chất lượng vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Hiện nay, huyện Ba vì đang có các nhóm sản phẩm là thế mạnh như khoai lang Đồng Thái, Miến dong Minh Hồng, gà đồi Ba Vì, Bò BBB, bò Waygiu, trà Ba Trại, mật ong,… rất được người tiêu dùng yêu thích. Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì - Nguyễn Đình Dần cho biết: Để tiếp tục duy trì nhóm sản phẩm thế mạnh của huyện hiện có và phát triển mới một số sản phẩm thế mạnh dựa trên thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng đất đai, khí hậu nhiệt đới, UBND huyện Ba vì đã xây dựng Đề án “Mỗi xã, một sản phẩm” giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT thành phố để tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, địa bàn, thị trường nhằm thu hút doanh nghiệp, các nhà đầu tư,…cùng với nông dân tham gia xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.