Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ xuân và đang tập trung triển khai sản xuất vụ mùa. Đối với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ngoài bệnh Dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh khác cơ bản được kiểm soát. Đến 9-7, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 27.689 hộ chăn nuôi (chiếm 34,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi), làm mắc bệnh và tiêu hủy 481.649 con lợn (chiếm 25,7% tổng đàn). Hà Nội đã cấp bổ sung 223 tấn hóa chất và 7.507 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ bệnh; đến nay, có 68 xã, phường thuộc 17 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.
Về kết quả xây dựng nông thôn mới, toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) và 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hiện nay, thành phố đang chỉ đạo 2 huyện: Gia Lâm, Quốc Oai hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; chỉ đạo huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; chỉ đạo các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí.
Tính lũy kế từ năm 2016 đến hết quý II-2019, Hà Nội đã huy động tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 41.986,6 tỷ đồng.
Tại hội nghị, 12 ý kiến tham luận của các huyện, thị xã, sở, ngành đã chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy; đồng thời đề xuất, kiến nghị thành phố tháo gỡ khó khăn trong thực hiện. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: Việc phân cấp trong quản lý công trình thủy lợi hiện nay có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất; Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5-12-2018 của HĐND thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội (đã có hiệu lực) nhưng thành phố chưa có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện; đề nghị thành phố có cơ chế đặc thù hỗ trợ các huyện khó khăn trong xây dựng nông thôn mới...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng
phát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận xét, 6 tháng đầu năm 2019, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn. Thành phố đã phải chi hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, chưa kể thiệt hại của người chăn nuôi và công sức của lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là sự tham gia tích cực của nhân dân, Chương trình 02 đã đạt được những kết quả tích cực.
“Trong nông nghiệp, Hà Nội đã có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 134 mô hình liên kết trong sản xuất. Ví dụ, mô hình trồng rau mầm ở huyện Thường Tín rất hiệu quả, cung không đủ cầu - là hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp Thủ đô” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng dẫn chứng cụ thể.
Tương tự, theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã có cách làm hay như: Phát triển nông thôn mới gắn với tiêu chí trở thành quận ở huyện Đông Anh; đưa nước sạch về nông thôn ở các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất; đường có hoa, nhà có số, phố có tên... ở huyện Đan Phượng. Thành phố cũng đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể cho xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân...
Bên cạnh kết quả tích cực, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện Chương trình 02, đó là: Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có liên kết tăng nhưng chưa nhiều; thiếu cơ sở giết mổ tập trung; tiến độ điều chỉnh quy hoạch trong nông thôn mới còn chậm; công tác vệ sinh môi trường, nước sạch... nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Trong 6 tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương tập trung quyết liệt các nhiệm vụ: Tiếp tục chỉ đạo, làm tốt công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành; tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng nông sản; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm bảo đảm yêu cầu, hiệu quả.
Trong xây dựng nông thôn mới, tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy; tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận hai huyện: Gia Lâm, Quốc Oai đạt chuẩn nôn g thôn mới năm 2018; chỉ đạo thị xã Sơn Tây, các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Thành phố phấn đấu năm 2019 tăng thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để nâng cao đời sống nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương thực hiện tốt chương trình quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... “Mỗi địa phương đều có cách làm hay. Tôi đề nghị các huyện, thị xã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng công nhận
đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đạt chuẩn nông thôn mới cho 5 xã.
Nhân dịp này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 (đợt 3) cho 2 xã: Xuy Xá và An Mỹ (huyện Mỹ Đức); Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018 cho 3 xã: Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng).