Năm 2018, Việt Nam tiếp tục phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai. Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về PCTT&TKCN, có 9 cơn bão (trong đó có 05 cơn bão không ảnh hưởng đến đất liền, 04 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền.); 212 trận dông, lốc, sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 9 đợt gió mạnh trên biển; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng…
Thiên tai năm 2018 làm 218 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng.
Các cơn bão ảnh hưởng đến đất liền: Gồm bão số 3, 4, 8, 9.
- Bão số 3: Sáng ngày 17/7, ATNĐ mạnh lên thành bão, cơn bão số 03 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; di chuyển rất nhanh theo hướng Tây Tây Bắc (tốc độ 35km/h). Đêm ngày 18/7, bão số 3 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sau đó suy yếu và tan dần.
Tảng đá hàng chục tấn án ngữ gần hết đường nối xã Mường Ải với Mường Típ, cách vực sâu chỉ vừa 1 chiếc xe máy. Nếu tay lái không vững, người và phương tiện có nguy cơ rơi xuống vực (Ảnh: nguồn Internet)
Khu vực Hà Nội bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3, áp thấp nhiệt đới và dải hội tụ nhiệt đới. Từ ngày 18/7 đến ngày 22/7/2018 có mưa vừa, mưa to và rất to trên địa bàn Hà Nội, lượng mưa bình quân đợt đạt 243,1mm. Đặc biệt là tại các huyện phía Tây và Tây Nam Thành phố như Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, đợt mưa lớn cuối tháng 7 đã gây ngập úng nặng, làm hại nghiêm trọng về tài sản và sản xuất của nhân dân. Trong đó huyện Chương Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề (làm chết 3 người, bị thương 2 người, trên 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng; trên 5.000 ha lúa, gần 2.000 ha rau màu bị thiệt hại; trên 120.000 con gia súc, gia cầm bị chết, hoặc do lũ cuốn trôi; gần 2.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại). Tại địa bàn các quận nội thành có 33 tuyến phố xảy ra tình trạng ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của nhân dân.
- Bão số 4 - BEBINCA: Sáng ngày 13/8, ATNĐ trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) mạnh lên thành bão số 4 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; di chuyển theo hướng Đông Đông Nam, tốc độ khoảng 5km/h. Sáng sớm ngày 17/8, khi đi vào vùng biển Nam Định-Thanh Hóa, bão số 4 đã suy yếu và tan dần.
Một số hình ảnh về lũ quét, ngập úng cục bộ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (Ảnh: nguồn Internet)
- Bão số 8 – TORARI: Sáng ngày 17/11, vùng áp thấp mạnh lên thành ATNĐ, đến chiều tối ngày 17/11 thì mạnh lên thành bão, cách bờ biển các tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 240km về phía Đông; sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Sáng ngày 18/11, bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó tiếp tục suy yếu và tan dần
- Bão số 9 - USAGI: Ngày 22/11, ATNĐ đã tiến vào biển Đông. Hồi 14h00 chiều ngày 22/11, ATNĐ đã mạnh lên thành cơn bão số 9, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trưa ngày 25/11, bão đổ bộ vào khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bến Tre với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu thành ATNĐ tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.