Sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cần kiểm soát tốt từ nguồn gốc đến chất lượng

Theo Ông TẠ VĂN TƯỜNG, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đứng vào top đầu cả nước, trong đó có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng nhưng số lượng nông sản chưa được được bảo hộ nhãn hiệu còn nhiều, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và tính cạnh tranh thấp, việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân gặp khó khăn. Trong khi, xu hướng chung của thị trường đang đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước. Vì vậy, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp để kiểm soát tốt từ nguồn gốc đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

- Thưa Ông, để kiểm soát tốt từ nguồn gốc đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có những bước đi cụ thể nào ?

Ông TẠ VĂN TƯỜNG: Đến nay, thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện xây dựng và đăng ký bảo hộ cho sản phẩm, cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ nói riêng.

 
 
                                                            Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội

Cụ thể, đối với các sản phẩm trái cây, tính tới thời điểm hiện tại đã cấp mã định danh 1.595 sản phẩm cho 163 điểm kinh doanh trái cây của 50 doanh nghiệp được kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố; cấp phát 60.607 tem truy xuất dán trên các sản phẩm trái cây trong nguồn hỗ trợ của thành phố.

Đối với các sản phẩm nông sản khác, hiện đã cấp mã định danh cho 462 sản phẩm của 58 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tham gia hệ thống; Cấp phát 195.913 tem truy xuất trong nguồn hỗ trợ của Thành phố.

Đối với các sản phẩm ngoại tỉnh, tới thời điểm hiện tại đã định danh cho 593 sản phẩm của 135 doanh nghiệp, HTX của 21 tỉnh thành có sản phẩm nông lâm thủy sản trong chuỗi liên kết với Hà Nội. Trong đó có nhiều vùng sản xuất lớn như vải thiều huyện Thanh Hà - Hải Dương, rau hoa quả của tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình...

- Để có được kết quả trên, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai các biện pháp cụ thể nào thưa Ông ?

Ông TẠ VĂN TƯỜNG: Để công tác kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt kết quả tốt, Hà Nội đã thành lập Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Theo đó, Trung tâm được đầu tư hệ thống trang thiết bị phân tích hiện đại và đồng bộ, có năng lực thực hiện nhiều phép thử khác nhau phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm. Cùng với đó xây dựng, hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản lý phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn ISO17025. Chứng nhận sản phẩm ISO 17065. Chứng nhận hệ thống quản lý ISO 17021.


Cần kiểm soát tốt sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ sở hữu trí tuệ khi đến tay người tiêu dùng

Bên cạnh đó, Hà Nội xây dựng nhiều chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, qua đó đã xây dựng được 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành Hà Nội, diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt trên 5.000ha, hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.941 trại quy mô hớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với 1.690ha. Đồng thời đã xây dựng và duy trì 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện lấy mẫu, giám sát các mẫu nông lâm thủy sản, qua đó mỗi năm đã tổ chức lấy gần 2.000 mẫu các loại, đến nay đã lấy tổng số 13.053 mẫu với 620 mẫu vi phạm. Từ kết quả giám sát, các cơ sở sản xuất cũng đã rà soát, điều chỉnh quy trình sản xuất cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Thưa Ông, trong quá trình thực hiện kiểm soát từ nguồn gốc đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, đâu là khó khăn trong công tác này ?

Ông TẠ VĂN TƯỜNG: khó khăn trong công tác này đầu tiên là nhận thức của người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp về bảo hộ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, tìm vốn đầu tư, bán hàng mà quên mất vấn đề sở hữu trí tuệ, mặt khác giá trị của quyền sở hữu trí tuệ thường không được đánh giá đầy đủ và tiềm năng của quyền sở hữu trí tuệ cũng chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng mức.

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, sự liên kết giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Thiếu cơ chế về cung cấp dịch vụ công dẫn đến tình trạng các sản phẩm nông sản phát triển một cách tự phát làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm nông sản.

Thứ ba, chính quyền cơ sở và người nông dân chưa thấy hết tầm quan trọng của việc xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu nông sản. Kỹ năng kinh doanh, thương mại và tiếp thị sản phẩm của người sản xuất chưa tốt. Thiếu cơ chế để thực thi chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thu hút vốn vay hỗ trợ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng còn nhiều khó khăn.

Thứ tư là thời gian thẩm định hồ sơ xin cấp quyền quá lâu. Cụ thể ở đây là xin cấp quyền thương hiệu cộng đồng từ 9-12 tháng, nhãn hiệu thông thường 18-24 tháng.

- Vậy để tiếp tục thực hiện tốt kiểm soát từ nguồn gốc đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, đâu là giải pháp mà ngành nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh trong thời gian tới thưa Ông ?

Ông TẠ VĂN TƯỜNG: Trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi thế so sánh, giá trị của sản phẩm, củng cố và phát triển danh tiếng cho sản phẩm, tạo nên sự khác biệt trong quá trình phát triển của sản phẩm; Tăng cường nhận diện những đặc điểm và thuộc tính của sản phẩm tới khách hàng, cũng như xác định nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Cùng với đó là vận động người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm xây dựng nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao gồm các hàng hóa và dịch vụ, nhất là các sản phẩm truyền thống lâu năm của địa phương; Phối hợp với các sở, ngành chức năng của thành phố và quận, huyện, thị xã xây dựng điểm tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp hoặc phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm.


Nguồn gốc và chất lượng sản phẩm nông nghiệp được đăng ký sở hữu trí tuệ phải được kiểm soát tốt

Bên cạnh đó cần xây dựng kế hoạch cho việc phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản chiến lược của địa phương, trên cơ sở đó tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí đầu tư. Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hợp lý để tạo ra được vùng hàng hóa gắn "thương hiệu" đáp ứng được nhu cầu của thị trường, hướng tới các thị trường nước ngoài; Đẩy mạnh các hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp gắn với xây dựng quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa có hiệu quả để liên kết hộ sản xuất kinh doanh, hộ kinh tế gia đình trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp gắn với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Để đẩy mạnh, xây dựng thương hiệu cho nông sản, thành phố hiện cũng đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp theo chuỗi gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Tuy vậy, ngoài sự hỗ trợ của thành phố, các chủ cơ sở, trang trại, HTX, người dân cần tuân thủ đúng quy trình sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản.

- Xin cám ơn Ông !

Nguồn: daibieunhandan.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9252
Tổng lượng truy cập: 25479348