Huyện Hoài Đức và Quốc Oai vừa tổ chức buổi lễ khởi hành xuất khẩu hơn 19 tấn nhãn chín muộn đi châu Âu và Mỹ. Sự kiện này không chỉ khẳng định giá trị kinh tế của sản phẩm nhãn chín muộn mà còn mở ra nhiều triển vọng xuất khẩu cho các cây ăn quả đặc sản khác của Thủ đô.
Lô hàng 19 tấn nhãn chín muộn tại hai huyện Quốc Oai và Hoài Đức vừa lên đường “xuất ngoại”, trong đó vùng trồng nhãn ở Đại Thành - Quốc Oai được Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 18 tấn. Số nhãn này sẽ được đưa vào miền Nam sơ chế, chiếu xạ và chỉ ít ngày nữa, những quả nhãn đầu tiên của đất Hà Nội sẽ đến tay người tiêu dùng ở Mỹ. Khoảng 1 tấn nhãn còn lại thuộc vùng trồng nhãn xã Song Phương, huyện Hoài Đức sẽ được Công ty CP Otas Global xuất khẩu sang Ba Lan với mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bà Phùng Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam cho biết: Thành phố Hà Nội đang sở hữu trái cây mà không phải quốc gia nào cũng có, người Mỹ rất thích và chờ đợi trái cây đặc thù của miền Bắc, sản phẩm nhãn chín muộn của Hà Nội có vị rất đặc biệt khác hẳn so với nhãn của miền Nam và của một số nước trong khu vực. Công ty sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu nhãn chín muộn của Hà Nội sang thị trường Mỹ - thị trường rất nhiều tiềm năng này.
Là một trong những vùng trồng nhãn chín muộn trọng điểm của Hà Nội, cây nhãn chín muộn đã trở thành cây trồng chủ lực, làm giàu của người dân xã Đại Thành. Hiện trên địa bàn xã có hơn 1.600 hộ trồng nhãn với tổng diện tích 175ha, trong đó 155ha đã cho quả. Năm 2018, thời tiết thuận lợi nên người trồng nhãn chín muộn Đại Thành bội thu, sản lượng dự kiến đạt 2.500 – 3.000 tấn, giá trị khoảng 60 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Huy Chiến - Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai: Với lợi thế về thổ nhưỡng, là nơi lưu giữ nguồn gen giống nhãn chín muộn lâu năm nhất Hà Nội, để tạo điều kiện cho nhãn chín muộn phát triển, năm 2018, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đưa Đại Thành trở thành vùng trồng nhãn chín muộn có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội. Để hướng đến xuất khẩu rộng rãi tới nhiều thị trường trên thế giới, UBND huyện Quốc Oai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng vùng trồng nhãn Đại Thành thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 200ha; đồng thời, đầu tư hệ thống bảo quản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp… nhằm phát triển bền vững vùng nhãn chín muộn trọng điểm của Hà Nội.
Năm 2018, tổng diện tích trồng nhãn toàn thành phố Hà Nội là 1.722ha, sản lượng ước đạt 25.000 tấn, doanh thu khoảng 400 tỷ chiếm khoảng 16% so với doanh thu từ các loại cây ăn quả của Hà Nội. Trong đó có khoảng 600ha trồng nhãn chín muộn, tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức và Chương Mỹ. Theo ông Tạ Văn Tường – Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp & PTNT Hà Nội: Để duy trì xuất khẩu, thời gian tới, Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất nhãn chín muộn an toàn, bền vững, trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật đồng bộ hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Cùng với đó là nghiên cứu các biện pháp bảo quản quả nhãn chín muộn đáp ứng yêu cầu rải vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tiến tới xây dựng mạng lưới quản lý chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Về lâu dài, Hà Nội sẽ tiếp tục khai thác tốt các thị trường tiêu thụ truyền thống trong nước, chú trọng tiêu thụ nội địa và mở rộng sang thị trường có giá trị cao như Mỹ, các nước thuộc Khối liên minh Châu Âu và khu vực Trung Đông...
Việc xuất khẩu chuyến hàng nhãn chín muộn đầu tiên đi Mỹ và châu Âu sẽ mở ra nhiều triển vọng cho các cây ăn quả đặc sản của Hà Nộị. Như vậy, cùng với thanh long, vải, vú sữa, nhãn chín muộn của Hà Nội cũng dần trở thành loại quả quen thuộc với người Mỹ và các thị trường khó tính khác.