|
Sơ chế rau quả tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền |
Hiệu quả rõ nét
Đến nay, toàn thành phố có hơn 100 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội còn phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc xây dựng, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt bảo đảm an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của các tỉnh thành viên Ban Điều phối cung cấp chuỗi rau, thịt cho Hà Nội đã xây dựng là 377 chuỗi, trong đó 182 chuỗi đã được xác nhận cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường Hà Nội như: Chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Sơn La, chuỗi thịt gà Dabaco Bắc Ninh, chuỗi thịt lợn Hòa Bình, chuỗi rau Đà Lạt…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Mối quan tâm của nông dân - người sản xuất là đầu ra cho sản phẩm. Còn với người tiêu dùng, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, việc tham gia các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi sẽ giải quyết được các vấn đề: Chất lượng sản phẩm, lượng cung và cầu. Hiện, toàn thành phố phát triển được 36 chuỗi có nguồn gốc động vật, thủy sản, 44 chuỗi có nguồn gốc thực vật, trong đó sản lượng rau an toàn ước đạt 350.000 tấn/năm, chiếm 58% tổng sản lượng của thành phố.
Cũng từ phát triển các chuỗi động vật, thủy sản, thực vật, số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng từ 112 lên 208 doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết: Từ khi thực hiện mô hình kiểm tra cộng đồng, áp dụng hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS) trong sản xuất rau an toàn, chất lượng rau được bảo đảm, sản phẩm được dán nhãn truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng tin tưởng. Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 40 tấn rau các loại và đặc biệt không còn phải lo tình trạng được mùa, mất giá.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Trần Mạnh Giang: Đã có 20 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu; 9 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ, trong đó có 5 nhãn hiệu tập thể (gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, gà đồi Sóc Sơn, vịt Vân Đình, trứng vịt Liên Châu)... Hằng ngày, các chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 13 tấn thịt gia cầm, 26 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 282 nghìn quả trứng, 78 tấn sữa...
Theo ông Trần Mạnh Giang, việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn là cần thiết, phù hợp với xu hướng và bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng lợi thế sức cạnh tranh của các mặt hàng tham gia chuỗi, tạo đầu ra ổn định, bền vững. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh việc triển khai các quy hoạch trên địa bàn thành phố như: Quy hoạch chăn nuôi, thủy sản, giết mổ, sơ chế và chế biến..., từng bước hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ các chuỗi sản phẩm.
Để chuỗi thực sự liên kết
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thực tế hiện nay sản lượng tiêu thụ thông qua các chuỗi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thành phố. Phần lớn sản phẩm được tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo phương thức truyền thống, trong khi chủng loại, bao gói, nhãn mác chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, kém bền vững, sản xuất không ổn định.
Mặt khác, với tư duy hơn thiệt, có hộ nông dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng đã ký với đầu mối tiêu thụ sản phẩm để bán cho thương lái với giá cao hơn. Trưởng phòng Nông vụ Công ty cổ phần Sữa quốc tế IDP Nguyễn Thị Mai chia sẻ: Công ty triển khai xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa tại một số địa phương và ký kết hợp đồng thu mua sữa với bà con bảo đảm đúng quy trình chuỗi liên kết. Nhưng một số hộ nông dân khi thấy giá sữa ngoài thị trường tăng cao, đã bán sữa ra ngoài, khiến sản lượng sữa thu mua của công ty bị sụt giảm… Ngược lại, cũng có trường hợp doanh nghiệp thu mua ký hợp đồng bao tiêu nông sản, nhưng khi đến vụ, do giá thành hạ, lại “bỏ chạy”, khiến nông dân khổ sở, thiệt hại kinh tế vì không bán được sản phẩm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ đề xuất, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố, rất cần Bộ NN& PTNT cụ thể hóa các quy định và giải pháp khuyến khích trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản như: Quy định về sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm nông sản an toàn; yêu cầu bắt buộc giữa các tác nhân tham gia chuỗi; các quy định, thông tin bắt buộc phải cung cấp bảo đảm truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, minh bạch thông tin cho người tiêu dùng…
Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị trực thuộc và đề nghị các quận, huyện, thị xã duy trì, mở rộng các chuỗi đang có về quy mô và sản lượng, đồng thời xây dựng mới, phát triển các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn; tiếp tục xây dựng vùng sản xuất tập trung theo quy trình sản xuất VietGAP…