Việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm phải được tổ chức, triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn Thành phố phải theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiêm đúng kỹ thuật, đúng đối tượng và có hiệu quả.
Thực hiện Kế hoạch số 245/ KH-UBND ngày 19/12/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về kế hoạch Phòng, chống dịch thành phố năm 2018; Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 23/01/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018.
Chi cục Thú y Hà Nội đã tham mưu xây dựng kế hoạch số 93/KH-TY ngày 26/01/2018 về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018; Công văn số 109/TY-DT ngày 30/01/2018 về việc phân bổ vắc xin hỗ trợ, giao chỉ tiêu và kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm năm 2018.
Căn cứ vào số lượng vắc xin Thành phố hỗ trợ năm 2018. Chi cục Thú y Hà Nội phân bổ cho các huyện, thị xã theo tổng đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi trên địa bàn. Vắc xin Thành phố hỗ trợ tập trung tiêm cho đàn vật nuôi sinh sản, cụ thể:
1. Phân bổ vắc xin và giao chỉ tiêu tiêm phòng
a) Đàn trâu bò
- Vắc xin LMLM type O-A phân bổ 100% TĐ trâu bò x 2 lượt/ năm và giao 100%TĐ trâu bò x 2 lượt/năm;
- Tuyên truyền, khuyến cáo người dân tự tiêm vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò.
b) Đàn lợn
- Vắc xin LMLM type O phân bổ 100% TĐ (nái, đực giống) x 2 lượt/ năm và giao 100% TĐ (nái, đực giống) x 2 lượt/năm;
- Vắc xin Tai xanh phân bổ 92% TĐ (nái, đực giống) x 2 lượt/năm và giao 92%TĐ (lợn nái + đực giống) x 2 lượt/năm;
- Vắc xin Dịch tả Nhật phân bổ 100% TĐ (nái, đực giống) x 2 lượt/ năm và giao chỉ tiêu tiêm phòng là 80% TĐ lợn (nái, đực giống, thương phẩm) x 02 lượt/năm. Trong đó, tuyên truyền, khuyến cáo dân tự mua vắc xin tiêm phòng bệnh Dịch tả cho đàn lợn thương phẩm, Tụ huyết trùng, Đóng dấu, Phó thương hàn, Lepto, Ecoli...
c) Đàn chó mèo
Vắc xin dại phân bổ 82% TĐ chó mèo trong diện tiêm x 01 lượt/năm và giao 100%TĐ (diện tiêm) x 01 lượt/năm.
- Các quận: vắc xin dại do người chăn nuôi tự chi trả.
d) Đàn gia cầm
- Vắc xin Cúm gia cầm phân bổ 100% TĐ gia cầm sinh sản trong diện tiêm (gà sinh sản + vịt sinh sản + ngan sinh sản) x 2 lượt/năm và giao chỉ tiêu tiêm phòng là 80% TĐ (gà, vịt, ngan) x 2 lượt/năm. Trong đó, tuyên truyền khuyến cáo người dân tự mua vắc xin tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm thương phẩm và các bệnh khác như: Newcastle, Gumborro, Tụ huyết trùng, CRD…
2. Thời gian tiêm phòng
a) Đợt I/2018: từ 10/3/2018 đến 10/4/2018:
Cụ thể: Đàn gia cầm : tiêm từ 10/3 – 20/3/2018;
Đàn trâu bò : tiêm từ 21/3 – 26/3/2018;
Đàn lợn : tiêm từ 27/3 – 04/4/2018;
Đàn chó : tiêm từ 05/4 – 10/4/2018.
Cụ thể: Đàn gia cầm : tiêm từ 10/9 – 20/9/2018;
Đàn trâu bò : tiêm từ 21/9 – 30/9/2018;
Đàn lợn : tiêm từ 01/10 – 10/10/2018.
Một số huyện có nguy cơ cao như Ba Vì, Gia Lâm, Chi cục chỉ đạo Trạm Thú y tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tổ chức triển khai tiêm phòng sớm vắc xin LMLM gia súc cho đàn trâu bò và đàn lợn trong tháng 01/2018 (trước mùa mưa phùn)
Ngoài 2 đợt tiêm phòng đại trà trong năm, hàng tháng các đơn vị tổ chức tiêm bổ sung cho các đối tượng gia súc, gia cầm mới sinh, mới nhập chưa được tiêm phòng và đến thời gian tiêm nhắc lại theo quy định.
Để đảm bảo công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi trên địa bàn Thành phố có hiệu quả. Chi cục Thú y Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung các nội dung cụ thể:
1. Chủ động tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã:
- Xây dựng kế hoạch tiêm phòng, giao chỉ tiêu tiêm phòng và phân bổ vắc xin hỗ trợ năm 2018 đúng đối tượng cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
- Chỉ đạo đài truyền thanh, truyền hình tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân biết được chính sách hỗ trợ của Thành phố. Khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tự mua vắc xin tiêm phòng các bệnh theo quy định
- Hỗ trợ thêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt là vắc xin Dại để đảm bảo 100% tổng đàn chó trong diện tiêm được tiêm phòng.
- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê số liệu tổng đàn trước mỗi đợt tiêm phòng để phân bổ vắc xin và giao chỉ tiêu tiêm phòng cho các xã, phường, thị trấn sát với thực tế.
- Hỗ trợ kịp thời kinh phí tổ chức tiêm phòng và công tiêm phòng theo theo định mức và nguồn kinh phí tại Quyết định số 4380/QĐ-UBND ngày 25/8/2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc “Quy định mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội” và Quyết định số 1844/QĐ-UBND ngày 03/5/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 4380/QĐ-UBND ngày 25/8/2009.
- Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
2. Chủ động cung ứng vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm phòng của người chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng với những loại vắc xin ngân sách Thành phố không hỗ trợ.
3. Hướng dẫn Ban CNTY xã, thị trấn, nhân viên thú y phường tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn xây dựng Kế hoạch tiêm phòng, phân bổ vắc xin năm 2018 và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; Quản lý chặt chẽ việc cấp phát vắc xin, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng, thu hồi vỏ lọ, bàn giao có sổ sách biên bản đảm bảo đúng theo quy định.
4. Chỉ đạo Thú y cơ sở ngoài việc thực hiện, giám sát và tổng hợp chính xác về công tác tiêm phòng các loại vắc xin Thành phố hỗ trợ, Thú y cơ sở phải giám sát được các loại vắc xin dân tự tiêm, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng và cập nhật vào sổ theo dõi để có cơ sở xác nhận việc tiêm phòng.
5. Thực hiện báo cáo số liệu tiêm phòng, tiến độ tiêm phòng kịp thời, chính xác hàng tuần, hàng tháng theo quy định về Chi cục để tổng hợp báo cáo.
Trong những năm qua, việc chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi luôn được các cấp, các ngành quan tâm trú trọng, đầu tư có hiệu quả đã góp phần cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn Thành phố, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho cộng đồng./.