Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản: Hiệu quả từ thực tiễn
Thực hiện chương trình khuyến nông năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản” tại 4 huyện là Quốc Oai, Ứng Hòa, Thanh Trì và Sóc Sơn. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học chứa chủng vi khuẩn có thành phần Bacillus subtilis vừa giúp cải thiện môi trường ao nuôi vừa tạo nguồn thức ăn tự nhiên nhờ đó giảm lượng thức ăn cho cá và hạn chế cá mắc bệnh. Mô hình bắt đầu triển khai từ tháng 4 năm 2017 đến nay đã cho kết quả tốt, đảm bảo đúng yêu cầu và chỉ tiêu đề ra.

 Hà Nội là địa phương có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản lớn với tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản là trên 30.800ha. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản tại một số huyện chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế, cũng như chưa cho hiệu quả kinh tế cao bởi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư nhiều về trang thiết bị và cơ sở hạ tầng. Bà con nông dân vẫn sản xuất chủ yếu theo phương thức nuôi truyền thống theo kiểu tận dụng nguồn thức ăn có sẵn, chưa chú trọng đến vệ sinh môi trường ao nuôi và phòng bệnh cho cá. Từ những hạn chế trong việc đầu tư, chăm sóc và quản lý đàn cá, dẫn đến năng suất và giá trị sản phẩm vì thế chưa cao. Mô hình “ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thực hiện với mục đích giải quyết được các hạn chế nêu trên. Ưu điểm của việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong quá trình xử lý môi trường nước trong ao nuôi sẽ hạn chế thay nước trong quá trình nuôi, tránh được nguy cơ tiềm ẩn về lây lan phát tán dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời, giảm chi phí cho vụ nuôi, giảm và dẫn tới hạn chế tối đa sử dụng thuốc, hóa chất xử lý môi trường, ngăn ngừa triệt để việc lưu lại các dư lượng kháng sinh trên sản phẩm động vật thủy sản. Ông Nguyễn Hồng Sơn – TP Chăn nuôi, thủy sản – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học chứa chủng vi khuẩn có thành phần Bacillus subtilis vừa giúp cải thiện môi trường ao nuôi vừa tạo nguồn thức ăn tự nhiên, góp phần tái sử dụng dinh dưỡng từ chất thải của động vật thủy sản, nhờ đó giảm lượng thức ăn cho cá. Phương pháp nuôi này không những hiệu quả kinh tế cao mà còn thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, mô hình yêu cầu phải sử dụng công nghệ máy quạt nước trong các ao nuôi nhằm làm tăng hàm lượng ôxy trong ao, công nghệ này giúp cho cá nuôi ổn định về sức khỏe, giảm thiệt hại do việc thiếu ôxy hòa tan trong ao nuôi.

Mô hình “ Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản” được triển khai với mục đích giảm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế việc thay nước trong quá trình nuôi, giảm nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài, đồng thời nâng cao ý thức quản lý môi trường nước trong nuôi trồng thuỷ sản. Mô hình được thực hiện tại 4 huyện là Ứng Hòa, Thanh Trì, Sóc Sơn và Quốc Oai với quy mô 10ha và 24 hộ tham gia. Mô hình hỗ trợ 100% cá giống rô phi đơn tính, 30% thức ăn, 60kg chế phẩm sinh học và tập huấn kỹ thuật.

Mô hình triển khai tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai có quy mô 3 ha với 8 hộ tham gia. Huyện Quốc Oai có diện tích hơn 300ha nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên việc nuôi thả cá nói riêng và nghề nuôi trồng thủy sản ở huyện Quốc Oai trong những năm qua chỉ mang tính chất nuôi thả theo phương thức nuôi truyền thống, đặc biệt việc áp dụng công nghệ vi sinh trong quá trình nuôi còn rất mới. Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông Quốc Oai đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát và lựa chọn các hộ trong vùng chăn nuôi thủy sản đã được quy hoạch tại xã Sài Sơn để triển khai mô hình. Ông Kiều Minh Khuê – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai cho biết: Cá giống bàn giao cho các hộ là cá rô phi Novit có kích cỡ trung bình từ 6 -8cm/con. Công tác bàn giao cá giống đảm bảo đủ về số lượng, có chất lượng tốt, màu sắc tươi sáng và không có dấu hiệu bệnh lý. Trước khi bàn giao cá giống Trạm khuyến nông huyện đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn để các hộ nắm được kiến thức cơ bản về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của việc dùng các chủng vi sinh trong nuôi trồng thủy sản để tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ công tác chọn điểm, chọn hộ, tập huấn, chuyển giao TBKT đến công tác giao con giống đúng tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật đều được Trạm Khuyến nông nghiêm túc thực hiện. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông Quốc Oai sẽ liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ các hộ tham gia mô hình trong khâu tiêu thụ.

Là trưởng nhóm hộ tham gia mô hình anh Nguyễn Tuấn Văn– Xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình, Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai đã cử cán bộ kỹ thuật theo dõi và giám sát chặt chẽ mô hình, các hộ tham gia mô hình phải thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt các yêu cầu của mô hình đề ra. Trong đó, khâu chăm sóc và quản lý ao nuôi được tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, anh Văn và các hộ được hướng dẫn kỹ thuật nhân chế phẩm sinh học EM thứ cấp để xử lý môi trường ao nuôi định kỳ và EM tỏi để phòng bệnh cho cá nuôi. Nếu như trước đây hộ gia đình anh nuôi cá thường hay mắc bệnh phình duột thì với mô hình này cá hoàn toàn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện tại, mô hình nhà anh Văn cá có trọng lượng khoảng 800gam/con. 

Kết quả nghiệm thu mô hình tại 4 huyện cho thấy, mô hình được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, đạt yêu cầu kỹ thuật. Sau chu kỳ nuôi 6 tháng, tỷ lệ sống của cá đạt trên 85%, trọng lượng bình quân 800 – 850gam/con. Mô hình đã giúp thay đổi nhận thức về tập quán nuôi cá, tạo nguồn thực phẩm sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước do thói quen nuôi cá truyền thống, đồng thời giúp các hộ dân tham gia mô hình hiểu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản. Mô hình được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Thành công của mô hình Khuyến nông “ Ứng dụng công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản” góp phần không nhỏ vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên 1 hecta canh tác, thúc đẩy kinh tế tại địa phương. Từ kết quả cuả mô hình, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con trên địa bàn Thành phố trong những năm tiếp theo.

Việc triển khai thành công các mô hình thủy sản ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn liền với chủ trương, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại từng địa phương, không những cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm thịt chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mà còn làm thay đổi tư duy về phương thức chăn nuôi theo hướng tích cực và bền vững. Đồng thời, sẽ góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản của Hà Nội phát triển theo hướng bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm./.

Lưu Phượng - Phòng Thông tin tuyên truyền & XTTM - TTKN Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 16248
Tổng lượng truy cập: 25479348