Mặc dù nhu cầu tiêu thụ và có nguồn thực phẩm sạch của cả nước luôn tăng và rất lớn, nhưng nguồn cung dường như vẫn khiêm tốn so với thực tế. Điển hình như tại Hà Nội, theo Sở Công thương Hà Nội, trung bình mỗi năm, thành phố cần tiêu thụ khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt heo, 42.000 tấn thịt gà, 900.000 tấn rau… Trong đó, sản xuất tại chỗ mới chỉ tự cung cấp được 69% thịt gia súc, 60% rau củ tươi và 28% hoa quả tươi, còn lại phải nhập từ các tỉnh hay nhập khẩu từ nước ngoài.
Sản phẩm thịt heo an toàn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn
Khi nhập khẩu sản phẩm từ các tỉnh thành khác, sẽ phát sinh nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Cụ thể, việc không kiểm soát được đầu vào và hạn chế trong khâu kinh doanh, vận chuyển, sẽ gây ra tình trạng một số sản phẩm lưu thông trên thị trường đến các bếp ăn tập thể và gia đình vẫn chưa đảm bảo ATTP.
Điều đáng lo ngại là tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo ATTP vẫn diễn biến phức tạp, từ nguồn cung ứng đến khâu lưu thông. Hơn nữa, do tập quán sản xuất và vì lợi nhuận, nên việc quản lý, hướng dẫn sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, tình trạng chất lượng thực phẩm tươi sống vẫn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Việc kiểm soát tình trạng sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm còn khó khăn, bởi đa số cơ sở chế biến là thủ công, hộ gia đình, cá thể. Thống kê của Sở Y tế cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố có 33 ca ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó có 7 ca tử vong. Kiểm tra ATTP của Sở NN&PTNT tại 1.921 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay cũng đã phát hiện 246 cơ sở vi phạm, chiếm 12,8%.
Trước nhu cầu về thực phẩm sạch, mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã khởi động chương trình “Bữa ăn an toàn” và ra mắt trang thông tin điện tử “buaanantoan.vn”. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa nhằm kết nối chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ trang trại tới bàn ăn của mỗi gia đình người dân Thủ đô. Chương trình “Bữa ăn an toàn” được triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020 với mục đích đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô.
Việc minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn được xem là giải pháp quan trọng để có được các bữa ăn an toàn. Hiện, thành phố đã xây dựng được 47 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn cả trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã và đang hỗ trợ 1.000 mã sản phẩm nông, lâm, thủy sản để truy xuất nguồn gốc qua tem nhận diện thông minh QR code. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để kết nối chương trình “Bữa ăn an toàn” được thành công.
Để chuỗi cung ứng sản phẩm đến được bếp ăn, bàn ăn của từng gia đình, theo một số ý kiến, cần phải có sự kết nối rộng hơn với nội dung sát thực hơn của 5 “nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà báo và người tiêu dùng. Sự liên kết này còn nhằm xây dựng cơ chế đầu tư hỗ trợ, thanh kiểm tra ở tất cả các khâu từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng với thực phẩm sạch.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng tăng, nhưng vì sao người dân lại khó tiếp cận với các điểm bán hàng có nguồn gốc xuất xứ minh bạch? Trong khi người tiêu dùng có nhu cầu cao về sản phẩm phẩm sạch nhưng không biết mua ở đâu, thì nông dân làm ra thực phẩm sạch lại không biết bán ở chỗ nào, việc làm sao chứng minh cho ngườu tiêu dùng tin, hiểu và chấp nhận mua sản phẩm với giá cao. Tất cả vẫn đang là bài toán đặt ra đối với cơ quan chức năng, làm thế nào phát triển các kênh phân phối thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, đi liền với đó là vấn đề kiểm tra giám sát độ tin cậy của các cơ sở kinh doanh.
Và cùng đó, bên cạnh việc kiểm soát từ gốc bằng cách khuyến khích nông dân sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, cũng nên khuyến khích người tiêu dùng dần có thói quen sử dụng sản phẩm sạch, đóng gói, có nguồn gốc; để thực phẩm không có nguồn gốc không còn “đất dụng võ”.
Hiện tổng sản lượng nông sản thực phẩm được tiêu thụ chỉ có 20% có chứng nhận và nguồn gốc mới, 80% lượng nông sản còn lại mà người dân hàng ngày đang sử dụng không có chứng nhận nguồn gốc an toàn. Trên 50% người dân được hỏi không tin tưởng vào các mặt hàng thực phẩm hiện có trên thị trường, nhưng vẫn phải dùng hàng ngày bởi không có sự lựa chọn nào khác. |