Hà Nội dẫn đầu cả nước về công tác thi đua, khen thưởng
Sau 13 năm thực hiện Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, thông qua việc vận dụng sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới, công tác thi đua, khen thưởng của Thành phố đã đạt được nhiều kết quả. Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả. Công tác thi đua khen thưởng đảm bảo chất lượng, tỷ lệ khen thưởng cá nhân là người lao động trực tiếp trên địa bàn ngày càng tăng. Trong nhiều năm liền, Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác này.

Nhiều năm qua, Thành phố đã tập trung nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và chất lượng công tác thi đua, khen thưởng thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản chỉ đạo về thi đua, khen thưởng. Trong đó, nổi bật là việc ban hành, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời quy định các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo đặc thù của Thành phố phù hợp với điều kiện thực tiễn như danh hiệu “Người tốt, việc tốt” và danh hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”, danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú", khen thưởng thành tích đột xuất…

 

Có thể thấy, thực hiện Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thành phố và các cấp, các ngành đã phát động các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị, xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua, trên cơ sở đó đề ra các chỉ tiêu và nội dung thi đua cụ thể, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương. Hình thức tổ chức thi đua đa dạng như thi đua theo cụm, theo chuyên đề, theo đợt. Lấy thi đua theo chuyên đề, thi đua theo đợt làm đột phá, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, làm mục tiêu thi đua. Các phong trào thi đua có sự gắn kết trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự phối hợp của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể.

 

Nét mới trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua của thành phố trong những năm qua là tổ chức các phong trào thi đua đặc thù theo ngành, lĩnh vực như phong trào: “Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Thi đua thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; Thi đua “Năm trật tự văn minh đô thị”; Thi đua "An toàn thực phẩm"; Thi đua thực hiện “Kỷ cương hành chính”; Phong trào "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô"...

 

Từ năm 2004 đến nay, có gần 5.000 mô hình thi đua do các đơn vị thực hiện, tiêu biểu như giải pháp hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và xây dựng các hệ thống thông tin trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, đất đai, tư pháp của Sở Thông tin và Truyền thông; mô hình quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử tất cả các trường thuộc cấp học THCS, THPT và ngành học giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố của Sở giáo dục và Đào tạo; mô hình Trường học điện tử của quận Long Biên; mô hình an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn;… mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm, những khâu yếu, việc khó của các cấp, các ngành và của Thành phố.

 

Như vậy, công tác khen thưởng của Thành phố ngày càng đảm bảo chất lượng, đã chú trọng việc cụ thể hóa chính sách khen thưởng được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng để hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện, qua đó công tác khen thưởng có nhiều đổi mới và dần dần đi vào nề nếp, chất lượng khen thưởng từ thành phố đến cơ sở được nâng lên rõ rệt. Trong những năm qua, tỷ lệ khen thưởng cá nhân là người lao động trực tiếp (từ cấp trưởng phòng thuộc các sở, ban, ngành và tương đương trở xuống) trên địa bàn thành phố ngày càng tăng, đến năm 2016, tỷ lệ người lao động trực tiếp chiếm 90% số lượng cá nhân được khen thưởng). Đã có cá nhân là nông dân, người dân lao động trực tiếp (không làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp) trên địa bàn được đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước (7 năm qua có 25 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,6% trong tổng số trường hợp được khen thưởng cấp Nhà nước toàn Thành phố).

 

Bộ máy những người làm công tác thi đua, khen thưởng từ Thành phố đến các cấp, các ngành được quan tâm, kiện toàn theo các quy định. Hiện nay, Ban Thi đua, khen thưởng có 3 phòng thuộc Ban với chỉ tiêu biên chế được giao là 27 cán bộ. Hội đồng Thi đua, khen thưởng các cấp thành lập và có quy chế hoạt động. Đến nay, 100% các đơn vị trong Thành phố đã thành lập Hội đồng Thi đua, khen thưởng. 100% quận, huyện, thị xã đã bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng, 584 xã, phường, thị trấn bố trí cán bộ văn phòng thống kê kiêm nhiệm công tác thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, Hà Nội còn cho phép 7 sở có quy mô lớn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhiều được 01 biên chế chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng. Đây là điều kiện thuận lợi để công tác thi đua, khen thưởng của TP có nhiều thành tựu và đổi mới mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô và đất nước.

 

Để phong trào thi đua, công tác khen thưởng của Thành phố trong thời gian tới tiếp tục thu được nhiều thành quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc thành phố bám sát chỉ đạo của trung ương và thành phố. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các quận, huyện, thị xã; các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể, các đơn vị phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trưởng các phòng, ban, ngành phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo 5 nội dung: Đổi mới hoạt động cụm thi đua; đổi mới nội dung, hình thức phát động các phong trào thi đua; đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và việc thực hiện cải cách TTHC có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng mức độ 3; kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp gắn với hoạt động thực tiễn của đơn vị, đảm bảo số lượng, tính kế thừa và ổn định.

 

Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 16579
Tổng lượng truy cập: 25479348