Hà Nội tăng cường hợp tác phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản với các tỉnh vùng Tây Bắc
Thực hiện Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh thành phố phía Bắc. Qua đó tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền của các tỉnh tiêu thụ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng thủ đô.

Từ ngày 26-29/7/2016, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã thành lập đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội làm trưởng đoàn đi làm việc với các tỉnh Điện Biên, Sơn La, và Hòa Bình. Tham dự đoàn đi còn có 08 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản của Hà Nội gồm: Công ty cổ phần Nhất Nam, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại, Công ty thực phẩm sạch Biggreen, Siêu Thị Ngôi Sao, Công ty TNHH thương mại và phát triển dịch vụ Khoa Nguyễn… và Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, Báo kinh tế đô thị.

Tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên, Ông Bùi Minh Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Hiện cây lúa là cây lương thực chủ lực của tỉnh với vùng sản xuất lúa tập trung tại lòng chảo Điện Biên với diện tích khoảng 4.000ha; Cây Ngô có diện tích là 29.7399 ha, Rau mầu các loại có diện tích 3.952 ha. Cây chè diện tích toàn tỉnh gần 600ha; Cây cà phê có tổng diện tích trồng toàn tỉnh là hơn 4.100ha, trong đó khoảng hơn 3.400ha trong thời kỳ thu hoạch. Điện Biên có điều kiện đất đai rộng lớn, phù hợp với phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc và gia cầm. Tổng đàn gia súc toàn tỉnh khoảng hơn 600.000 con; gia cầm 3,3 triệu con.

Hiện nay, các sản phẩm của tỉnh Điện Biên hoặc đang được tiêu thụ chủ yếu thông qua đường thương lái hoặc thông qua doanh nghiệp thu mua, bao tiêu. Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp bước đầu hình thành và được nhân rộng trên các lĩnh vực như sản xuất lúa chất lượng cao, chè Shan Tuyết; Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm… Tuy nhiên, thị trường chưa ổn định cho việc tiêu thụ các sản phẩm như: lúa thường, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng,… Thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm xây dựng, quảng bá, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và sản xuất, bảo quản, chế biến còn gặp nhiều khó khăn; việc thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với yêu cầu, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm đã được triển khai để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tại Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước nhưng kết quả còn rất khiêm tốn.

Ông Bùi Minh Hải đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội cần tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Điện Biên được tiếp cận thị trường Hà Nội. Đồng thời thông tin kịp thời về các sản phẩm đặc trưng, đơn vị sản xuất tiêu biểu, kết nối chuỗi liên kết sản xuất, doanh nghiệp phân phối sản phẩm có uy tín của doanh nghiệp Điện Biên với Hà Nội và ngược lại. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn Hà Nội có sự tham gia của các doanh nghiệp Điện Biên để tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm”, ông Hải cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội cho biết, với dân số khoảng 10 triệu người và đón  khoảng 20 triệu khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm, Hà Nội thực sự là thị trường lớn đầy tiềm năng và lợi thế trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, đặc sản của các tỉnh, đặc biệt là tỉnh Điện Biên. Trên cơ sở những kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đạt được và kinh nghiệm triển khai các hoạt động Xúc tiến thương mại trong nông nghiệp của Trung tâm, Trung tâm sẽ là đầu mối để khớp nối giữa doanh nghiệp hai tỉnh, thành phố cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo dòng chảy thuận lợi cho sản phẩm nông sản an toàn của Điện Biên về tiêu thụ tại Hà Nội và ngược lại. Cũng tại Hội nghị, các doanh nghiệp của hai tỉnh đã trực tiếp trao đổi, thảo luận, giới thiệu nhu cầu hợp tác, tiềm lực và thế mạnh kinh doanh của mỗi bên để hai bên cùng chia sẻ liên kết, thỏa thuận hợp tác cùng phát triển.

Trong chương trình làm việc đoàn đã đi thăm một số doanh nghiệp chế biến như: Công ty TNHH Lan Anh, Công ty TNHH cà phê Đại Bách, huyện Mường Ảng; UBND huyện Mường Ảng… và đã được nghe những chia sẻ về khó khăn mà chính quyền địa phương, doanh nghiệp đang gặp phải và mong muốn Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, các doanh nghiệp Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp được gặp gỡ, chia sẻ và hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Sơn La là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế thuận lợi hơn so với các tỉnh Tây Bắc về phát triển sản xuất nông nghiệp với đất đai rộng lớn, tầng canh tác dày, thổ nhưỡng tốt, khí hậu đa dạng với nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau. Đất đai phì nhiêu thuận lợi cho việc phát triển các cây công nghiệp như mía, cà phê, cây ăn quả (xoài, nhãn, na, dứa, chuối)... Cao nguyên Mộc Châu với nhiệt độ trung bình 18 độ C, thuận lợi phát triển cây chè, rau, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu, chăn nuôi bò sữa và các loại gia súc ăn cỏ… Tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi với nhiều đồng bãi chăn thả rộng, diện tích trồng cỏ lớn với 2.766ha phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê… Có diện tích mặt nước lớn đạt trên 2.500ha, trên 500 hồ đập, công trình thủy lợi lớn nhỏ, gần 5.000ha ruộng lúa có thể kết hợp nuôi cá. Ngoài ra, một số vùng núi cao có thể phát triển các loại thủy sản đặc sản như ba ba, cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm…

Trong 07 tháng đầu năm 2016, sản lượng thực phẩm an toàn từ Sơn La đưa về tiêu thụ tại Hà Nội đạt khá lớn, cụ thể: rau an toàn Mộc Châu đạt 437,5 tấn, mận hậu Mộc Châu 110 tấn, mật ong 270 tấn, chủ yếu tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, đại lý bán lẻ như: AEON Fivimart, Bác Tôm, Metro, Biggreen,… Theo số liệu báo cáo tổng hợp của các doanh nghiệp, đến hết năm 2015, Công ty Cổ phần Nhất Nam đã xúc tiến, thỏa thuận để đưa sản phẩm rau, củ, quả an toàn của Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) về tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Fivimart trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam đã làm việc và thỏa thuận hợp đồng đưa các sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Ta Niết (Mộc Châu, Sơn La) và và đặc sản như mận, đào của tỉnh về tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Biggreen với số lượng khoảng 70 tấn/năm; Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại An Việt cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ rau các loại của Mộc Châu về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô với số lượng đạt khoảng 25 tấn/tháng...

Tuy nhiên, kết quả liên kết, hợp tác về xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản giữa hai tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu và lợi thế của hai bên. Cũng tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX của tỉnh Sơn La đều chia sẻ, mặc dù sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn có chất lượng tốt nhưng đều gặp khó khăn về đầu ra và giá bán sản phẩm không ổn định. Do đó, các doanh nghiệp, HTX mong muốn được kết nối, đưa nông sản thực phẩm Sơn La về tiêu thụ tại Hà Nội, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất… Chia sẻ trước những khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp, HTX sản xuất của Sơn La, ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội đã chia sẻ kết quả phát triển nông nghiệp, nhu cầu về lương thực, thực phẩm an toàn của người dân thủ đô; những kết quả hoạt động Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã và đang làm trong thời gian qua và đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Sơn La phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội trong công tác Xúc tiến thương mại, làm cầu nối gắn kết các doanh nghiệp của Hà Nội với Sơn La và ngược lại.

Qua chương trình hợp tác, kết nối xúc tiến thương mại giữa hai tỉnh, các cơ sở sản xuất của tỉnh Sơn La đã nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm của thị trường Hà Nội; Những yêu cầu tiêu chí về chất lượng cho từng loại sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đặc trưng của Sơn La (rau, củ, quả các loại) để có thể đưa vào phân phối tại các siêu thị và cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội, từ đó có chiến lược sản xuất sản phẩm được tốt hơn. Doanh nghiệp phân phối của Hà Nội đã nắm bắt được thông tin về sản phẩm đặc sản, cơ sở sản xuất tiêu biểu của tỉnh Sơn La và chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến quy trình sản xuất, chứng nhận sản phẩm, bảo quản, chế biến… nhằm hợp tác, kết nối đưa sản phẩm về tiêu thụ tại Hà Nội.

Trong chương trình, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và các doanh nghiệp đã tới thăm vùng sản xuất nhãn chín muộn, na tại HTX Dịch vụ và nông nghiệp nhãn chín muộn, xã Chiềng mung, huyện Mai Sơn và quy trình chế biến cà phê tại Công ty TNHH Cà phê Sơn La, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Qua trao đổi về tình hình phát triển sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, những khó khăn mà doanh nghiệp còn phải đối mặt, ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, việc khớp nối giữa doanh nghiệp giữa hai tỉnh, Thành phố nhằm mục đích cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo dòng chảy thuận lợi cho sản phẩm nông sản an toàn về Thủ đô. Dự kiến trong tháng 9 tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội sẽ tổ chức tuần lễ nhận diện sản phẩm nông sản an toàn của các tỉnh miền núi phía Bắc tại Hà Nội. Đây là cơ hội tốt để giới thiệu các sản phẩm nông sản tiêu biểu, đặc trưng của Sơn La tại Hà Nội và cũng là dịp để các tổ chức doanh nghiệp, HTX của Sơn La được gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp của Hà Nội, tìm kiếm đối tác liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản của Sơn La tại thị trường đầy tiềm năng này và đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân của tỉnh Sơn La tham dự.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La luôn ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, tạo điều kiện của Hà Nội cho các doanh nghiệp của tỉnh nhà tiếp cận thị trường Hà Nội và khẳng định Sơn La sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, giám sát chặt chẽ trong quá trình sản xuất để các sản phẩm đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời mong muốn Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để giúp doanh nghiệp Sơn La liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp Hà Nội ngày càng bền vững, thúc đẩy nông nghiệp hai địa phương phát triển.  

Báo cáo kết quả Chương trình phối hợp Xúc tiến thương mại và liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn giữa Hòa Bình và Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tài – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hòa Bình cho biết: Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ của vùng Tây Bắc trù phú và cũng là cửa ngõ của Thủ đô. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đất đai mầu mỡ, có tỷ lệ độ che phủ rừng đứng vào tốp đầu cả nước, khí hậu trong lành, sạch sẽ, có lợi thế và tiềm năng lớn để phát triển trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm và đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận 8 sản phẩm hàng hóa có chứng nhận tập thể gồm: rau hữu cơ Lương Sơn, quả lạc lày, hạt rổi Lạc Sơn, mía tím Hòa Bình, nhãn muộn Sơn Thủy – Kim Bôi… và 1 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý là cam Cao Phong. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 cơ sở sản xuất nông sản và thủy sản được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng mới có 7 cơ sở đang cung cấp cho Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Tài chia sẻ, mặc dù là tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp rất lớn, nhưng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh còn chưa đa dạng, sản lượng nông sản sản xuất ra hàng vụ, hàng năm còn chưa cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Đặc biệt, chưa có doanh nghiệp đầu mối đủ tầm trong việc bao tiêu, phân phối hàng hóa nông sản an toàn của tỉnh cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Tại buổi làm việc các doanh nghiệp của Hòa Bình và các doanh nghiệp phân phối thực phẩm sạch của Hà Nội đã cùng trao đổi và tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa hai bên. Theo các doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là thủ tục, hồ sơ để đưa nông sản thực phẩm vào các hệ thống phân phối chính thống tại Hà Nội còn nhiều vướng mắc, trong khi sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, cơ chế thanh toán chưa thống nhất... “Đây là lần thứ hai đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cùng các doanh nghiệp lên làm việc trực tiếp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình. Do đó việc trao đổi, hợp tác đã đi vào chiều sâu với nhiều vấn đề, giải pháp thiết thực được nêu ra nhằm kết nối, tạo thuận lợi nhất cho nông sản thực phẩm an toàn của Hòa Bình về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô”, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc Ông Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hòa Bình cho biết Hòa Bình luôn đánh giá cao sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông Nghiệp Hà Nội tạo điều kiện giúp đỡ cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của Hòa Bình tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội và đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông sản, chủ lực của Hòa Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng của Sở; Giới thiệu các doanh nghiệp của Hà Nội có đủ tiềm lực liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp của Hòa Bình để tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư phát triển sản xuất; Hỗ trợ các doanh nghiệp của Hòa Bình được tham gia các Hội chợ triển lãm, giới thiệu các sản phẩm nông sản của Hòa Bình tại Hà Nội. Đồng thời Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội để cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa hai tỉnh; tăng cường kiểm soát, lấy mẫu kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường đảm bảo sản phẩm tới tay người tiêu dùng thủ đô luôn được đảm bảo an toàn thực phẩm, truy suất được nguồn gốc xuất xứ theo qui định.

Điểm nhấn đáng chú ý trong chương trình làm việc tại ba tỉnh là lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh Điện Biên; Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội và Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Sơn La; Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội và Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hòa Bình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Hà Nội cũng đã tìm được đối tác tại ba tỉnh thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ liên kết hợp tác, tiêu thụ sản phẩm nông sản đăc sản vùng miền gồm: Công ty TNHH thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam ký kết với Công ty TNHH Lan Anh và Công ty TNHH nông sản thực phẩm sinh thái (tỉnh Điện Biên); Công ty TNHH thương mại và Phát triển dịch vụ Khoa Nguyễn ký kết với Công ty TNHH Lan Anh và Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hưng (tỉnh Điện Biên), Hợp tác xã Ngọc Lan và HTX thành công Ngọc Chiến (tỉnh Sơn La) trong việc tiêu thụ nông sản rau, quả, HTX nông nghiệp & dịch vụ Phúc Linh (tỉnh Hòa Bình) trong việc tiêu thụ cam Cao Phong; Siêu thị Ngôi Sao ký kết với Công ty TNHH Hải An (tỉnh Điện Biên); Công ty cổ phần Nhất Nam ký kết với Công ty TNHH Lan Anh và Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hưng (tỉnh Điện Biên), HTX nông nghiệp & dịch vụ Phúc Linh (tỉnh Hòa Bình). Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại ký kết với HTX Ngọc Lan (tỉnh Hòa Bình )về lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm nông sản chế biến, rau, quả và đặc sản vùng miền của các tỉnh Tây Bắc...

Hy vọng trong thời gian tới, người dân Thủ đô sẽ được thưởng thức nhiều sản phẩm tiêu biểu, đặc sản vùng miền chất lượng cao của ba tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình ngay tại Hà Nội./.

Nguyễn Bá Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm XTTM Nông nghiệp Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 18503
Tổng lượng truy cập: 25453877