Theo ông Đỗ Hoàng Thạch, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp Hà Nội: Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã có sự phối hợp trong cung cấp và thu thập thông tin về sản phẩm vùng miền, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiềm năng của Hà Nội và 62 tỉnh, thành phố, từ đó phục vụ tốt cho công tác tư vấn hỗ trợ cơ sở sản xuất và doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố kết nối giao thương.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm đã đưa 100 lượt doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất tiêu biểu của các tỉnh, thành phố. Hiện các doanh nghiệp tham gia chương trình hợp tác đã kết nối được với trên 50 cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu biểu tại các tỉnh, thành phố, trong đó, có trên 40 hợp đồng được ký kết với gần 100 chủng loại sản phẩm đang dần đưa về tiêu thụ trên các kênh phân phối của Hà Nội. Có thể kể đến: sản phẩm mật ong Phong Thổ, Chè Vĩnh Tân, Miến dong ở Tuyên Quang; Vú sữa Lò Rèn, Bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, nước mắm Cát Hải, Chả mực Hạ Long, Xoài Cát Hòa Lộc, chuối Sáp Vĩnh Long, Khoai lang tím Vĩnh Long, Mít Nghệ Vĩnh Long...được giới thiệu và tiêu thụ trong các cửa hàng an toàn thực phẩm, siêu thị. Đặc biệt, riêng Công ty cổ phần Nhất Nam đã chuyển được trên 40 loại sản phẩm tiêu thụ tại 24 siêu thị Fivimart trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết trong thời gian tới, trong đó, đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, thành đã giới thiệu về các sản phẩm đặc sản của địa phương, nêu các tiềm năng lớn về phát triển nông sản sạch như: chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, cá lồng, tình hình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm của từng cơ sở; Các doanh nghiệp thu mua, giết mổ, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn trao đổi các điều kiện về chất lượng sản phẩm khi đưa nông sản về Hà Nội, khả năng đầu tư hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp và cơ chế thu mua, vận chuyển…
Các đại biểu cũng thảo luận tháo gỡ những vướng mắc còn gặp phải trong tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, rau củ từ các tỉnh ở Hà Nội đặc biệt tại các hệ thống siêu thị. Nhiều đại biểu ở các tỉnh thành cũng cho rằng: nông sản ở các địa phương chưa có thị trường ổn định. Đa số nông sản vẫn được tiêu thụ thông qua thương lái. Bên cạnh đó, còn thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả sản xuất chưa cao, phần lớn nông lâm thủy sản của tỉnh được tiêu thụ và xuất bán ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp, thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm xây dựng, quảng bá.
Theo đại diện Trung tâm XTTM Nông nghiệp Hà Nội, trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường liên kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm tốt, rõ nguồn gốc xuất xứ, Trung tâm cũng sẽ tập trung tổ chức các tuần lễ sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, cũng như các hoạt động giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm an toàn…
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn giữa các đơn vị phân phối ở các tỉnh thành phố và các doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố.