Sát thực tiễn
Theo đánh giá của Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn TP chỉ có khoảng trên 20% lượng thịt bò được cung cấp trực tiếp tới các cửa hàng thực phẩm an toàn, siêu thị là có nguồn gốc rõ ràng. Còn lại, phần lớn thịt bò lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa, giữa sản xuất và tiêu thụ thịt bò chưa có sự liên kết chặt chẽ nên chưa tạo ra dòng sản phẩm hàng hóa ổn định. Xuất phát từ thực tiễn đó, Trung tâm XTTM đã lựa chọn thịt bò (BBB) làm đối tượng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm cung cấp nguồn thực phẩm có chất lượng cho thị trường Thủ đô.
Chăn nuôi bò BBB tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Ảnh: Thiện Quang |
Qua khảo sát thực tế, địa điểm được chọn để triển khai mô hình là xã Ba Trại, huyện Ba Vì - một trong những địa phương có tiềm năng lớn về chăn nuôi bò thịt. Trước mắt, thí điểm liên kết giữa cơ sở chăn nuôi của bà Đặng Thị Thúy, xã Ba Trại và một số DN phân phối bán lẻ, các cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn TP. Trang trại của bà Thúy có diện tích 8ha, hiện đang nuôi gần 100 con bò BBB. Ông Nguyễn Văn Lộc, phụ trách quản lý trang trại cho biết, qua gần 2 năm nuôi thử nghiệm, bò BBB lớn nhanh, ít bị bệnh và chất lượng thịt ngon. Tuy nhiên, phải có DN liên kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thì chăn nuôi mới đi vào ổn định.
Đánh giá cao mô hình liên kết này, ông Nguyễn Đức Dần - Chủ tịch UBND xã Ba Trại nhận định, địa phương còn rất nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi bò thịt nói chung và bò BBB nói riêng. Tuy nhiên, khó khăn của người chăn nuôi thường là câu chuyện “được mùa mất giá”. Chính vì vậy, việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và là hướng đi giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập.
Hướng tới xây dựng thương hiệu
Bò lai F1 BBB được Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội tiến hành nghiên cứu lai tạo từ giống bò BBB - giống bò thịt đặc biệt của Bỉ và bò cái nền lai Sind của Việt Nam. Đây là giống bò mới, có tốc độ tăng trọng rất nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các giống bò thịt khác. Bê khi sinh ra đạt trọng lượng 28 – 32kg/con. Nuôi đến 18 tháng đạt 400 – 450 kg/con, đến 24 tháng đạt 600 – 700 kg/con. Trong vài năm qua, mô hình chăn nuôi bò BBB đã được nhân rộng ra nhiều địa phương trên toàn TP với khoảng 20.000 hộ chăn nuôi. Điều đáng mừng là triển khai chuỗi liên kết, không chỉ cung cấp con giống, Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội còn ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho người nông dân.
Ngoài ra, còn một số cửa hàng phân phối thực phẩm sạch cũng ký kết bao tiêu đầu ra cho người chăn nuôi. Ông Vũ Văn Hải – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội cho biết, tâm lý của người chăn nuôi là lo lắng sản xuất ra sản phẩm bán ở đâu và bán cho ai. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết sẽ không chỉ giúp người nông dân yên tâm sản xuất mà còn góp phần nâng cao chất lượng bò thịt trên địa bàn TP, hướng tới xây dựng thương hiệu bò thịt của Thủ đô.
Tham gia chuỗi liên kết, cơ sở chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y, chứng nhận VSATTP, VietGAP... Ngoài ra còn được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu và tem nhận diện, bao bì đóng gói sản phẩm. Ông Nguyễn Bá Bằng – Phó Giám đốc Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội chia sẻ, sau các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, lúa hàng hóa, thịt lợn hương, chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ thịt bò BBB sẽ đáp ứng một phần nhu cầu thị trường về thực phẩm an toàn, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng đối với sản phẩm thịt bò Hà Nội.