Trong những năm qua, Ngành nông nghiệp và PTNT Hà Nội cũng như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và điều kiện bất thuận của thời tiết. Tuy nhiên được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố và sự phối hợp chặt chẽ toàn diện với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trong cả nước, nên sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội luôn có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố chuyển dịch theo hướng tích cực: Trồng trọt, lâm nghiệp: 41%; Chăn nuôi, thủy sản: 56%; Dịch vụ nông nghiệp: 3%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 233 triệu đồng/ha. Diện tích gieo trồng cả năm trên 294 nghìn ha. Trong đó dịện tích lúa trên 200.000 ha; Ngô 21.000 ha; Rau 29.000ha; Hoa, cây cảnh: 5.500 ha; Cây ăn quả khoảng gần 15.200 ha; Chè trên 3.000ha. Cơ cấu giống lúa chất lượng chiếm 40%, cơ cấu giống ngô lai chiếm 95%, diện tích rau an toàn 5.000 ha; diện tích rau VietGAP 350ha, rau hữu cơ trên 40ha; Quả VietGAP 330ha; Chè VietGAP 80ha. Chăn nuôi phát triển ổn định, tổng đàn lợn 1,52 triệu con; Đàn trâu 25.000 con; Đàn bò trên 143 nghìn con; Bò sữa 14.700 con; Gia cầm 25,4 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 340.000 tấn; Sản lượng sữa tươi đạt trên 35.000 tấn; Sản lượng trứng các loại đạt 1,25 triệu quả. Đặc biệt đã hình thành các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm ngoài khu dân cư và tiến hành lai tạo thành công giống bò thịt F1BBB tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt tốt, mỗi năm cung cấp cho Hà Nội và các địa phương trên 15.000 con giống; Công tác thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được Thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Kết quả cho đến nay đã có 201/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Diện tích đã dồn điền đổi thửa đạt 76.540 ha, vượt kế hoạch đề ra tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phát triển nông nghiệp nông thôn thì hiện nay Ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cũng còn một số khó khăn trong lĩnh vực Quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; Công tác ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần có sự phối hợp của Ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương như: Công tác ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ được triển khai ở một số doanh nghiệp, trang trại nhỏ và chủ yếu ở các khâu nhất định, chưa mang tính đồng bộ, khép kín nên hiệu quả chưa cao... Nguyên nhân là do: Đất nông nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ trong khi đó lại thiếu sự liên kết, hợp tác với nhau và hợp tác với doanh nghiệp; Chưa xây dựng được khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khép kín; Nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật còn hạn chế; Thiếu nguồn vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó là Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Trung ương với mức hỗ trợ chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất; Công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã được thực hiện mang tính đồng bộ song vẫn còn những khó khăn như: Quản lý nông sản thực phẩm ở các địa phương về chợ đầu mối; Sản phẩm an toàn quản lý theo chuỗi chưa nhiều, chưa được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng; Lực lượng cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản ở các cấp còn mỏng, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã chỉ kiêm nhiệm…
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh việc ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được thực hiện từ nhiều năm trước. Từ năm 2010 đã xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 88,17ha tại huyện Củ Chi, trong đó trên 56ha dành kêu gọi doanh nghiệp tham gia, hiện đã có 14 doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật được được đặc biệt chú trọng, đã thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học từ năm 2006 với trang thiết bị đồng bộ hiện đại phục vụ nghiên cứu và chuyển giao, tập trung vào công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với đội ngũ cán bộ chuyên gia trình độ cao và giàu kinh nghiệm…
Đối với tỉnh Bình Dương, ngày 15/02/2007 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2007-2010, nội dung trọng tâm là xây dựng quy hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trên cơ sở đó kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư. Kết quả đến nay đã xây dựng được 04 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 979,71ha, trong đó 01 khu lĩnh vực trồng trọt và 03 khu chăn nuôi. Bên cạnh đó thì tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại buổi làm việc với từng Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội đã ký kết 2 biên bản hợp tác với Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Dương. Mục đích của hợp tác là nhằm tạo thuận lợi giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và xúc tiến thương mại nông nghiệp. Cụ thể:
Công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản: Phối hợp xây dựng các chính sách, quy định, quy chế phối hợp hai chiều trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng Bộ tiêu chí yêu cầu nông sản, thực phẩm an toàn cung cấp cho 2 Thành phố.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Trao đổi kinh nghiệm triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; phối hợp chuyển giao kỹ thuật trong nông nghiệp. Tổ chức các chương trình tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao của mỗi địa phương. Trao đổi kinh nghiệm xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Xúc tiến thương mại nông nghiệp: Tăng cường tuyên truyền, quảng bá đặc sản vùng miền của hai bên; trao đổi thông tin hai chiều về thị trường, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và phân phối nông sản thực phẩm an toàn.Tổ chức các đoàn cán bộ, doanh nghiệp khảo sát, kết nối xúc tiến thương mại nông nghiệp; luân phiên tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản ở mỗi địa phương. Vận động các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia các kỳ Hội chợ, triển lãm hàng năm do mỗi bên tổ chức. Tham mưu cho địa phương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của 2 Thành phố tham gia liên kết hợp tác.
Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh giao cho Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Dương giao cho Phòng Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao làm đầu mối liên lạc và tiếp nhận thông tin, tham mưu cho lãnh đạo Sở chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung ký kết hợp tác./.