Vừa qua, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cùng các doanh nghiệp phân phối nông sản an toàn trên địa bàn thành phố đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Đoàn đã được nghe lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo khái quát tình hình phát triển nông nghiệp, tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải và đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, các doanh nghiệp Hà Nội kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho địa phương:
Tỉnh Phú Thọ hiện có nguồn nông sản thực phẩm khá dồi dào, riêng đàn trâu, bò thịt hơn 170.000 con, lợn 800.000 con, gia cầm 1 triệu con và thủy sản hơn 30.000 tấn/năm, ngoài ra có 16.000ha cây chè... Trong những năm qua, Phú Thọ cũng đã triển khai xây dựng chuỗi an toàn với những tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, do tình trạng sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, kênh quảng bá giới thiệu sản phẩm và đầu ra cho nông sản còn hạn chế… nên việc kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp chưa đạt kết quả cao. Sau gần 2 năm đẩy mạnh kết nối, hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội với Phú Thọ, nhưng nhiều nông sản của tỉnh Phú Thọ vẫn chưa được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, đặc biệt là trong hệ thống chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở Hà Nội. Mặc dù người sản xuất luôn ý thức được việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo các tiêu chí vệ sinh thú y song do các sản phẩm chủ yếu xuất bán dưới dạng thô, chưa qua khâu chế biến nên việc tiêu thụ còn khó khăn và thường xuyên bị tư thương ép giá. Thực phẩm đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ chủ yếu được thu gom bởi các tư thương nhưng số lượng nhỏ lẻ nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, dẫn đến việc sản xuất bị giảm sút, khó khăn cho sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc với tỉnh Phú Thọ, ông Trần Anh Tú - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ đề nghị các doanh nghiệp và người sản xuất tham gia liên kết, hợp tác tôn trọng hợp đồng ký kết và cần phải đặt trong một tổ chức thống nhất nhằm hình thành những vùng nguyên liệu lớn có đủ khả năng cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Hà Nội cần có chính sách hợp tác như thuê đất, đầu tư nguồn vốn bài bản, góp phần phát triển vùng nguyên liệu thay vì ký hợp đồng “chay” và dàn trải với nông dân như hiện nay” thì mới có hiệu quả thiết thực.
Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích đất nông nghiệp là 109.319ha, diện tích đất lâm nghiệp là 469.858ha. Đây là một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất trồng trọt và chăn nuôi có định hướng. Năm 2015 giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 6.200 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản có chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và giảm tỷ trọng trồng trọt.
Trong khi đó, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 của tỉnh Lào Cai ước tính đạt khoảng 6.885 tỷ đồng, tăng 368 tỷ đồng so với năm 2014 và 1.077 tỷ đồng so với năm 2013. Nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh đã được chú trọng phát triển trong những năm qua như: lúa (Séng Cù, Khẩu Nậm Xít, nếp Thâm Dương), cây ăn quả (mận Tam Hoa, mận Tả Van, lê VH6, đào Pháp chín sớm), cây dược liệu (Atiso, đương quy, Tam thất, Sa nhân tím), chè chất lượng cao, cây gia vị, sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực chăn nuôi gồm lợn (đặc biệt là lợn đen bản địa), gà, vịt (nhất là vịt Sín Chéng, vịt Nghĩa Đô), giống trâu Bảo Yên, giống bò vàng vùng cao…
Tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, nhờ sự kết nối của ngành Nông nghiệp và PTNT các địa phương và bằng sự nhạy bén của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp ngày càng đi vào thực tế. Trung bình, mỗi năm có hàng trăm tấn thực phẩm của hai tỉnh đưa vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở Hà Nội bao tiêu. Đơn cử như Công ty TNHH Anh Nguyên, huyện Bắc Hà (Lào Cai), trung bình mỗi tuần cung cấp cho thị trường Thủ đô khoảng 4 tấn thịt lợn Bắc Hà. Tuy vậy, tiếc là năng lực của một số doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở Lào Cai, Yên Bái vẫn chưa đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường Hà Nội do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết, nhu cầu nông sản thực phẩm của Hà Nội khá lớn, riêng 24 siêu thị và 10 phòng cưới của Công ty đóng trên địa bàn các quận, huyện của Hà Nội trung bình mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn thực phẩm. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất muốn thâm nhập thành công vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở Hà Nội phải bảo đảm các điều kiện như: Có đăng ký kinh doanh và các loại giấy chứng nhận vùng sản xuất an toàn, kiểm nghiệm, công bố chất lượng sản phẩm…
Đề cập về việc đưa nông sản thực phẩm của các tỉnh về Hà Nội tiêu thụ, bà Vũ Thị Vân Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VietRap Đầu tư thương mại cho rằng, cần thực hiện tốt các mô hình liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, tránh tình trạng được giá nông dân đơn phương phá vỡ hợp đồng, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, Hà Nội tiếp tục có chương trình hỗ trợ cụ thể giúp các tỉnh kết nối đưa nông sản về tiêu thụ tại thị trường Thủ đô. Để mối liên kết ngày càng thực chất, hiệu quả, các tỉnh nên tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; có chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng hỗ trợ sản xuất, khai thác, chế biến nông sản và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn…
Trong khuôn khổ đoàn đi công tác, các doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu ngành nông nghiệp Hà Nội đã đi khảo sát thực tế và làm việc với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của ba tỉnh. Kết quả đã có gần 30 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất của 3 tỉnh ký thỏa thuận hợp tác cung cấp nông sản thực phẩm sạch tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp giữa Hà Nội với 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ.