Tăng cường liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn trên địa bàn Hà Nội
Vừa qua, tại huyện Phúc Thọ, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn trên địa bàn Hà Nội”. Tham dự Hội thảo có gần 100 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, đơn vị phân phối nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất nông hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đối với lĩnh vực trồng trọt đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành, 170ha cây ăn quả VietGap, 80ha chè VietGAP, diện tích rau an toàn được quản lý, chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đạt 5.000ha. Đối với lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm. Toàn thành phố đã hình thành 11 chuỗi liên kết sản phẩm rau an toàn, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tổng sản phẩm các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hàng ngàn tấn rau, 4.500 tấn thịt lợn, gia cầm, 140 triệu quả trứng, 29.000 tấn sữa tươi. Tuy nhiên sản xuất nông nghiệp tại chỗ của Thành phố mới đảm bảo khoảng 69% thịt gia súc, gia cầm; 32% thủy sản các loại; 38% gạo tẻ chất lượng; 60% rau, củ quả; 18% quả tươi các loại; số còn lại phải nhập từ các tỉnh khác.

Theo số liệu thống kê, Thành phố Hà Nội có 425 chợ (trong đó có 15 chợ hạng 1, 66 chợ hạng 2, 310 chợ hạng 3 và 34 chợ chưa được phân hạng), 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng ngàn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm chủ yếu tập trung tại các quận nội thành. Tuy nhiên, hiện tại một lượng lớn sản phẩm nông sản đó được các thương lái mua tập kết tại các chợ đầu mối sau đó đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng bếp ăn tập thể. Lượng sản phẩm được chứng nhận nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. Các chợ đầu mối vẫn đang đóng vai trò là khâu điều phối các sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ. Việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau vẫn còn hạn chế, chủ yếu theo hình thức mạnh ai nấy làm nên khó khăn trong quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối và sản phẩm tạo ra có tính cạnh tranh thấp. 

\"\"

Ông Hoàng Mạnh Phú - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ phát biểu tại Hội thảo tăng cường liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn trên địa bàn Hà Nội

Hội thảo là dịp để các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội có dịp giới thiệu các sản phẩm chất lượng của mình đến doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng; Các doanh nghiệp phân phối có dịp tìm kiếm các cơ sở sản xuất uy tín để liên doanh, liên kết; Người tiêu dùng có dịp tiếp cận với các sản phẩm chất lượng từ đó tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh phân phối uy tín. Chính vì vậy, hội thảo đã tạo cơ hội, không gian gặp gỡ cho nhiều doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp bán lẻ được chia sẻ thông tin về sản phẩm, quá trình sản xuất, rút ngắn được thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, phát triển thương hiệu đến với người tiêu dùng. Qua đó tăng cường sự hợp tác, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn khép kín trên địa bàn Hà Nội.

Tại hội thảo, đại diện một số siêu thị như siêu thị Fivimart, Hapro, Đức Thành, Ngôi sao… đã nêu một số quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về giấy phép, giấy chứng nhận, đặc biệt sản phẩm động vật đã qua sơ chế và phải có hệ thống giết mổ hiện đại. Đại diện các siêu thị cũng đảm bảo tháo gỡ khó khăn trong quá trình đưa sản phẩm tiêu thụ vào siêu thị nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đi các nước có thị trường lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...

Cũng tại hội thảo, các đơn vị sản xuất đã đưa ra những tiềm năng thế mạnh, quá trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, cam kết cùng người dân sản xuất những sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ, đạt các tiêu chuẩn về VietGAP... đảm bảo về số lượng và chất lượng để cung cấp cho thị trường. Đại diện một số hợp tác xã, chủ trang trại nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau hữu cơ cũng cam kết chỉ sản xuất ra những nông sản an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, không phân hóa học hay các chất cấm trong chăn nuôi. Tại Hội thảo đã có trên 30 hợp đồng hợp tác được ký kết giữa các đơn vị, nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối nông sản thực phẩm an toàn, trong đó tiêu biểu là hợp đồng giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội - Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư thương mại; Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Xứ Đoài - Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Standard Food,...

\"\"

Ông Nguyễn Huy Đăng-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tổng kết Hội Thảo

Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội nhấn mạnh: Hiện nay, lĩnh vực an toàn thực phẩm đang được toàn xã hội quan tâm, để tạo sự kết nối giữa người sản xuất lưu thông cũng như tuyên truyền quảng bá cho người tiêu dùng biết được những sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đủ điểu kiện an toàn thì việc tổ chức những Hội nghị xúc tiến, tăng cường liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn trên địa bàn Thủ đô là hết sức cần thiết. Ông bày tỏ mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối, đề nghị các cơ sở sản xuất theo chuỗi khép kín để được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố. Đồng thời giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm, làm cầu nối để kết nối các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố./.

Mạnh Dũng - Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1508
Tổng lượng truy cập: 22313801