Đó là ý kiến của lãnh đạo Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tại hội nghị “khách hàng và kết nối giao thương” vừa được Hapro tổ chức tại TP Bắc Giang.
Đưa đặc sản tới mọi vùng miền
Bắc Giang có tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều đặc sản đã được tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang nước ngoài như gà đồi Yên Thế, nấm Lạng Giang, mỳ Chũ... Đặc biệt, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã đạt tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP) và xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, do thiếu hệ thống bán lẻ hiện đại nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các DN tỉnh Bắc Giang bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các DN Hà Nội trong việc tiêu thụ các sản phẩm; hỗ trợ Bắc Giang xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh về các sản phẩm chủ lực.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại phiên chợ do Hapro tổ chức tại Bắc Giang. Ảnh: Hoài Nam |
Trước những đề nghị của DN Bắc Giang, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Hapro khẳng định: Tổng Công ty luôn mong muốn phát triển nguồn cung hàng hóa đưa vào hệ thống phân phối bán buôn, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Unimart, Seikamart và phân phối cho nhu cầu thị trường Việt Nam. Chính vì thế, những sản phẩm của Bắc Giang như vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, bánh đa Kế, hàng thủ công mỹ nghệ… là nguồn hàng mà Hapro ưu tiên khai thác cho hệ thống phân phối bán lẻ của mình. Dự kiến, vào trung tuần tháng 6/2016, Hapro kết hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức chương trình “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội”, qua đó hỗ trợ người trồng vải tiêu thụ sản phẩm.
Đáp ứng yêu cầu của thị trường
Mặc dù cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc sản của Bắc Giang nhưng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tâm lý người tiêu dùng vẫn được DN quan tâm. Đại diện Công ty CP Thực phẩm Hà Nội cho biết: Những năm trước, thông qua hệ thống siêu thị Hapro Mart, Công ty đã hỗ trợ người dân huyện Yên Thế tiêu thụ sản phẩm gà đồi, nhưng hiện nay không thể tiêu thụ được nữa. Nguyên nhân là do gà đồi Yên Thế được lai tạo giữa giống gà mía Sơn Tây và gà Lương Phượng nên trọng lượng lên đến 2,5 - 3kg/con, DN cung ứng lại không bán lẻ mà bắt buộc người tiêu dùng phải mua nguyên con.
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Hapro nêu ý kiến: Thời gian đưa sản phẩm vải Lục Ngạn tiêu thụ tại thị trường Hà Nội mất khá nhiều. Trong khi đó, vải là loại quả nhanh bị hỏng, vì vậy, DN tỉnh Bắc Giang cần đầu tư kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch để tăng thời gian bảo quản trái vải từ mức chỉ được 1 - 3 ngày như hiện nay. Ngoài ra, dù là sản phẩm mang tính mùa vụ nhưng để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân cũng như DN, tỉnh Bắc Giang nên xây dựng chiến lược bảo đảm giá cả ổn định trong một thời gian nhất định.
Trước những kiến nghị của DN Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Tỉnh sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Riêng với mặt hàng vải thiều Lục Ngạn, bà Hà cũng yêu cầu các DN, người kinh doanh tỉnh Bắc Giang cần phải tăng thời gian bảo quản, chú trọng cải thiện bao bì, gắn nhãn mác đầy đủ, qua đó quảng bá thương hiệu, sản phẩm...