Đưa nông sản, thực phẩm sạch Bắc Giang đến với người tiêu dùng Thủ đô
Đó là mục tiêu tại hội nghị ký kết Kế hoạch Hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá chủ lực giữa TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020.

Đó là mục tiêu tại hội nghị ký kết Kế hoạch Hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá chủ lực giữa TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020, do UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức sáng 19/4. Trong đó ưu tiên cung ứng thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao phục vụ người dân Thủ đô.

Tiềm năng Bắc Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, Bắc Giang có tiềm năng phát nông nghiệp lớn, với nhiều sản phẩm nổi tiếng đã xuất khẩu trong và ngoài nước như: gà đồi Yên Thế, nấm Lạng Giang, mỳ Chũ... , được xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, đặc biệt vải thiều Lục Ngạn đã sản xuất đạt tiêu chuẩn châu Âu (GlobalGAP) và xuất khẩu vào thị trường Hòa Kỳ.

Đến năm 2015, Bắc Giang có khoảng 20 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có các sản phẩm được sản xuất quy mô lớn, như: gà đồi Yên Thế: 14,6 triệu con (sản lượng (SL) 45.500 tấn); vải thiều: 32.000 ha (SL 160- 200 nghìn tấn/năm); lúa chất lượng cao: 26.000 ha (SL 148.000 tấn); cây rau quả: 24.000 ha (SL ước 380.000 tấn); thủy sản: 12.200 ha (SL 30.000 tấn)… 

 

\"Hình

Hình ảnh tại lễ ký kết hợp tác giữa TP Hà Nội và tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Anh Quý

Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…Hy vọng, với thị trường lớn của Thủ đô (gần 10 triệu dân), Bắc Giang sẵn sàng cung ứng dồi dào những sản phẩm sạch, tiêu chuẩn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Nhân dân Thủ đô, Phó Chủ tịch Dương Văn Thái khẳng định.

Những rào cản

Tại hội  nghị, các đại biểu đều khẳng định, quan hệ thương mại giữa Hà Nội và Bắc Giang sớm được thiết lập. Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết từ năm 2012, Sở Công thương, các ngành chức năng, DN Hà Nội đã triển khai hợp tác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản Bắc Giang. Đồng tình với quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết, nhiều năm nay sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được TCty nhập và đưa vào hệ thống Hapro tiêu thụ; mới đây TCty còn mở siêu thị Hapro tại Bắc Giang để bán hàng sản phẩm hai chiều (của Hà Nội và Bắc Giang). Tuy nhiên, theo các đại biểu, kết quả hợp tác còn thấp, chưa thiết lập được chuỗi liên kết bền chặt “từ sản xuất đến tiêu dùng”, nên người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là hàng chính hiệu... Bà Chu Việt Anh (Cty CP Thương Mại và Dịch Vụ Aita Family) - DN đi đầu đưa sản phẩm Bắc Giang tiêu thụ ở Hà Nội cho biết, để gắn được nhãn mác cho“Gà đồi Yên Thế”, DN phải chi nhiều phụ phí về kiểm định, dãn mác tem cho con gà, giấy phép vận chuyển hàng vào nội thành Hà Nội…, nên giá thành con gà lên đến tới 200 nghìn đồng/kg.

Đại diện các huyện có các sản phẩm nông sản thế mạnh của Bắc Giang và các sở, ngành, DN Hà Nội đã thảo luận, đưa ra các phương án đảm bảo chất lượng, thương hiệu của các sản phẩm nông sản thế mạnh của Bắc Giang; chuẩn hoá từ giống đến quy trình sản xuất...để đảm bảo tất cả sản phẩm thực sự an toàn phục vụ người dân Thủ đô. Và hai bên đều cam kết sẽ triển khai quyết liệt ngay các công việc cụ thể ngay sau hội nghị.

Chung tay vì người tiêu dùng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định việc hợp tác giữa hai địa phương là thể hiện trách nhiệm với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội. Trong những năm qua Hà Nội và Bắc Giang đã phối hợp hiệu quả về nhiều mặt để hợp tác cùng phát triển. Đối với việc tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến đời sống của Nhân dân hiện nay là rất cần thiết, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm đang rất phức tạp. “Đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và DN”, Phó Chủ tịch khẳng định. Đồng chí đề nghị, các bên cần tăng cường phối hợp xây dựng chuỗi liên kết giữa “sản xuất với tiêu dùng”, với 4 nội dung: tạo chuỗi giá trị sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, rõ nguồn gốc (giám sát từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ cuối cùng); bảo đảm hàng hoá lưu thông thuận lợi, giảm chi phí; kết nối DN với người sản xuất, để đảm bảo hàng hoá giá cả hợp lý và  tiêu thụ hết.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái đã ký kết chương trình liên kết, theo đó hàng năm, hai bên sẽ tập trung xây dựng liễn kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; lựa chọn một số sản phẩm nông sản hàng hoá chủ lực của tỉnh Bắc Giang, được sản xuất theo quy trình an toàn sinh học VietGAP, BlobalGAP, có nguồn cung ổn định để cung ứng cho thị trường Hà Nội; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu với các chương trình cụ thể như dự kiến tổ chức chương trình “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội” vào trung tuần tháng 6/2016; tổ chức các chương trình đưa sản phẩm hàng hoá của Hà Nội tiêu thụ tại thị trường Bác Giang... TP Hà Nội hỗ trợ tỉnh Bắc Giang một số địa điểm bán hàng với không gian diện tích phù hợp để chuyên trưng bày giới thiệu và thường xuyên bán các sản phẩm nông sản, hàng hoá an toàn sạch của Bắc Giang phục vụ người dân TP Hà Nội; tạo điều kiện cho một số xe dưới 5 tấn chở hàng nông sản Bắc Giang được lưu thông trên địa bản TP Hà Nội vào những khung giờ thích hợp để kịp thời cũng ứng hàng hoá tới các điểm bán hàng phục vụ người tiêu dùng Hà Nội...
Hai bên thống nhất, giao Sở Công thương Hà Nội và Sở Công thương Bắc Giang, chủ trì xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể triển khai năm 2016 thực hiện các nội dung trên.

Theo kinhtedothi.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8564
Tổng lượng truy cập: 25380947