Việc mở rộng thị trường đưa nông sản tiếp cận thị trường thế giới nhằm giúp nông dân thoát cảnh “được mùa rớt giá” và có đầu ra ổn định luôn được các cấp chính quyền quan tâm.
Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) Nông nghiệp Hà Nội (Trung tâm) thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội là một trong những đơn vị được giao thực hiện các hoạt động này.
Cơ hội
Với chức năng làm đầu mối giúp Sở NN&PTNT thực hiện các hoạt động XTTM của ngành nông nghiệp Hà Nội suốt quá trình từ sản xuất đến khi sản phẩm ra thị trường, từ khi thành lập, Trung tâm đã thực hiện nhiều hoạt động liên kết, hợp tác khu vực, vùng và mở rộng ra nước ngoài. Các hoạt động này đã góp phần kết nối đưa nông sản, đặc sản các vùng miền trên cả nước về Thủ đô phục vụ người dân. Đó là sự liên kết tiêu thụ hoa quả các tỉnh phía Nam, chuỗi liên kết rau, thực phẩm các tỉnh, thành vùng Thủ đô, Việt Bắc, Tây Bắc, khu vực miền Trung… giúp người tiêu dùng Thủ đô có thêm nhiều lựa chọn với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú hơn.
Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm một trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp tại Nhật Bản. |
Tuy nhiên, những cán bộ của Trung tâm vẫn luôn trăn trở tìm hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ hội nhập. Với mong muốn ấy, vừa qua, được sự đồng ý của Thành ủy, UBND TP, Trung tâm đã mạnh dạn lần đầu tiên tổ chức một đoàn DN tham gia Hội chợ Quốc tế về thực phẩm và đồ uống Foodex Japan 2016 tại Nhật Bản (Foodex Japan 2016). Hội chợ được tổ chức từ ngày 8 - 11/3/2016 tại Trung tâm triển lãm Makuhari Messe thuộc tỉnh Chiba, Nhật Bản. Đây là cơ hội để giúp các DN Hà Nội tìm kiếm khách hàng mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường Nhật Bản. Chỉ sau 3 ngày có mặt tại Hội chợ, cả 4 DN của Hà Nội đều tìm kiếm được những khách hàng phù hợp để giao kết hợp tác cung cấp sản phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm XTTM Nông nghiệp Hà Nội nhận định, đây là chuyến đi thành công, là bước khởi đầu cho các chương trình kết nối thương mại quốc tế trong thời gian tới. Chuyến đi đã giúp các cán bộ làm công tác XTTM nông nghiệp Hà Nội có thêm nhiều bài học quý. Đặc biệt, có cái nhìn, sự so sánh tổng thể của hoạt động này trong nước và quốc tế. Từ đó, rút ra được những bài học kinh nghiệm, bổ ích cho công việc thực tế của Trung tâm ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.
Những bài học
Foodex Japan 2016 là một hội chợ đa sắc màu của gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở đó, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều mang đến những sản phẩm đặc sắc nhất, những thương hiệu nổi tiếng của mình giới thiệu tới bạn bè quốc tế. Cũng tại đây, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có cách tiếp thị, quảng bá riêng độc đáo nhằm thu hút nhiều nhất sự chú ý của khách hàng và giới truyền thông. Ngay khi đặt chân tới Hội chợ đã thấy không khí làm việc khẩn trương, chuyên nghiệp của các quốc gia, vùng lãnh thổ khi xây dựng các gian trưng bày. Ngoài mặt bằng, khung vách đã được lắp dựng theo sơ đồ, bản vẽ mỗi quốc gia đều tự trang trí gian hàng của mình. Đặc biệt, tất cả các nguyên vật liệu từ logo, bảng tên thương hiệu, pano… đều được cất giữ trong những hộp bảo quản chuyên dụng để tránh bị nhàu nát, cong vênh làm mất đi vẻ đẹp trong quá trình vận chuyển.
Để việc bố trí gian hàng bắt mắt, thu hút đông đảo khách hàng, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ có cách bài trí, tiếp thị riêng dựa theo một nét văn hóa đặc trưng của quốc gia mình. Người Mỹ dùng hình ảnh nhân vật của một bộ phim nổi tiếng “Đội trưởng Mỹ” đứng canh trước gian hàng. Người Thổ Nhỹ Kỳ mặc trang phục dân tộc truyền thống bằng chất liệu bám dính rồi dán sản phẩm lên đó đi trong khu vực hội chợ để quảng bá. Người Thái Lan với một thiếu nữ xinh đẹp trong trang phục truyền thống đứng giới thiệu sản phẩm bằng 2 ngôn ngữ Nhật và Anh rất hấp dẫn… Hầu hết các gian hàng của mỗi quốc gia đều có sản phẩm mời khách ăn thử để đánh giá chất lượng như chân giò muối Tây Ban Nha; hoa quả Ecuador; bơ, phomai Pháp; chuối, rượu Việt Nam; bia Đan Mạch…