Ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững
Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2015, câu chuyện liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng triển khai càng minh chứng cho sự chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng của nông nghiệp trong nước.

Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2015, câu chuyện liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng triển khai càng minh chứng cho sự chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng của nông nghiệp trong nước.

Chọn “nhà ưu tiên” trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững

Từ những mô hình liên kết và ứng dụng công nghệ cao hiệu quả

Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình liên kết thực tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương đã chứng minh rằng, nếu có sự sẵn sàng tương tác giữa các chủ thể liên kết cộng với ứng dụng công nghệ cao một cách quyết liệt thì sản xuất nông nghiệp bền vững và gia tăng giá trị cạnh tranh là hoàn toàn trong tầm tay.

\"\"

Nhân rộng mô hình sản xuất rau hữu cơ organic (Ảnh: HNV)


Đơn cử như ở tỉnh Lâm Đồng với nhiều mô hình liên kết hiệu quả: Liên minh sản xuất hoa cắt cành Dalat Hasfarm – \"mô hình điểm\" cho nông dân Đà Lạt tiếp cận kỹ thuật sản xuất hoa mới. Hay HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào đã liên kết với hàng chục hộ nông dân, mở rộng diện tích sản xuất rau tiêu chuẩn VietGAP lên hơn 270 ha. Nhờ liên kết sản xuất, mỗi năm, HTX Anh Đào cung cấp cho hệ thống siêu thị, nhà hàng và xuất khẩu hơn 42 nghìn tấn rau, với 70 chủng loại. Sản phẩm rau thương hiệu Anh Dao Co-op được người tiêu dùng quan tâm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, tỉnh này đang tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, việc thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng và phát triển các liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang được địa phương quan tâm. Đặc biệt, việc phát triển bền vững các chuỗi liên kết là mục tiêu quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, nhằm bảo đảm sản xuất, tiêu thụ nông sản và chuyển giao khoa học - công nghệ… Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh đã đạt gần 40 nghìn ha, chiếm 15% diện tích đất nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 30% giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh, doanh thu bình quân 130 triệu đồng/ha/năm. Trong tổng nguồn vốn hơn 13 nghìn tỷ đồng, được huy động thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2011- 2014, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 2,54%, còn lại nguồn vốn chủ yếu từ doanh nghiệp (35,26%) và của người dân (56,53%).

Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, để đảm bảo tính bền vững trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đầu tiên, phải rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung; đánh giá lại các hình thức liên kết, thành công thì nhân rộng, chưa thành công thì có biện pháp tác động ngay. Đồng thời, lựa chọn, nuôi dưỡng doanh nghiệp uy tín, có khả năng kết nối với nông dân; Nhà nước giám sát, tác động, hỗ trợ, nhất là thông tin liên kết thị trường vùng, miền, quốc gia.

Đối với Nghệ An, giá trị công nghệ cao và liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp còn từng bước góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây. Trong đó, phải kể đến trang trại bò sữa của Tập đoàn TH ở vùng đất Tây Nghệ An. Tập đoàn TH đã tận dụng tối đa lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đấy này đồng thời quyết định mua toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel, nhập khẩu toàn bộ quy trình chế biến sữa hàng đầu thế giới.

Trang trại TH áp dụng công nghệ đầu cuối, hầu hết các khâu đều được tự động và chuyên nghiệp hóa, quy tụ công nghệ xử lý nước, trồng nguyên liệu, phối trộn thức ăn… tiên tiến nhất thế giới. Quy trình sản xuất của TH được tư vấn bởi Afikim (Isarel), trong đó khâu chăm sóc, quản lý bò được trực tiếp thực hiện bởi Afikim (quản trị đàn bò) và Công ty Totally Vets của New Zealand (quản trị về thú y). Khi triển khai Dự án trên miền Tây xứ Nghệ, trang trại TH và Nhà máy sữa tươi sạch TH đã đào tạo, tiếp nhận và bố trí việc làm, có thu nhập ổn định cho hơn 1.300 lao động, chủ yếu là lao động địa phương vùng Dự án, cấp học bổng cho con em địa phương. Bên cạnh đó, trang trại TH đã liên kết và hỗ trợ nông dân trong vùng Dự án về khoa học kỹ thuật, giống, phân bón... để họ sản xuất nông sản phục vụ chế biến thức ăn cho bò sữa theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm cho người nông dân. Hiện tại, giá trị canh tác tại trang trại TH đạt từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha, đây là bước ngoặt vượt bậc so với cách làm nông nghiệp truyền thống trước đây. Trao đổi với chúng tôi về việc tăng cường ứng dụng công nghệ cao cũng như khai thác triệt để lợi thế liên kết chuỗi sản xuất tại trang trại TH, ông Lê Đức Trường, Trưởng Ban đối ngoại Tập đoàn TH cho hay, TH xác định công nghệ cao là “chìa khóa vàng” trong sản xuất bởi thế Tập đoàn không ngần ngại áp dụng các công nghệ hàng đầu thế giới cho tất cả các khâu. Cộng với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình của vùng, TH hiện nay đã chủ động được nguồn nguyên liệu, tiết kiệm từ 60 - 70% chi phí trong nhập khẩu thức ăn cho bò, hơn nữa, còn mở rộng ra các mô hình: trồng rau hữu cơ organic, vườn dược liệu…

Tại Hà Nội, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung chủ yếu kinh doanh cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào và làm trung gian phân phối tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một số doanh nghiệp đã tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất và người tiêu dùng. Có thể kể đến chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của công ty HADICO, liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu sản phẩm an toàn và thiết lập các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini cung cấp sản phẩm an toàn cho người dân Hà Nội. Đồng thời, xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là nơi tham quan học tập cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân trong và ngoài thành phố đến học tập trao đổi kinh nghiệm; là nơi chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng và vật tư kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao. Hay sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, đã kết nối được với 11 tỉnh, thành trong cả nước với trên 625 tổ hợp tác. Rồi cả chuỗi liên kết của Công ty cộng đồng Green Food Hà Nội, khép kín từ sản xuất thức ăn, tổ chức chăn nuôi, quy trình giết mổ tập trung, phân phối sản phẩm qua các hệ thống cửa hàng, không qua khâu trung gian nên sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng…

Tồn tại trong chuỗi giá trị liên kết và giải pháp bền vững

\"\"

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (Ảnh: HNV)


Tuy đã có những minh chứng rõ ràng nhưng sự lan tỏa của chuỗi liên kết cũng như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta vẫn gặp nhiều thách thức.

Về chuỗi liên kết, sự thiếu đồng bộ giữa các tác nhân và chủ thể liên kết đang là trở ngại lớn cho tính bền vững của liên minh, liên kết. Thực tế, người sản xuất hiện nay ở nước ta chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm thường ký các hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm lớn và ổn định. Đặc biệt, tình trạng người sản xuất phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác khi giá bán cao hơn thường xuyên xảy ra…. Điều này dẫn đến hậu quả tình trạng “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”, hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân nhiều nơi còn thấp, thiếu thông tin thị trường, một số bộ phận còn chạy theo lợi ích trước mắt.

Trong khi đó, doanh nghiệp làm trung gian phân phối chưa mặn mà bởi đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn chưa cụ thể.

Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền quảng bá, marketting giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu.

Đối với kênh bán lẻ, hiện trạng vẫn còn việc trà trộn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc tiêu thụ để cung cấp cho người tiêu dùng. Việc giới thiệu quảng bá sản phẩm, tư vấn chăm sóc khách hàng chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, chưa có sự phản hồi thông tin hai chiều giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ để từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Mà nguyên nhân là do một số cửa hàng bán lẻ chạy theo lợi nhuận và nhân viên bán hàng thiếu kỹ năng  tiếp thị, tư vấn khách hàng. Hậu quả gây mất lòng tin đối với sản phẩm mà các kênh phân phối đem lại cho họ.

Đáng chú ý, người tiêu dùng về cơ bản vẫn thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, chưa nắm được địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín, bên cạnh đó một bộ phận người tiêu dùng thích các sản phẩm giá rẻ. Nguyên nhân là do công tác thông tin truyền thông định hướng sản phẩm theo khách hàng của doanh nghiệp còn hạn chế. Hậu quả người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe và mất lòng tin với người sản xuất.

Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, nhưng từ những thách thức từ thực trạng liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, các nhà quản lý cũng như chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đều đồng tình cao rằng, doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi liên kết. Cũng theo các ý kiến đề xuất thì Nhà nước cần đặc biệt quan tâm tìm cách khắc phục những tồn tại, thách thức trong chuỗi liên kết và ứng dụng công nghệ cao hiện nay, làm thế nào để tạo đòn bẩy củng cố vai trò doanh nghiệp với tư cách là trung tâm phân phối chủ đạo nhằm giúp chuỗi giá trị nông sản phát triển bền vững./.

Theo dangcongsan.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8880
Tổng lượng truy cập: 25380947