Với mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Hà Nội và HND các tỉnh phía Bắc đã triển khai chương trình phối hợp với nhiều hoạt động đa dạng.
Tuy nhiên, đến nay, chương trình chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, bởi việc liên kết tiêu thụ nông sản vẫn chỉ dừng lại ở khâu giới thiệu sản phẩm.
Liên kết lỏng lẻo
Những năm qua, HND Hà Nội và 14 tỉnh phía Bắc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh bằng việc tổ chức hàng chục chuyến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu cho cán bộ, hội viên. Điều này chứng tỏ công tác phối hợp tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm giữa HND Hà Nội và các tỉnh luôn được chú trọng. Tuy nhiên, ông Trịnh Thế Khiết – Chủ tịch HND Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vẫn lỏng lẻo. Mặc dù HND TP đã nỗ lực tuyên truyền, quảng bá nhiều đặc sản, nông sản của các tỉnh nhưng sản phẩm vẫn chưa tiêu thụ được nhiều. Các sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại thị trường Thủ đô chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó có cam Cao Phong (Hòa Bình), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), hải sản Thanh Hóa.
Đặc sản chè Thái Nguyên được giới thiệu tại Hội chợ xuân 2016. Ảnh: Quang Thiện |
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại diện HND các tỉnh đồng tình quan điểm, các địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, chất lượng cao. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng đối với những sản phẩm này là rất lớn. Đơn cử như tại Hòa Bình, những năm gần đây, HND tỉnh phối hợp hiệu quả với HND Hà Nội trong việc tiêu thụ cam Cao Phong và mía tím. Tuy nhiên, Hòa Bình còn rất nhiều sản phẩm nông nghiệp khác có chất lượng tốt như gà đồi, lợn bản địa… chưa được thị trường Thủ đô chấp nhận vì không có thương hiệu. Riêng mía tím, trong năm 2015, nông dân Hòa Bình chỉ tiêu thụ được trên 30% với giá có lãi, còn tới gần 70% thì nông dân phải bán cho thương lái giá “rẻ như cho”.
Phối hợp có trọng tâm
Không chỉ dừng lại ở sự trao đổi, liên kết, phối hợp mà chương trình phải tìm ra các giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu cuối cùng là tiêu thụ nông sản cho nông dân. Qua đó, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của các cấp HND trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng.
|
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của nông dân là vẫn là đầu ra cho nông sản. Do đó, HND Hà Nội cũng như các tỉnh cần liên kết chặt chẽ hơn nữa trong việc phối hợp đầu tư xây dựng các địa điểm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương trên địa bàn TP. Theo ông Lê Đình Long – Chủ tịch HND Quảng Ninh, Hà Nội và các tỉnh phải phối hợp có trọng tâm, trọng điểm bằng việc thực hiện các giải pháp thiết thực. Trước hết phải tăng cường trao đổi thông tin tuyên truyền trên website của HND Hà Nội và các tỉnh, trong đó ưu tiên giới thiệu các sản phẩm an toàn, có thương hiệu. Bên cạnh đó, kết hợp giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả, cách làm hay… Ngoài ra, Hà Nội và các tỉnh cần tổ chức nhiều hội chợ nông nghiệp tạo cơ hội cho nông dân tham gia trưng bày sản phẩm nhằm trao đổi, tiêu thụ sản phẩm hai chiều.
Nông sản Việt nói chung, nông sản Hà Nội cũng như các tỉnh nói riêng muốn tiêu thụ tốt chắc chắc phải có sự liên kết 4 nhà, trong đó DN đóng vai trò là đầu tàu. Do đó, để nông sản vươn ra thị trường thế giới thì bắt buộc HND Hà Nội và các tỉnh phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị trường bằng cách “bắt tay” với DN. Riêng HND Hà Nội cần phát huy lợi thế, đi đầu trong việc tìm đầu mối, hiểu kỹ các loại thị trường, nhất là các thị trường khó tính như Mỹ, EU… Bởi theo đánh giá của lãnh đạo T.Ư HND Việt Nam, HND Hà Nội vẫn còn thiếu sự liên kết với các sở, ngành TP để giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn Thủ đô.
Ánh Ngọc