Gà thả vườn - sản phẩm được người tiêu dùng trong nước tin dùng.
Chăn nuôi yếu thế trước hội nhập
Sau khi TPP được ký kết, đã có không ít ý kiến quan ngại về những thách thức mà ngành Chăn nuôi sẽ gặp phải. Đánh giá tác động của TPP, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định, mặc dù có lợi thế nhưng với khả năng cạnh tranh yếu, ngành Chăn nuôi sẽ bị tổn thương nhất khi tham gia TPP.
Thậm chí, theo các chuyên gia, chăn nuôi là ngành “nguy cấp” với 3 đối tượng chính là heo, gà và bò. Chăn nuôi gà quy mô nhỏ, không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị thua thiệt, lợi nhuận chăn nuôi gà siêu thịt sẽ hẹp đi.
Báo cáo mới đây của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về tác động của TPP đối với ngành Chăn nuôi còn chỉ ra, sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước TPP, đặc biệt đối với ngành thịt.
Một chuyên gia trong ngành Chăn nuôi còn nhấn mạnh, với việc tham gia vào TPP, khoảng 90% dòng thuế có thể giảm về 0%, khi đó, ngành Chăn nuôi sẽ “tối như đêm 30”, trước mắt là đối diện với việc nhập thịt gia cầm từ Hàn Quốc, sau nữa là các nước TPP rất mạnh về chăn nuôi.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, hiện nay, thuế nhập khẩu nông sản từ các nước ASEAN rất thấp, chỉ 0 - 5%. Trong khi đó, thuế áp lên các nước như
Australia, New Zealand, Nhật Bản vẫn ở mức cao, đặc biệt ở mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và thịt chế biến.
\"Vì vậy, sau khi dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan khi gia nhập TPP, các ngành được bảo hộ bằng thuế quan, trong đó có chăn nuôi sẽ bị tác động mạnh, nhất là sức ép cạnh tranh\", ông Thành nhấn mạnh.
Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi
Khi được hỏi, với những sức ép trên, liệu ngành Chăn nuôi nhỏ lẻ của Việt Nam có thể vượt qua khi tham gia TPP, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển chăn nuôi) cho rằng, ngành Chăn nuôi đã chủ động chuẩn bị tinh thần hội nhập TPP.
Theo đó, ông Dương cho rằng, để ngành Chăn nuôi chủ động trong hội nhập, vấn đề trước tiên là chúng ta cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng sản xuất theo chuỗi sản phẩm, lấy doanh nghiệp là trung tâm, sau doanh nghiệp là hợp tác xã và các hộ chăn nuôi. Điều này nhằm đảm bảo chăn nuôi phải sạch và an toàn, có chất lượng tốt và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Dương tin tưởng, “người Việt Nam đã có thói quen sử dụng sản phẩm trong nước như gà sạch, lợn sạch…Vì thế, nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt, tôi cho rằng, ngành Chăn nuôi vẫn có thể vượt qua được những thách thức khi tham gia TPP”.
Theo ông Dương, tổ chức lại nền chăn nuôi đã bao hàm nội hàm của đề án tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, ngành Chăn nuôi sẽ phát huy những lợi thế các con vật có thế mạnh.
Ví dụ, trong chăn nuôi, xác định lợn là vật nuôi chủ lực, trong chăn nuôi gia cầm tập trung cao cho gà vườn bởi gà vườn chiếm một thị phần rất lớn trong cơ cấu tiêu dùng của người Việt. Hơn nữa, chúng ta cũng có hy vọng sẽ xuất khẩu những sản phẩm đặc biệt nhất như chăn nuôi vịt. Thực tế, chăn nuôi lợn Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới về đầu con, đứng thứ 6 về sản lượng, vịt đứng thứ 2 thế giới về đầu con và sản lượng. Đây là một trong những thế mạnh của ngành Chăn nuôi, ông Dương phân tích.
Bên cạnh đó, ông Dương cũng cho rằng: “Chúng ta cần hạn chế nhập khẩu đầu vào, nhất là nguyên liệu ngành chăn nuôi. Chúng ta tăng cường chuyển đổi một phần diện tích trồng những cây lương thực giá trị thấp sang những cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”.
Song song đó, ngành Chăn nuôi cần tập trung cao độ sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi bổ sung, để giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi Việt Nam. Nếu Việt Nam cố gắng đưa giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi của chúng ta đứng vào nhóm trung bình của 12 nước tham gia TPP thì chúng ta tăng thêm khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, ngành Chăn nuôi còn có thêm cơ hội bởi vì các nước trong TPP đều có công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giống tiên tiến, chúng ta có thể du nhập công nghệ và giống của các nước này ông Dương nhấn mạnh.
Nam Thắng