Hà Nội hiện có 15.161 ha cây ăn quả, tập trung ở hai vùng chính đồi gò và bãi ven sông, chủ yếu ở các huyện Ba Vì 1.986 ha, Chương Mỹ 1.016 ha, Sóc Sơn 1.257 ha, Sơn Tây 853 ha, Mê Linh 765 ha…
Bưởi Diễn, đặc sản của Thủ đô
Trong rất nhiều loại đặc sản nức tiếng của Thủ đô đầu tiên phải kể đến cam Canh, thứ trái cây từng được làm vật để tiến cống cho các bậc vua chúa ngày xưa.
Trước đây cam Canh chủ yếu trồng ở huyện Từ Liêm (cũ) nhưng ngày nay đã phát triển sang các huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai... Mùa vụ của cam Canh bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đến Tết Nguyên đán.
Tiếng gọi là cam nhưng cam Canh chính là một loại quýt. Cây sinh trưởng khoẻ, tán hình dù, lá màu xanh đậm, thường cao 3-3,5 m, đường kính 3-4 m, ra hoa tháng 2-3, thu hoạch tháng 11-12. Quả cam Canh hình cầu dẹt, trọng lượng trung bình 80 -120 gram.
Cam Canh thích nghi rộng, trồng được ở nhiều nơi, năng suất cao, nếu chăm sóc tốt 1 ha có thể thu 40-50 tấn quả. Cam Canh khi chín có màu vàng óng ả, cho vị ngọt thanh khiết và hương thơm mát khiến người ăn một lần khó có thể quên.
Hiện diện tích cam Canh của Hà Nội vào khoảng 747 ha với tổng sản lượng đạt 6.826 tấn. Tính ra, thứ cây trồng đặc sản này cho người nông dân thu nhập 700-900 triệu đồng/ha/năm cao gấp nhiều lần so với các cây khác.
Nhắc đến cây ăn quả của Hà Nội mà thiếu bưởi thì thật thiếu sót. Hiện trên địa bàn thủ đô có nhiều loại bưởi khác nhau như bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, bưởi La Tinh, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi Tích Giang, bưởi đường Vân Cốc, bưởi đường Cát Quế, bưởi đỏ Tráng Việt, bưởi giống mới Vân Hà… mà đứng đầu bảng chính là bưởi Diễn. Bởi hiệu quả kinh tế khá cao, đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm nên tổng diện tích bưởi của Hà Nội đã lên tới 2.706 ha, tập trung tại các huyện Đan Phượng 255 ha, Hoài Đức 288 ha, Quốc Oai 190 ha; Chương Mỹ 224 ha, Phúc Thọ với sản lượng đạt 35.521 tấn.
Để duy trì và thúc đẩy phát triển SX cây ăn quả đặc sản, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao giai đoạn 2012-2016. Sau khi đề án được phê duyệt, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các kênh đài, báo, truyền hình Trung ương và Hà Nội về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, hiệu quả của mô hình tới người dân Thủ đô và các tỉnh, thành trên cả nước.
Đặc biệt đài truyền thanh tại các xã, HTX tham gia mô hình đã xây dựng hẳn các chuyên mục để thông tin được thường xuyên cập nhật. Cán bộ của Trung tâm sát cánh cùng nhà vườn để hướng dẫn các quy trình kỹ thuật, quản lý, chỉ đạo SX, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ.
Vấn đề xúc tiến thương mại cũng hết sức được coi trọng như hỗ trợ xây dựng và duy trì phát triển nhãn hiệu tập thể cam Canh Kim An (Thanh Oai) từ 2013-2015. Hỗ trợ HTXNN Kim An xây dựng gian hàng bán, giới thiệu sản phẩm cho nhân dân Thủ đô và các tỉnh bạn biết đến giá trị của sản phẩm cam Canh Hà Nội.
Từ năm 2013 - 2015, Trung tâm đã xây dựng và duy trì được 3 nhãn hiệu “Bưởi Quế Dương”, “Bưởi Phúc Thọ” , “Bưởi Chương Mỹ”. Bước đầu sản phẩm đã được gắn nhãn mác để đàng hoàng đi vào các cửa hàng tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm.
Kết quả của Đề án SX cây ăn quả giá trị kinh tế cao bước đầu đáp ứng được mục tiêu của Chương trình số 02/CT-TU của Thành uỷ Hà Nội về phát triển nền kinh tế nông nghiệp đô thị, xây dựng cộng đồng làng xã bền vững.
Tuy nhiên, trong SX cây ăn quả nói chung và cam Canh, bưởi Diễn nói riêng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Lạm dụng thuốc BVTV quá nhiều dẫn đến các khu vực trồng bị ô nhiễm môi trường. Đa số các vùng trồng cây ăn quả chưa áp dụng quy trình kỹ thuật SX an toàn. Việc tiêu thụ vẫn chủ yếu qua các thương lái theo hình thức thuận mua vừa bán, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người SX và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lớn...
Chính vì thế mà những biện pháp cấp thiết sắp tới Hà Nội cần phải quan tâm là: Tăng cường công tác phối hợp với các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn trong ngành. Tăng cường công tác tuyên truyền. Tăng cường công tác tập huấn cho nông dân, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm theo nhóm hộ. Tăng cường công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản nói chung và cây ăn quả nói riêng...