Tăng cường hiệu quả kết nối sản xuất – tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp của Hà Nội với các tỉnh, thành phố
Nhằm đánh giá những kết quả đạt được về công tác kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của Hà Nội và các Tỉnh, Thành phố trong thời gian qua, từ đó đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác liên kết trong thời gian tới.

 Nhằm đánh giá những kết quả đạt được về công tác kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của Hà Nội và các Tỉnh, Thành phố trong thời gian qua, từ đó đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác liên kết trong thời gian tới. Đồng thời tạo cơ hội cho các nhà quản lý, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm của Hà Nội và các Tỉnh, Thành phố trong cả nước gặp gỡ, trao đổi thảo luận, giới thiệu tiềm năng, nhu cầu liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong khuôn khổ Hội chợ sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2015, sáng ngày 8/10, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội thảo :”Tăng cường hiệu quả kết nối sản xuất – tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp của Hà Nội với các Tỉnh, Thành phố” được tổ chức với sự tham gia của trên 200 đại biểu đến từ các Cục, Vụ, Viện, Sở Nông nghiệp và PTNT của 22 tỉnh, thành phố như Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Tiền Giang, Phú Thọ, Hải Phòng, Điện Biên, Hòa Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của Hà Nội và các Tỉnh, Thành phố…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết hiện nay, lượng lớn các loại nông sản thực phẩm từ các Tỉnh, Thành phố cung cấp cho Hà Nội là chưa rõ nguồn gốc xuất xứ nên nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao, lây lan dịch bệnh của đàn vật nuôi, gây ảnh hưởng lớn tới quá trình sản xuất chăn nuôi, sức khỏe và lòng tin của người tiêu dùng. Hơn nữa, nhiều sản phẩm tốt của các địa phương lại chưa được người tiêu dùng Thủ đô biết đến. Điều này đặt ra yêu cầu phải tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Trong 02 năm qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nông nghiệp và đã thu được một số kết quả nổi bật như đã đưa 30 lượt doanh nghiệp của Hà Nội chuyên sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị, công nghệ môi trường đi các tỉnh, thành phố. Thông qua đó đã ký kết được 12 hợp đồng liên kết cung cấp sản phẩm và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các địa phương, đã có hàng vạn hệ thống Biogas Composite và nghìn tấn phân bón các loại, hàng trăm con giống, hàng vạn cây ăn quả giống các loại như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ…được chuyển đến các tỉnh, thành trong cả nước. Trung tâm cũng đã khớp nối và đưa được 70 lượt doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất tiêu biểu của các tỉnh, thành phố, từ đó đã có trên 30 hợp đồng được ký kết với trên 60 chủng loại sản phẩm đã được đưa về tiêu thụ tại các kênh phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn của Hà Nội như mật ong Phong Thổ, chè Vĩnh Tân, miến dong Tuyên Quang, vú sữa Lò Rèn, Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, na Chi Lăng, măng ớt, hạt dẻ Lạng Sơn, nhãn lồng Hưng Yên, hồng không hạt Bảo Lâm, rau cần, gạo chất lượng Bắc Giang…Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (chuỗi hệ thống siêu thị Fivimart) đánh giá các chương trình hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các Tỉnh, Thành phố đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp. Thông qua các chương trình hợp tác, doanh nghiệp sẽ mở rộng nguồn cung ứng các nông sản thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, giúp người tiêu dùng Thủ đô có cơ hội được “thưởng thức” đặc sản từ các vùng miền trong cả nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng việc liên kết, hợp tác phải có kế hoạch rõ ràng, cụ thể, các địa phương phải tổ chức sản xuất đúng quy trình, cung cấp đủ số lượng theo yêu cầu, đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thành chuỗi giá trị bền vững. “Thông tin về sản phẩm đến và đi như số lượng, yêu cầu chất lượng cần được các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp một cách chính thống để việc hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố được bền vững”, ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La cho biết.

Điểm nhấn đặc biệt của chương trình Hội thảo lần này là đã tổ chức Lễ ký kết cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia chương trình Hội thảo và Hội chợ. Tổng số đã có 23 Biên bản thỏa thuận, hợp đồng hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp đã được ký kết, trong đó có 1 Hợp đồng hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư; 8 Hợp đồng trong lĩnh vực cung ứng vật tư đầu vào và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; 14 hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Tổng giá trị các hợp đồng kinh tế mua bán cung ứng, chuyển giao, liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm đạt 172 tỷ đồng và hợp đồng, thỏa thuận, liên kết hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư đạt khoảng trên 600 tỷ đồng.   

      Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội ký Biên bản thỏa thuận hỗ trợ xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với công ty TNHH Ba Huân. Công ty TNHH Ba Huân là một trong những nhà cung cấp trứng sạch hàng đầu tại Việt Nam với hệ thống xử lý và làm sạch trứng gia cầm bằng công nghệ hàng đầu Châu Âu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mong muốn được mở rộng thị trường ra khu vực phía Bắc, công ty triển khai Dự án Xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao tại Hà Nội. Theo đó Trung tâm sẽ hỗ trợ Công ty tìm kiếm địa điểm, tiếp cận các cơ chế chính sách, cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao tại Hà Nội với tổng giá trị 90 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ hỗ trợ Công ty tìm kiếm vùng nguyên liệu trứng tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm tại khu vực phía Bắc với công suất giai đoan 1 là 200 triệu quả/ năm, trị giá 600 triệu đồng;

Trong lĩnh vực cung ứng vật tư đầu vào và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, Công ty TNHH Quang Huy ký kết với Hội nông dân tỉnh Tuyên Quang và Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Vĩnh Phúc về việc cung ứng, lắp đặt hệ thống xử lý môi trường Biogas, composite… trong chăn nuôi, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tổng giá trị các hợp đồng đạt trên 20 tỷ đồng. Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương ký kết biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm tinh bột sắn với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, với tổng giá trị các hợp đồng đạt trên 20 tỷ đồng. Với Biên bản hợp tác này, Sở Nông nghiệp và PTNT hai tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang sẽ giúp Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương tìm vùng nguyên liệu tinh bột sắn tại địa bàn tỉnh và Công ty sẽ có trách nhiệm thu mua toàn bộ. Tại Hội thảo còn diễn ra lễ ký kết hợp đồng giữa Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội và Ngân hàng LienVietPostbank – Chi nhánh Đông Đô về việc hỗ trợ cho các hộ nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp phục vụ phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với lãi suất là 0% trong thời gian từ 2,5 đến 3 năm.

Đối với lĩnh vực liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, Công ty Cổ phần Nhất Nam đã ký kết biên bản thỏa thuận liên kết hợp tác, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn với Cơ sở sản xuất và chế biến lúa gạo Trần Thị Quynh – tỉnh Quảng Bình (cung cấp gạo lúa chét sạch không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón), HTX Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu – tỉnh Tuyên Quang (cung cấp cam sành Phong Lưu), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phúc Linh – tỉnh Hòa Bình (cung cấp cam Cao Phong), Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi và nông sản thực phẩm Xứ Đoài (cung cấp thanh long ruột đỏ và chanh đào) với tổng giá trị các hợp đồng đạt trên 8 tỷ đồng. Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam đã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I ( tỉnh Bình Dương) và Công ty TNHH MTV Cao Lầu (tỉnh Tiền Giang) về việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với tổng giá trị các hợp đồng đạt trên 6 tỷ đồng. Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại An Việt ký kết hợp đồng cung ứng nông sản an toàn cho các bếp ăn của 2 Trường Tiểu học Cổ Nhuế 2B và Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên với tổng giá trị các hợp đồng đạt trên 2 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các địa phương trong cả nước, Trung tâm sẽ tăng cường tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế; Kết nối để xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn thành phố và gắn kết chuỗi rau, thịt an toàn của Bộ Nông nghiệp & PTNT giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, sẽ xây dựng mô hình minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói các sản phẩm nông sản an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; Tổ chức tuần lễ nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương trong cả nước tới người tiêu dùng Thủ đô, từ đó tăng cường hiệu quả kết nối giao thương.

 

Nguyễn Thị Thu Trang - Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6151
Tổng lượng truy cập: 22122104