Bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan ở Hà Nội
Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, trong những năm vừa qua, công nghiệp ở thành thị có sự phát triển nhưng không đủ sức thu hút hết lao động tăng thêm ở các vùng nông thôn nên sự dư thừa lao động và sự di dân về các thành phố kiếm việc làm ngày càng tăng nhanh. Có một số ngành nghề ở nông thôn đã và đang phát triển tốt, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, trong đó có nghề mây tre đan.

 Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, trong những năm vừa qua, công nghiệp ở thành thị có sự phát triển nhưng không đủ sức thu hút hết lao động tăng thêm ở các vùng nông thôn nên sự dư thừa lao động và sự di dân về các thành phố kiếm việc làm ngày càng tăng nhanh. Có một số ngành nghề ở nông thôn đã và đang phát triển tốt, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn, trong đó có nghề mây tre đan. Thực tế, sự phát triển của nhiều làng nghề mây tre đan đã góp phần đẩy nhanh quá trình Công nghiệp hóa (CNH) và hiện đại hóa (HĐH) , mở rộng thị trường lao động và HĐH cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Nhưng hiện nay, sự tồn tại và phát triển của các làng nghề mây tre đan ở vùng nông thôn chưa được quan tâm, đầu tư và hỗ trợ thỏa đáng. Chính vì vậy, khu vực này vẫn đang phát triển một cách tự phát và dựa chủ yếu vào sự năng động, khả năng đầu tư của nhân dân nên có những làng nghề rất năng độngvà phát triển tốt, có những làng nghề không phát triển được và có nguy cơ mất nghề. Chúng tôi thấy rằng đây là một ngành nghề ở nông thôn cần được nghiên cứu bảo tồn và hỗ trợ để phát triển bền vững.

         Nghề và làng nghề mây tre đan ở Hà Nội

Ở Việt nam, theo quan điểm chung, các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở địa phương nào đó được gọi là « nghề » khi nào hoạt động đó phải tạo ra được một khối lượng sản phẩm hàng hóa trao đổi thường xuyên trên thị trường và những người sản xuất hoặc hộ sản xuất lấy hoạt động đó làm nguồn thu nhập chủ yếu. Ngày nay, làng nghề là làng có các hoạt động liên quan đến nghề nào đó thu hút một số lượng lao động trong làng tham gia ít nhất 20% tổng số lao động của làng và tạo ra giá trị sản xuất ít nhất bằng 20% tổng giá trị sản xuất tạo ra trên địa bàn của làng đó (JICA, 2003)[1].

Mây tre đan là nghề thủ công truyền thông lâu đời và phát triển nhất ở Hà Nội. Thực tế, sản phẩm mây tre đan đã có từ hàng nghìn năm qua trong đời sống cộng đồng của người Việt Nam, gắn liền với đời sống và những hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trước đây, nghề mây tre đan ở Việt nam được hình thành và phát triển như là một nghề thứ hai sau canh tác ngoài đồng ruộng ở nhiều vùng nông thôn (Phạm Côn Sơn, 2004)[2]. Nghề này vừa có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, vừa có lực lượng lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nghề mây tre đan cần ít vốn, xoay vòng vốn nhanh, giải quyết nhiều việc làm  và thường được thực hiện trong các gia đình nông dân trong lúc nông nhàn để tạo ra các đồ dùng phục vụ sinh hoạt và sản xuất như quanh gánh, thúng, mủng, gầu tát nước, nong, nia, dần, sàng, cót đựng thóc, rổ, rá, thuyền nan, đến các vật dụng khác như, hòm đượng đồ, mâm, khay, đũa, đĩa, lọ hoa, lẵng hoa, bàn ghế, gường, tủ, chõng tre, gối, đệm, mành, quạt nan và nhạc cụ,... Nhiều làng nghề mây tre đan truyền thống của Hà Nội như Phú Nghĩa, Ninh Sở hay Phú Túc,... đã làm rạng danh nghề đan lát Việt Nam trên thị trường thế giới.

 Đặc điểm của sản phẩm mây tre đan ở Hà Nội là các sản phẩm mây đan chủ yếu làm từ cây mây trắng, có độ dẻo, bền và tính thẩm mỹ cao. Một số sản phẩm được làm từ tre, nứa, song, giang, vầu, trúc,... Các sản phẩm tre hun khói có nét đặt biệt với bí quyết hun khói hoàn toàn sử dụng chất liệu tự nhiên để tạo nên độ bền, làm tăng độ bóng, tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm. Một số sản phẩm đan, bện khác được làm từ loại cỏ rừng (gọi là cỏ tế hay guột) có màu nguyên thủy của cỏ Tế là màu đỏ nên nguyên liệu không cần ngâm tẩy hóa chất, chỉ cần một nước dầu bóng là sản phẩm đã đẹp rực rỡ, tươi tắn và bền màu,... Những sản phẩm mây tre đan dùng trong gia đình hay các nơi công công có ưu điểm mà các sản phẩm gỗ quý không có được đó là đặc tính nhẹ nhàng khi di dời, vể thanh thoát phù hợp với nét thẩm mỹ, sắc màu tươi mát và phù hợp với mọi không gian và môi trường sinh hoạt của con người. Sản phẩm mây tre đan còn giúp cho con người ta có cảm giác sống gần với thiên nhiên hơn và dễ dàng bố trí thích hợp với mọi kiến trúc hay thiết trí nội thất. Tại nhiều nơi, mây tre song, giang đan còn được sử dụng để chế tác thành các đồ gia dụng có giá trị cao như bàn, ghế, salon, gường, tủ, kệ,... Vì vậy, các sản phẩm mây tre giang đan của Hà Nội và các địa phương khác không những được ưa dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường của trên 100 quốc gia trên thế giới.

Tổ chức sản xuất trong các làng nghề mây tre đan ở Hà Nội

            a)  Nguồn nguyên liệu của nghề mây tre đan

Về nguồn nguyên liệu, qua việc nghiên cứu các nguồn cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất mây tre đan ở  Hà Nội chúng tôi thấy có hai nguồn cung cấp và lưu chuyển chính. Cụ thể như sau :

+ Nguồn nguyên liệu trong nước:  Nguồn cung nguyên liệu mây, tre, song, giang được xuất phát từ những địa bàn có rừng ở miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên,…); Miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam,…) ; Tây nguyên (Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng); Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương) v.v… Trong kênh cung cấp và lưu chuyển nguyên liệu này thì song, mây, tre, nứa, trúc,… được khai thác, sơ chế tại các tỉnh trung du miền núi có nguyên liệu, sau đó được vận chuyển về bán cho các trung tâm sản xuất hàng mây tre đan như ở  Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh,…); Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,..); Duyên hải miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế,…).  

            + Nguồn nguyên liệu nhập khẩu (chủ yếu là hàng song, mây) : là nguồn cung cấp nguyên liệu bổ sung cho sự thiếu hút của nguyên liệu trong nước, chiếm khoảng 10% tổng nhu cầu về nguyên liệu, chủ yếu là các nguyên liệu như mây, song, giang,… để làm các sản phẩm mây tre đan cao cấp. Nguyên liệu được nhập khẩu từ Lào, Camphuchia, Indonixia, sau đó tập kết hàng tại kho bãi của các công ty rồi vận chuyển về các làng nghề có sử dụng mây tre đan.  

            b) Lao động và dạy nghề trong các làng nghề mây tre đan

Lao động trong các làng nghề mây tre đan thường là các thành viên, con, em các gia đình làm nghề và trong những hộ láng giềng, cùng làng xã. Việc tuyển dụng lao động ở trong làng nghề mây tre đan dễ hơn khu công nghiệp làm cùng loại sản phẩm, bởi vì trong làng nghề biết được gia đinh nào làm tốt (có thợ có tay nghề cao), thời gian và mức lương thỏa thuận, họ có thể mang nguyên liệu về nhà làm. Không phải lo bao hiểm, ký hợp đồng như công ty. Đồng thời nếu vội cung cấp hàng có thể làm cả đêm, không tính thêm công. Việc đào tạo nghề và thực hành làm nghề được thực hiện ngay trong gia đình, làng xóm.

Ngày xưa việc truyền nghề hay nhân cấy nghề rất khắt khe, người dân không được tự ý đi dạy nghề ở nới khác, nếu địa phương nào muốn học nghề thì phải đến làm việc với chủ nhiệm HTX, UBND xã. Thợ thủ công trong làng nghề thường được đào tạo nghề theo kiểu cha truyền, con nối (bố đào tạo con, rồi đào tạo cháu), một số nghề đang bị mai một do thị truờng không ổn định, đào tạo mang tính giữ nghề. Hiện nay  việc truyền nghề ra các địa phương khác dễ dàng hơn nhiều so với ngày xưa thời bao cấp. Địa phương nào muốn học nghề chỉ việc mở lớp và liên hệ với các nghệ nhân trong xã là được đào tạo nghề. Tuy vậy, các làng nghề khác nhau không thể bắt chước hoặc theo kịp sự thay đổi của làng nghề truyền thống, do họ có kinh nghiệm lâu năm và khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới cao hơn.

c) Các quy trình sản xuất và công nghệ

Quy trình sản xuất và cải tiến công nghệ sản xuất mặt hàng mây tre đan  ở các làng nghề có sự thay đổi theo thời gian và dến nay đã cơ giới hoá được một số khâu. Cụ thể về quy trình kỹ thuật công nghệ sản xuất sản phẩm mây tre đan được mô phỏng qua 4 quy trình sau:

            + Quy trình xử lý 1 : Quy trình này được gọi là quy trình sơ chế nguyên liệu để tạo ra nguyên liệu sơ chế ban đầu để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo. Kỹ thuật, công nghệ ở quy trình này bao gồm quy trình sơ chế cho song, tre , nứa và cây mây .

            + Quy trình xử lý 2 : Quy trình kỹ thuật là khâu chuẩn bị cho nguyên liệu đầu vào cho công việc đan, xâu tạo ra sản phẩm mây tre đan. Quy trình kỹ thuật ở giai đoạn này bao gồm lựa chọn các loại tre, song, mây đúng kích thước, chất lượng để tạo ra sản phẩm theo kiểu dáng đã đạt đặt hàng của các khách hàng. 

            + Quy trình xử lý 3 : Quy trình đan, xâu thành sản phẩm mây tre đan thô, quy trình này hầu hết do các thợ thủ công trong các hộ gia đình đảm nhận. Quá trình đan, xâu tạo thành sản phẩm mây tre đan hoàn toàn bằng thủ công, lao động tham gia vào quy trình này rất phong phú theo độ tuổi, giới tính và thể trạng của người lao động.            

+ Quy trình xử lý 4 : Đây là quy trình cuối cùng để tạo ra sản phẩm mây tre đan hoàn chỉnh, quy trình này chủ yếu là các hộ thu gom có qui mô  lớn,  trong các các cơ sở, doanh nghiệp hay các công ty TNHH đảm nhiệm. Các sản phẩm mây tre đan dạng thô được thu gom về tập trung tại các cơ sở này họ có nhiệm vụ hoàn thiện, đóng gói sản phẩm chuẩn bị giao hàng cho khách hàng. Công việc cần thiết để hoàn thiện sản phẩm xử lý các chất xơ mành sản phẩm bằng thủ công dao kéo kết hợp với đèn “khò”  đốt bằng ga hoặc hun khói sau đó đánh nhẵn sản phẩm, nhúng keo để cho sản phẩm trở nên chắc bền hơn. Tiếp theo là phun sơn màu sản phẩm theo các màu sắc yêu cầu rồi tiến hành phơi sấy sản phẩm để hoàn thiện sản phẩm. Quy trình kỹ thuật phơi sấy sản phẩm được tiến hành như kỹ thuật phơi sấy nguyên liệu.

Với đặc thù là ngành sử dụng nhiều lao động thủ công nên đầu tư công nghệ và kỹ thuật tại các cơ sở chế biến rất hạn chế và cũng khác nhau phụ thuộc vào qui mô của đơn vị: qui mô hộ gia đình hay là công ty lớn. Tại qui mô hộ gia đình, thiết bị phổ biến nhất là một lò sử lý chống mốc đối với sản phẩm và một số máy phun sơn. Đối với các công ty có sản lượng chế biến hàng năm lớn thường đầu tư máy móc thiết bị tạo khuôn mẫu (dây chuyền phun sơn tĩnh điện, xưởng cơ khí tạo khung, v.v...). Ngoài ra, trong làng nghề còn có các loại máy sấy, đánh bóng sản phẩm. Việc đưa máy móc vào sản xuất đã làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là công đoạn phun màu sản phẩm, tạo cho sản phẩm bền và đẹp.

 Tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề mây tre đan ở Hà Nội

a) Các tác nhân tham gia ngành hàng mây tre đan

Thứ nhất là các hộ sản xuất kinh doanh : là tác nhân chính và chiếm tỷ lệ lớn nhất, đó là các hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh sản phẩm mây tre đan. Trong nhiều làng nghề  mây tre đan, tổng số hộ tham gia sản xuất mây tre đan chiếm trên 80% tổng số hộ trong làng, xã bao gồm các hộ thu gom cấp I (thu gom nhỏ)  và thu gom gom cấp II (thu gom lớn).

 Thứ hai là các tổ hợp sản xuất, các doanh nghiệp tư nhân và các công ty TNHH sản xuất và thu gom ở địa phương : Loaị hình này tham gia sản xuất và là một trung gian thu gom sản phẩm cho các loại hình  công ty xuất khẩu lớn hơn ở trong hoặc ngoài địa phương. Mô hình tổ hợp tác hiện nay chỉ tồn tại ở một số nơi nhưng thực tế không phải là tổ chức sản xuất tập trung như trước kia mà chủ yếu là nơi khâu nối việc gia công của các xã viên và thực hiện các công đoạn hoàn thiện như đánh bóng, xử lý chống mốc, bao bì đóng gói và tiêu thụ (trong nước).

Thứ ba là các công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong đó hầu hết các công ty tham gia vào sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng về mây tre đan là các công ty lớn ở  các thành phố lớn như ở thủ đô Hà Nội, ở miền Trung (Đà Nẵng) và miền Nam (TP Hồ Chí Minh). Các công ty này thu mua sản phẩm thông qua các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân và các công ty TNHH ở địa phương.  

b) Thị trường tiêu thụ sản phẩm mây tre đan

* Thị trường trong nước : Hàng mây tre đan  được tiêu thụ trong nước chủ yếu là ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, các cửa hàng, các chợ, hội chợ triển lãm và bán tại địa phương, nơi trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm mây tre đan ở các làng nghề . Thị trường nội địa chủ yếu tiêu thụ các mặt hàng quà tặng, các vật dụng hàng ngày như ủ ấm, khay, lãng hoa, đĩa,… có giá cả hợp lý. Một nhóm sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa nữa là nhóm các mặt hàng kém chất lượng không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính ngoài nước như Nhật Bản, Mỹ, Eu, nhóm này bao gồm các khay tre, đĩa, hộp đựng giấy,… Thông thường hàng hoá thuộc loại này bán ở thị trường nội địa mang tính chất “thanh lý”, chủ yếu không đủ bù đắp chi phí mà các cơ sở sản xuất kinh doanh bỏ ra.

Đối với các sản phẩm tiêu dùng đạt tiêu chuẩn chất lượng tiêu thụ ở thị trường nội địa  chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều so với loại không đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Các sản phẩm loại này chủ yếu là các loại bàn ghế, giá sách báo. Những sản phẩm này thường được khách hàng đặt hàng theo đơn đặt hàng với số lượng ít để trang trí cho các phòng khách, nhà hàng, khách sạn, quán càphê giải khát lớn, quán ăn cao cấp…

                * Thị trường xuất khẩu : Thị trường xuất khẩu truyền thống của làng nghề mây tre đan Việt nam là các nước như Nga, các nước XHCN Đông Âu và Đài Loan. Đặc điểm thị trường này thường yêu cầu về chất lượng không cao nhưng coi trọng mẫu mã, màu sắc của sản phẩm. Nhìn chung thị trường truyền thống khá ổn định về nhu cầu sản phẩm mây tre đan nhưng giá bán tương đối thấp, trong khi giá nguyên liệu tăng cao làm cho thu nhập và lợi nhuận của các đơn vị, cơ sở sản xuất giảm xuống.  Đối với thị trường tiêu thụ mới nổi trong vài năm gần đây của mặt hàng mây tre đan  là thị trường Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Đức,… Các thị trường này thường có yêu cầu cao về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Các hình thức xuất khẩu của ngành hàng mây tre đan ở ở Việt Nam chủ yếu theo hai hình thức, xuất khẩu trực tiếp của các doanh nghiệp, cơ sở, công ty TNHH và xuất khẩu uỷ thác qua một công ty xuất nhập khẩu sản phẩm mây tre đan.

            Nhìn chung, thị trường xuất khẩu của ngành hàng mây tre đan của Hà Nội khá phong phú đa dạng, có sự chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng tăng cường khai thác các tiềm năng và từng bước mở rộng thị phần ở một số thị trường mới, nơi có thu nhập cao hơn và yêu cầu về sản phẩm khắt khe hơn như thị trường Nhật, Mỹ và các nước Eu… đồng thời củng cố thị trường được coi là truyền thống như Nga và Đông Âu, Đài Loan…

Một số khó khăn trong sản xuất kinh doanh hàng mây tre đan ở  Hà Nội

            Thứ nhất, Giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá bán sản phẩm bị khống chế bởi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giá bán không tăng dẫn đến thu nhập từ ngành nghề của người sản xuất giảm. Qua khảo sát nghiên cứu một số nguyên liệu cơ bản phục vụ sản xuất sản phẩm mây tre đan chúng tôi thấy hầu hết giá nguyên liệu đều tăng ở mức cao. Nguyên nhân của sự tăng giá một số nguyên liêu là nguồn cung giảm xuống do sự cạn kiệt nguồn song mây khai thác, trong khi cầu về nguyên liệu tăng dần lên do sự phát triển của ngành hàng mây tre đan, chi phí khai thác vận chuyển tăng lên và bị các nhà cung cấp ép giá làm cho  giá thành sản phẩm tăng lên và thu nhập hộ sản xuất giảm xuống.

            Thứ hai, Thiếu sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất để tạo thành sức mạnh về cung sản phẩm và lao động. Với một đội ngũ sản xuất đông đảo người lao động, hộ sản xuất, doanh nghiệp tham gia vào ngành nghề mây tre đan, nhưng trong các làng nghề không có sự liên kết thành một tổ chức nào nhằm bảo vệ quyền lợi của họ (kiểu như tổ chức Hiệp hội), mà rơi vào tình trạng “mạnh ai người đó làm”, không tạo được sức mạnh về cung ứng hàng hóa và cải thiện chất lượng sản phẩm. 

            Thứ ba, sự phụ thuộc vào người mua để có các đơn đặt hàng tiếp theo, lượng đặt hàng không ổn định :  Quá trình sản xuất sản phẩm mây tre đan trong các hộ phụ thuộc hoàn toàn vào sự đặt hàng của các công ty, những người thu gom ở trong và ngoài xã. Việc sản xuất, thu mua sản phẩm chỉ được diễn ra khi các công ty xuất khẩu có các hợp đồng mua bán sản phẩm mây tre đan, do đó các hộ sản xuất không phải lúc nào cũng có việc làm nếu họ chỉ làm vệ tinh cho một nhà thu gom, hay các công ty doanh nghiệp. Để có việc làm thường xuyên họ phải quan hệ với nhiều đối tác thu gom, thông thường bình quân mỗi hộ sản xuất sản phẩm thường là đối tác thường xuyên của 3 – 5 hộ thu gom ở xóm, thậm chí có hộ có nhiều lao động thường liên kết với 8 – 10 hộ thu gom. Quá trình như vậy làm giảm tính chuyên môn hoá vào một số sản phẩm mà hộ sản xuất có thế mạnh và khó khăn trong việc tạo ra mẫu mã sản phẩm mới, chất lượng cao.

            Thứ tư, thiếu nguồn tài chính có tính chất vi mô, nhiều hộ sản xuất kinh doanh hàng mây tre đa không có đủ vốn để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào người mua. Với thu nhập thấp các hộ sản xuất sản phẩm mây tre đan ít có khả năng tiết kiệm được nguồn tài chính để tái đầu tư và phục vụ cho làm hàng mây tre đan. Mặt khác việc tiếp cận nguồn tài chính để tiến hành sản xuất kinh doanh rất khó khăn, nhất là thu tục và thế chấp vượt ra ngoài khả năng của họ. Quá trình này làm cho các hộ sản xuất phụ thuộc vào các đối tượng thu gom, tạo thành “ vòng luẩn quẩn : thu nhập thấp ↔ không có tích luỹ ↔ vay nợ ↔ sự phụ thuộc” không thể thoát ra được tình trạng đó.  Khi các DN có hợp đồng chỉ được ứng 1 phần tiền nhưng họ lại phải ứng với tỷ lệ khá cao cho người sản xuất nên rất khó khăn về vốn lưu động.

            Thứ năm, khó khăn trong việc tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới : Hầu hết các hộ sản xuất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng từ các hộ thu gom, theo mẫu mã, kích cỡ và chất lượng sản phẩm đã định sẵn, do đó họ cứ theo mẫu mã, kích thước đó mà sản xuất, việc sản xuất mang tính chất “làm gia công”. Mọi sự sáng tạo ra các mẫu mã sản phẩm mới hầu như không được khuyến khích, tập quán sản xuất này cũng ảnh hưởng đến tính sáng tạo của những hộ sản xuất.

            Thứ sáu,  thiếu kiến thức về thị trường để có thể chủ động hơn, nhằm đưa ra các ý tưởng về thiết kế  sản phẩm có tính chất sáng tạo. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của mặt hàng mây tre đan ở Việt Nam chủ yếu là thị trường xuất khẩu nhưng cả người sản xuất, các hộ thu gom lớn, doanh nghiệp hay công ty ở địa phương cũng hạn chế về kiến thức thị trường, marketing, thị hiếu của khách hàng. Sự kém hiểu biết về thị trường dẫn đến không chủ động trong sản xuất kinh doanh và không có các ý tưởng sáng tạo ra các mẫu mã sản phẩm.

            Thứ bảy, các doanh nghiệp còn thiếu thông tin tiếp cận thị trường và thông tin liên quan đến hoạt  động kinh doanh. Các doanh nhân quốc tế thường tìm hiểu thông tin tiếp cận thị trường qua nhiều nguồn  VIETRADE ở Việt Nam, CBI ở Hà Lan, JETRO - Nhật Bản, EBIC – Liên minh Châu Âu Eu...song  các thương nhân hoạt động kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan ở Phú Nghĩa không tiếp cận được với nguồn thông tin như thế một cách hiệu quả. Họ không hiểu biết về pháp luật của các quốc gia nhập khẩu, tập quán thương mại và thậm chí cả hệ thống thanh toán...    Thứ tám, các doanh nghiệp còn thiếu năng lực quản lý và tổ chức sản xuất chuyển nghiệp với qui mô lớn thể hiện ở nhiều lĩnh vực như truyền thông, chiến lược, quản trị sản xuất và chất lượng sản phẩm, quản trị tài chính và thương mại quốc tế, đặc biệt là thiếu sự hiểu biết về ngoại ngữ và luật pháp quốc tế.

 Hướng tác động để bảo tồn và phát triển ngành mây tre đan

            Qua nghiên cứu về nghề và làng nghề mây tre đan ở Hà Nội và các địa phương khác của Việt nam, chúng tôi xin đề xuất một số hướng tác động nhằm bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan trong thời gian tới như sau :

a- Nâng cao giá trị của sản phẩm mây tre đan và đời sống người lao động

            Đầu tư cho đội ngũ nghệ nhân, thợ đã có bậc nghề cao để họ vừa có nhiệm vụ sáng tác mẫu mã sản phẩm, vừa là lực lượng chủ công trong công tác ðào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ làm gia các sản phẩm có chất lượng ngày càng tốt hơn, mẫu mã đa dạng hơn để đáp ứng cho nhu cầu của nhiều loại thị trường. Trong giai đoạn tới, các các quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét, công nhận danh hiệu  và có chế độ khen thưởng, thù lao, đãi ngộ cho những nghệ nhân, thợ có tay nghề cao, có nhiều đóng góp vào việc đào tạo nghề, nâng cao giá trị cho sản phẩm mây tre đan. Nhà nước cùng doanh nghiệp tăng cường đầu tư về vốn, về khoa học, công nghệ và xúc tiến thương mại để nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm. Đồng thời quan tâm nhiều hơn nữa về chế độ tiền lương, phúc lợi xã hội, thuế, trợ cấp,.. để tăng thu nhập cho người lao động làm nghề mây tre đan có như vậy mới giữ được người lao động, đặc biệt là lao động trẻ gắn bó với nghề và giữ gìn, phát triển nghề mây tre đan.

b- Xây dựng các vùng nguyên liệu và cải tiến công nghệ cho nghề mây tre đan

            Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu là giải pháp đầu tiên để ổn định định sản xuất và giá thành sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện để trồng rừng nguyên liệu, giải quyết việc làm cho người lao động trồng cây nguyên liệu,…

Việc đầu tư và cải tiến công nghệ mới cho ngành mây tre đan sẽ tạo ra các sản phẩm có kiểu dáng đẹp và  chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật, Eu,… Góp phần nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm và tăng thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh.

c- Thành lập một tổ chức nghề nghiệp quản lý, điều phối  về  sản xuất, kinh doanh hàng mây tre đan

Ở cấp tỉnh, huyện và xã có làm nghề mây tre đan nên thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất, kinh doanh đặt dưới sự quản lý và điều hành chung của Hiệp hội ngành nghề mây tre đan Việt Nam, nhằm chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về mua nguyên liệu và bán sản phẩm qua nhiều lớp trung gian, tiến tới sản xuất hàng hoá xuất khẩu chuyên nghiệp dựa trên những chỉ số phản ánh lợi thế cạnh tranh ở các vùng miền. Trong Hiệp hội sẽ có những cơ chế, thể chế điều hành hoạt động và phân chia lợi nhuận công bằng hơn giữa các đối tác tham gia ngành hàng mây tre đan.

d- Xây dựng trung tâm hỗ trợ mua bán và xử lý, bảo quản  nguyên liệu tập trung

            Nhằm giảm bớt các lớp trung gian trong việc cung cấp nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, Trung tâm này sẽ trở thành đầu mối trong việc mua bán một cách tập trung các loại nguyên vật liệu thô. Điều này có lợi từ việc giảm giá mua bán nguyên vật liệu, đảm bảo nguồn cung ổn định, ngăn chặn trước sự cạnh tranh không cần thiết giữa các hộ sản xuất về nguyên vật liệu. Trong vai trò điều phối, Trung tâm này làm dịch vụ đấu giá, dự trữ hầu hết các nguyên vật liệu cần thiết ở các vùng trọng điểm sản xuất, kinh doanh mây tre đan để cung cấp cho các cơ sở doanh nghiệp có nhu cầu, đặc biệt cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.

đ- Tăng cường việc Marketing và quảng bá thương hiệu hàng mây tre đan 

 Các cơ quan chuyên môn của nhà nước tăng cường hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mây tre đan giới thiệu sản phẩm với khách hàng trong và ngoài nước trên các trang website, phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm truyền thống, hội trợ, triển lãm,... ở trong nước và nước ngoài.

e- Tăng cường đào tạo về trình độ chuyên môn, quản lý và cung cấp các nguồn tín dụng vi mô cho các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng mây tre đan 

            Thông qua các lớp học và trao đổi thông tin để tăng cường kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ và tin học cũng như các kỹ năng trong quản trị sản xuất kinh doanh cho các học viên. Tăng cường đào tạo việc thiết kế và tạo mẫu mã sản phẩm mới nhằm đáp ứng và cung cấp hàng hóa, dịch vụ mới cho khác hàng trong và ngoài nước. Cung cấp các nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho các chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng mây tre đan. 

f- Hỗ trợ việc thành lập và phát triển doanh nghiệp địa phương

            Phát triển doanh nghiệp của địa phương tham gia vào ngành hàng mây tre đan là một trong những hướng tác động hợp lý, vì phát triển doanh nghiệp địa phương sẽ giải quyết được một số vấn đề khó khăn của ngành hàng như giảm bớt các tầng lớp trung gian, phát triển sản xuất kinh doanh với quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn để tiến tới các doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường,  xúc tiến và hỗ trợ thương mại trong và ngoài nước.  

g- Phát triển làng nghề mây tre đan theo hướng kết hợp với phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông thôn

            Các làng nghề mây tre đan ở Hà Nội và các địa phương khác ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái và du  lịch làng nghề truyền thống với các thế mạnh về cảnh quan, các di tích văn hoá đình, chùa, ẩm thực và đặc biệt là các hoạt động nghề mây tre đan với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau sẽ thu hút sự quan tâm, tham gia thực hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của khách du lịch. Như vậy, việc phát triển du lịch làng nghề mây tre đan sẽ khai thác được giá trị văn hoá của ngành nghề và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và quảng bá thương hiệu, tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm theo hướng “xuất khẩu tại chỗ” thông qua chào bán sản phẩm cho khách du lịch trong nước và quốc tế.

            Tóm lại, Ngành nghề mây tre đan ở Hà Nội và nhiều địa phương khác ở Việt Nam có truyền thống lâu dài, tạo ra nhiều loại sản phẩm có chất lượng và đã có thương hiệu để xuất khẩu. Hoạt động này đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và đóng góp tích cự vào sự xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các làng nghề mây tre đan đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, vốn, công nghệ, quản lý và tổ chức sản xuất, khó khăn trong vấn đề tiếp cận và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để có những định hướng mới phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong và ngoài nước. Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và có chính sách phù hợp để hỗ trợ bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của ngành nghề mây tre đan phát triển bền vững trong thời gian tới. /.



[1] Tiêu chí xác định làng nghề của JICA & MARD trong Tổng điều tra và quy hoach phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam, 2003.

[2] Phạm Côn Sơn, 2004: Làng nghề truyền thống Việt Nam. NXB Văn Hóa Dân Tộc

Nguyễn Xuân Hoản Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6554
Tổng lượng truy cập: 22189136