Cần gắn kết giữa hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp với phát triển du lịch nông thôn ở Hà Nội
Du lịch nông thôn là hình thức phát triển mối giao hòa về mặt văn hóa, sản vật, con người ở các vùng nông thôn thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại nông hộ hoặc trang trại.

 1 - Nông thôn Hà Nội và tiềm năng phát triển du lịch nông thôn
Du lịch nông thôn là hình thức phát triển mối giao hòa về mặt văn hóa, sản vật, con người ở các vùng nông thôn thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại nông hộ hoặc trang trại.
Thủ đô Hà Nội với diện tích đất tự nhiên 3.345,0km2, gồm 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, với 584 phường, xã và thị trấn trong đó có: 328 xã đồng bằng, 44 xã vùng đồi gò và 13 xã miền núi. Khu vực nông thôn có diện tích 2.841,8km2 (chiếm trên 85% tổng diện tích đất tự nhiên); dân số có gần 4 triệu người (chiếm 56% tổng dân số của Thành phố). Đây là địa bàn dồi dào nguồn nhân lực, đất đai, cung cấp lương thực - thực phẩm, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng cho Thành phố nên khu vực nông thôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, khu vực nông thôn Hà Nội còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:
- Về nông nghiệp : Với địa hình phong phú và đa dạng đã tạo điều kiện cho phát triển nhiều loại cây trồng và vật nuôi khác nhau như lúa, rau, hoa, quả, trâu, bò, lợn gà, thủy sản nước ngọt,.... Đến nay Hà Nội đã có trên 1300 trang trại sản xuất nông nghiệp và đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung.
- Về thiên nhiên: Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp, địa hình đa dạng gồm núi đồi, sông suối, hệ động, thực vật phong phú; nhiều nơi có các di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng.
- Về văn hóa truyền thống: Vùng nông thôn có nhiều làng quê cổ kính với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, những vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử và truyền thống văn hóa tập tục của người xưa với trên 1350 làng nghề; trong đó các làng nghề truyền thống sản xuất trên 40 loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: đồ gốm sứ, tơ lụa, da giầy, sơn mài, khảm trai, đồ gỗ, mây tre đan, nón lá, nông sản thực phẩm chế biến,....
- Về Dân tộc: Trên địa bàn Hà Nội có nhiều dân tộc anh em, với bản sắc văn hóa và phong tục tập quán khác nhau, tạo nên một bức tranh màu sắc hài hòa về bản sắc, văn hóa tộc người như người Kinh, người Mường, Tày, Dzao, Nùng,…
Vì vậy, với tiềm năng dồi dào như vậy, hoạt động du lịch nông thôn là tiềm năng, là hoạt động mà nhiều du khách và công dân Thủ đô quan tâm. Việc phát triển hoạt động du lịch nông thôn ở Hà Nội sẽ tạo đà cho một bước phát triển tiêu thụ nông sản phẩm tại chỗ, tạo sự lan tỏa và mở rộng thị trường; tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập đáng kể cho một bộ phận dân cư ở vùng nông thôn ngoại thành.
2. Các biện pháp cần triển khai thực hiện để gắn hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp với phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn Hà Nội
Mục tiêu của hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp của Hà Nội là làm cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng; tạo cơ hội cho các địa phương, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và sản phẩm làng nghề giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của mình; đồng thời giới thiệu thành tựu và tiềm năng phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội.
Vì vậy, việc gắn kết hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp với phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội là cần thiết. Để các hoạt động này có sự gắn kết và đạt hiệu quả cần phải triển khai các biện pháp cụ thể sau:
1. Tư vấn và thực hiện các dự án, các mô hình phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, nhất là các nông sản phẩm đặc sản của địa phương; các sản phẩm làng nghề; phát triển các mô hình Hệ sinh thái nông nghiệp đồng bằng gồm có nhà, vườn, ao, chuồng, ruộng cao trồng màu, ruộng vàn và trũng cấy lúa; Hệ sinh thái nông nghiệp miền núi (dân tộc Tày hay Dzao) có nhà sàn, vườn cây lâu năm, nương lúa và màu, ruộng ven suối, để hình thành các sản phẩm và dịch vụ phục vụ du lịch nông thôn;
2. Cần có sự liên kết chặt chẽ và có sự hỗ trợ của của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp, các công ty du lịch nhằm giúp đỡ các nông hộ, trang trại phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phẩm làng nghề gắn với việc phát triển du lịch nông thôn;
3. Việc đưa khách thăm quan giữa các trang trại, khu vực nông thôn về hoạt động nông nghiệp luôn kết hợp với việc tham quan các công trình kiến trúc xưa và nay, các làng nghề truyền thống để khách du lịch tiếp cận được nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch và không bị nhàm chán;
4. Các công cụ, máy móc lạc hậu không còn sử dụng luôn được giữ lại ở trang trại, nhằm gợi ý tò mò cho khách, được xem như là một bảo tàng cổ; kiến trúc xây dựng hài hòa, thống nhất theo qui hoạch cụ thể, vật liệu xây dựng được sử dụng từ các vật liệu gần gũi, thân thiện với môi trường;
5. Các trang trại, các nông hộ sản xuất tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn đều có bảng chỉ dẫn cụ thể; ngoài ra còn được in vào sách chỉ dẫn, mạng internet về mạng lưới các trang trại, hộ gia đình đón tiếp khách du lịch trên các tạp chí, bản tin, ấn phẩm về xúc tiến thương mại nông nghiệp và du lịch;
6. Du lịch nông thôn ở các trang trại, nông hộ cần phong phú cho mọi đối tượng, từ trẻ mẫu giáo có thể nhận thức về động thực vật và công cụ lao động sản xuất đến người có tuổi đã nghỉ hưu muốn về nghỉ ngơi tại các vùng nông thôn; khách hàng đến thăm quan, nhận diện và mua nông sản thực phẩm an toàn;
7. Làm đa dạng và phong phú các ẩm thực địa phương trong các bữa ăn ở trang trại, nông hộ; ở các địa điểm tham quan khác nhau với cách chế biến khác nhau để khách du lịch đến thăm quan, nhận diện, thưởng thức và mua về sử dụng; đồng thời tuyên truyền, giới thiệu về văn hóa ẩm thực của địa phương;
8. Nông sản, thực phẩm được sản xuất và chế biến phải luôn được kiểm duyệt, nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Có sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến thực phẩm trong các bữa ăn của khách du lịch;
9. Cung cấp thông tin đầy đủ về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cho khách du lịch và khách hàng đến thăm quan, mua sắm tại nông trại và cung cấp cho họ các địa chỉ cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh phân phối sản phẩm đó tại các khu dân cư, đô thị để họ liên hệ và mua sản phẩm khi có nhu cầu; hoạt động của du lịch nông thôn cũng kết hợp nhằm trao đổi và bán trực tiếp từ người sản xuất tới người tiêu thụ;
10. Các hoạt động về xúc tiến thương mại nông nghiệp và du lịch nông thôn luôn gắn kết vào nhau; các nghệ nhân, nông dân hoặc chủ trang trại có thể vừa là chủ nhà, vừa là lái xe đưa đón khách du lịch và đồng thời là hướng dẫn viên du lịch. Như vậy, sẽ cải thiện được hiệu quả trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế và hiệu quả của việc phát triển sản xuất nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch nông thôn và nâng cao lợi ích, thu nhập cho các tác nhân tham gia các hoạt động này.
3. Đề xuất các hình thức gắn kết giữa hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp và du lịch nông thôn ở Hà Nội
Trên cơ sở tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch nông thôn của Hà Nội và tham khảo kinh nghiệm phát triển du lịch nông thôn của các nước trên thế giới, chúng tôi đề xuất một số hình thức chủ yếu để phát triển sự gắn kết giữa hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp và du lịch nông thôn ở Hà Nội như sau:
1- Du lịch đón tiếp tại nông trại: Tại đó tổ chức một hoặc nhiều hoạt động khác nhau như: tham quan, đào tạo, tập huấn, thực hành sản xuất; nhận diện sản phẩm an toàn; thưởng thức các ẩm thực đặc sản của địa phương và mua sắm các nông sản thực phẩm an toàn.
2- Du lịch làng nghề: Tổ chức một hoặc nhiều hoạt động khác nhau tại các làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội như: tham quan, đào tạo, tập huấn, thực hành sản xuất; thăm quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống thống; thưởng thức các sản vật của địa phương và mua sắm các sản phẩm làng nghề.
3- Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị tại một số vùng nông thôn, đặc biệt là các khu vực nông thôn gần các điểm du lịch đã nổi tiếng gắn với việc thưởng thức các sản vật của địa phương (cả về văn hóa, ẩm thực).
Ở Việt Nam, hiện nay Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (CASRAD) thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) là cơ quan đi đầu trong việc hợp tác với mạng lưới đón tiếp khách du lịch tại nông hộ ở qui mô quốc tế để học hỏi được kinh nghiệm, cách làm hay của nông dân các nước trên thế giới trong việc phát triển nông nghiệp gia đình, đón tiếp khách du lịch tại nông hộ. Tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với CASRAD để tư vấn xây dựng mô hình du lịch nông thôn và gắn với chương trình xúc tiến thương mại nông nghiệp của Thành phố trên cơ sở vận dụng các kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của thế giới cho phù hợp với điều kiện của Hà Nội để phát triển hiệu quả, bền vững sản xuất nông nghiệp, du lịch nông thôn và đa dạng hóa thu nhập cho nông dân./.

Nguyễn Xuân Hoản - Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9018
Tổng lượng truy cập: 22189136