Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, thành phố Hà Nội có tiềm năng lớn về tiêu thụ nông sản. Hiện, tổng dân số Hà Nội đạt trên 9,5 triệu người, lương thực thực phẩm sản xuất tại chỗ chỉ cung cấp được 52% thịt các loại, 64% cá, 65% trứng gia cầm, 20% sữa, 44% gạo tẻ, 55% rau củ tươi và 17% quả tươi. Số lượng lương thực, thực phẩm phải nhập từ các tỉnh thành trong cả nước và nhập khẩu nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân thủ đô ước khoảng 372 nghìn tấn thịt các loại, 112 nghìn tấn cá, 138 nghìn tấn sữa, 455 nghìn tấn rau củ tươi, 330 nghìn tấn quả tươi.
Hiện nay, thành phố có 426 chợ, trong đó, có 13 chợ đầu mối, 76 chợ kiên cố, 215 chợ bán kiên cố, ngoài ra còn có 31 Trung tâm thương mại và 101 siêu thị… Hiện tại, một lượng lớn các sản phẩm nông sản Thủ đô được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối và sau đó đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể. Trong khi đó lượng sản phẩm nông sản có chứng nhận được tiêu thụ qua kênh siêu thị mới chỉ chiếm khoảng trên 20%.
Thành phố đã xây dựng chuỗi liên kết do các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi gia công, hiện đã xây dựng được nhiều chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã tạo ra sự ổn định cho 3.500 hộ sản xuất và cung cấp một lượng lớn sản phẩm cho người tiêu dùng thủ đô.
Tại buổi làm việc, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cũng giới thiệu một số kênh phân phối nông sản thực phẩm mà các đơn vị của Sở Nông nghiệp & PTNT Hưng Yên có thể hợp tác lâu dài, như chuỗi hệ thống các siêu thị Fivimart của Công ty cổ phần Nhất Nam, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro, Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại An Việt, Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam…
Ngành nông nghiệp Hưng Yên giới thiệu một số nông sản của tỉnh
Cũng tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp có mạng lưới kinh doanh siêu thị lớn, sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội…đã nêu một số quy định cụ thể về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, thịt đưa về tiêu thụ trên địa bàn thành phố; làm rõ từng công đoạn như sản xuất ban đầu, thu mua, thu gom, phân phối, tiêu thụ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn ngành nông nghiệp Hưng Yên cung cấp một số sản phẩm nông nghiệp mới như: gạo Khang dân chất lượng cao, chuối Tiêu Hồng, chuối Đô (giống mới), nhãn, rau an toàn, củ quả khác...
Đại diện tỉnh Hưng Yên cũng nêu tiềm năng của từng ngành, các sản phẩm tỉnh có thể cung cấp, trong đó, tỉnh đã chú trọng kiểm soát chặt đầu vào sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất để tạo ra nguyên liệu, sản phẩm an toàn; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ liên kết, tạo ra vùng sản xuất an toàn, thuận lợi cho việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về giá cả nông sản với tỉnh Hưng Yên. Trước mắt, hai bên sẽ hợp tác trong 2 sản phẩm là thịt và rau, phấn đấu tạo thành chuỗi liên kết bền vững. Hai Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận người sản xuất, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư lâu dài. Việc hợp tác này sẽ vừa nâng cao giá trị nông sản cho người nông dân vừa nâng cao vai trò quản lý nhà nước và đưa sản phẩm an toàn đến người dân Thủ đô.