Thành phố Hà Nội có diện tích đất tự nhiên 3.345,0 km2, gồm 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã; 575 phường, xã và thị trấn, trong đó có 386 xã; 21 thị trấn. Diện tích đất nông nghiệp có 1.886,0 km2 (tương đương 188,6 nghìn ha) chiếm 56,34% tổng diện tích đất tự nhiên. Năm 2014, dân số của Hà Nội là 7,2 triệu người; trong đó có khoảng 4 triệu người sống ở khu vực nông thôn (chiếm 55,6% dân số của Thành phố) và thường xuyên có khoảng 3 triệu người là học sinh, sinh viên; ngưởi lao động, cán bộ, thương gia từ nơi khác đến học tập, công tác, làm ăn, sinh sống, khám chữa bệnh và tham quan du lịch. Hà Nội là trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức kinh tế - xã hội quốc tế, số khách du lịch trong nước và quốc tế nhiều, một bộ phận lớn dân cư có thu nhập cao nên ngày càng đòi hỏi nông sản thực phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những năm qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế làm suy giảm nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; Sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu nhập, đời sống của nông dân. Song, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, cùng với sự nỗ lực của Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp cùng bà con nông dân nên sản xuất nông nghiệp của Thành phố đã liên tục tăng trưởng khá. Năm 2014 cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực: trồng trọt (40,3%) - chăn nuôi, thủy sản (56,5%) - dịch vụ (3,2%). Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 231 triệu đồng/ha, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2013. Có 109/386 xã đã đạt chuẩn NTM; cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (đã hoàn thành 99,52% kế hoạch), tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Sản lượng lúa đạt 1,17 triệu tấn/năm; ngô đạt 99 nghìn tấn/năm; Rau, đậu thực phẩm đạt 582 nghìn tấn/năm. Tổng đàn trâu đạt 24 nghìn con; Tổng đàn bò đạt 140,5 nghìn con, trong đó đàn bò sữa đạt 13,5 nghìn con; Tổng đàn lợn đạt 1,4 triệu con; Tổng đàn gia cầm đạt 24,5triệu con,… Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 390 nghìn tấn/năm; Sữa bò tươi ước đạt 31 nghìn tấn/năm; Trứng các loại ước đạt 1.100 triệu quả; Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 90 nghìn tấn/năm.
Mặc dù, trong những năm qua Giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp chỉ chiếm 4-4,5% trong GDP của Thành phố, nhưng nó đã và đang đảm bảo được các nhiệm vụ kinh tế, chính trị - xã hội rất quan trọng, đó là:
- Đảm bảo việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho khoảng 10 triệu người dân ở Thủ đô;
- Đảm bảo việc làm và đời sống cho trên 3 triệu người trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 58% lực lượng lao động của Thành phố);
- Đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho dân cư ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã ký kết và đang trong quá trình thực hiện 9 FTA (hiệp định thương mại tự do), đồng thời đang đàm phán 7 FTA, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc ký kết và thực hiện các Hiệp định thương mại song phương và khu vực đã giúp ngành nông nghiệp tăng trưởng xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông lâm thủy sản và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kĩ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng làm gia tăng cạnh tranh và áp lực tới sản xuất, làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp (sản xuất lúa, ngô, đậu tương; chăn nuôi bò thịt, bò sữa, lợn, gà; thủy sản nước ngọt) và phát sinh tranh chấp thương mại,... Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng đã, đang và sẽ gặp những khó khăn trong quá trình Hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, cụ thể:
1- Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Hà Nội phải cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm nhập ngoại ngay trên thị trường Hà Nội về chất lượng và giá như: Lúa gạo của Thái Lan; Các loại quả tươi của Mỹ, Úc và Trung Quốc; Các loại hoa tươi chất lượng cao của Hà Lan, Đài Loan, Thái Lan; Các loại thịt (lợn, gia cầm) của Mỹ; Thịt bò của Úc, Nhật Bản, Pháp, Bỉ; Các loại thủy sản (tôm, cá) của Thái Lan, Trung Quốc; Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, mây tre đan, thêu ren, đồ gỗ,…) của Trung quốc, Myanmar, Thái Lan,…
2- Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi còn chậm. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh ATTP chưa được coi trọng; tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng còn lớn. Việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là ở dạng thô, chưa qua chế biến nên giá trị nên sức cạnh tranh của hàng hóa, nông sản còn thấp.
3- Diện tích đất nông nghiệp ít và đang bị thu hẹp trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Chi phí cơ hội và giá thuê đất cao, đồng thời chưa có chính sách khuyến khích đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến, giết mổ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng kênh phân phối và bán lẻ sản phẩm nông nghiệp,…
4- Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sự liên kết 4 đến 5 nhà (nhà nước - doanh nghiệp - nông dân - nhà khoa học – ngân hàng) còn nhiều hạn chế. Công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng chuỗi liên kết giá trị (sản xuất – chế biến – phân phối – xây dựng thương hiệu - tiêu thụ sản phẩm) còn lúng túng. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua tư thương, bán lẻ (chiếm 75-80% sản lượng); các HTX dịch vụ nông nghiệp và doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc chế biến nông sản, thực phẩm và tiêu thụ nông sản phẩm.
Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp và người dân phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tổ chức sản xuất nông nghiệp để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp Thủ đô, cụ thể:
1- Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô:
Rà soát lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, hạ tầng kỹ thuật, thị trường; lựa chọn và đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu và có khả năng xuất khẩu; xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh (vùng rau, hoa, quả, lúa, lợn, bò sữa, bò thịt, gia cầm, thủy sản,…), ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản. Trong đó:
Sản xuất lúa tập trung vào các giống chất lượng cao và giống lúa đặc sản của Hà Nội; sản xuất rau, quả trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực thực phẩm, canh tranh với hàng hóa nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu như: cải bắp, su hào, cà rốt, bầu, bí, dưa chuột, cà, ớt, hành tây, đậu đỗ các loại,... và rau gia vị các loại; sản xuất các loại hoa các chủng loại sản phẩm chính là hoa cắt cành ứng dụng công nghệ cao (các nhóm hồng, cúc, lay ơn, ly, huệ, loa kèn, đồng tiền, thược dược, mẫu đơn, đào cành, phong lan cành), các loài lan có giá trị và cây cảnh; sản xuất các loại quả đặc sản của Hà Nội (như bưởi Diễn, cam Canh, nhãn muộn Hà Tây) và chuối tiêu hồng; sản xuất các loại chè nguyên liệu theo hướng “chè sạch”, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến;...
- Trong chăn nuôi, dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo và nuôi cấy truyền phôi để lai tạo đàn bò vàng địa phương bằng các giống bò ngoại thuộc nhóm Zebu (Sind, Brahman), bò BBB của Bỉ; tạo ra đàn bò sữa lai (HF1,HF2) bằng tinh bò đực giống thuần HF của Hà Lan, ...; Nạc hóa đàn lợn bằng phương pháp nuôi cấy truyền phôi tinh lợn nhập ngoại có năng suất và tỷ lệ nạc cao (Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain,...);...
2- Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN và tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp và PTNT trong thời gian tới:
- Tiếp tục thực hiện nghiên cứu và tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp Hà Nội theo hướng hiệu quả kinh tế cao và bền vững; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi; nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản; Phát triển một số loài lan có giá trị cao; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất, nhân giống các loại cây trồng chính, vật nuôi, thủy sản nước ngọt; Thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số giống trong chăn nuôi, thủy sản;
- Đưa nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất tạo ra các chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật thảo dược phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản nông sản, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản.
- Xây dựng các quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, quy trình công nghệ bảo quản và chế biến nông, lâm sản và thủy sản để kết luận sự thích nghi và hiệu quả mang lại trong sản xuất trước khi đưa ra sản xuất đại trà, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, sản phẩm chính của thành phố Hà Nội. Xây dựng mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật về giống và biện pháp kỹ thuật; mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thực hành tốt đạt năng suất và chất lượng cao, an toàn,...
3- Quản lý, kiểm tra chặt chẽ về chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất theo quy định; Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi – thủy sản, thuốc thú y, chế phẩm vi sinh phục vụ trồng trọt, chăn nuôi,… thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn Thành phố.
- Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, phân tích, chứng nhận chất lượng; phối hợp giữa các lực lượng thanh tra liên ngành để thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ nông sản, thực phẩm lưu thông và tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô.
- Đối với hàng hóa nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội, giao ngành nông nghiệp xây dựng quy trình, hệ thống kiểm tra và đánh giá, chứng nhận chất lượng cho các sản phẩm đưa về Hà Nội tiêu thụ; liên kết giữa các địa phương về thủ tục hành chính liên quan đến quản lý giết mổ, chứng nhận ATTP, vận chuyển nông sản, thực phẩm về Hà Nội và ngược lại.
4- Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm trên địa bàn Thành phố:
- Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm. Xây dựng và duy trì phát triển các nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Hà Nội để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản thủ đô, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nông sản của các tỉnh thành trong nước và quốc tế.
- Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung; Kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tư vấn và kết nối các đơn vị sản xuất với các đơn vị thu gom, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội với các tỉnh thành phố khác trong cả nước; xây dựng chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm từ các tỉnh về Hà Nội;
- Sản xuất và dán tem nhận diện, in bao bì đóng gói sản phẩm giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; Hỗ trợ thủ tục và chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn VietGap, ATTP,... Hỗ trợ truyền thông trên báo hình, báo viêt và báo điện tử; tổ chức Hội nghị, hội thảo nhận diện sản phẩm an toàn, tham quan nơi sản xuất, chế biến và cửa hàng tiêu thụ sản phẩm,...
5- Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp:
- Rà soát, đánh giá lại hệ thống các văn bản quy định của Trung ương, Thành phố về cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan đến phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại nông nghiệp để đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện những nội dung, cơ chế, chính sách chưa phù hợp với tình hình phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.
- Đề xuất xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đủ mạnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Thành phố và Luật pháp trong nước và quốc tế để khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt là chính sách về đất đai, tín dụng, ứng dụng công nghệ cao, xúc tiến thương mại trong nông nghiệp./.