MỘT SỐ GIẢI PHÁP CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI NHẰM THÚC ĐẨY TÁI CƠ CẤU VÀ TĂNG CƯỜNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Hà Nội có diện tích đất tự nhiên 3.345 km2 với 30 đơn vi hành chính cấp quận, huyện, thị xã và 575 phường, xã, thị trấn. Diện tích đất nông nghiệp là 188,601 nghìn ha. Năm 2014, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,4%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 29.086 tỷ đồng (giá cố định) và đạt 44.000 tỷ đồng (giá thực tế). Cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Trồng trọt: 40,34%; Chăn nuôi thủy sản: 56,48%; Dịch vụ: 3,18%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 231 triệu đồng/ha.

 

 

 I. MỘT SỐ NÉT CƠ BẢN VỀ NÔNG NGHIỆP; HỘI NHẬP QUỐC TẾ

1. Một số nét chung về sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng của Hà Nội:

Hà Nội có diện tích đất tự nhiên 3.345 km2 với 30 đơn vi hành chính cấp quận, huyện, thị xã và 575 phường, xã, thị trấn. Diện tích đất nông nghiệp là 188,601 nghìn ha. Năm 2014, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,4%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 29.086 tỷ đồng (giá cố định) và đạt 44.000 tỷ đồng (giá thực tế). Cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Trồng trọt: 40,34%; Chăn nuôi thủy sản: 56,48%; Dịch vụ: 3,18%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 231 triệu đồng/ha.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đặt 297.082 ha, trong đó diện tích lúa cả năm là 203.331 ha, sản lượng 1,173 triệu tấn; Diện tích ngô là 20.184 ha, sản lượng 98,902 nghìn tấn; Diện tích trồng rau đậu, thực phẩm các loại là 30.017 ha, sản lượng 582,330 nghìn tấn; Diện tích trồng đậu tương là 24.498 ha, sản lượng 41,647 nghìn tấn.

Tổng đàn trâu là 23,5 nghìn con, đàn bò: 140 nghìn con. Trong đó bò sữa 13,5 nghìn con; Đàn lợn 1.380 nghìn con; Đàn gia cầm 24.500 nghìn con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại là 392,830 nghìn tấn. Sản lượng sữa tươi đạt 22.800 tấn; Trứng các loại đạt trên 1 tỷ quả.

Diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm là 16.000 ha với tống sản lượng thủy sản đạt 74.000 tấn.

Theo quy hoạch của Thủ đô Hà Nội, dự kiến đến năm 2015, dân số Hà Nội đạt trên 9 triệu người (cả học sinh, sinh viên, lao động ngoại tỉnh cư trú và làm việc tại Hà Nội). Lương thực thực phẩm sản xuất tại chỗ chỉ cung cấp được: 52% thịt các loại; 64% cá; 65% trứng gia cầm; 20% sữa; 44% gạo tẻ; 55% rau củ tươi và 17% quả tươi. Số lượng lương thực, thực phẩm phải nhập từ các tỉnh thành trong cả nước và nhập khẩu nước ngoài dự kiến là 372 nghìn tấn thịt các loại; 112 nghìn tấn cá; 138 nghìn tấn sữa; 455 nghìn tấn rau củ tươi; 330 nghìn tấn quả tươi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

2. Hội nhập quốc tế - Tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến ngành nông nghiệp:

Trong thời gian qua Việt Nam liên tục tham gia đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương và khu vực. Đến thời điểm này Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai thực hiện 9 FTA: Hiệp định thương mại hàng hóa giữa các nước ASEAN; FTA ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) ; FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA); FTA ASEAN – Nhật Bản (AJCEP); FTA ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); FTA ASEAN – Úc và NewZealand (AANZFTA ); FTA Việt Nam – Chi Lê (VCFTA), FTA Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). FTA đã kết thúc đàm phán cơ bản: Hiệp định thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, BelarusKazakhstan.

Các FTA đang đàm phán: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP (ASEAN + 6); Hiệp định thương mại tự do với các nước thuộc khối EFTA (Nauy, Thụy Sĩ, Icealand và Lichtenxtai); Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hồng Công (Trung Quốc).

Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết sẽ giúp nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu xuống mức 0%, ở mức thấp và rất thấp. Đây thực sự là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, người tiêu dùng có cơ hội để lựa chọn các sản phẩm có chất lượng cao và giá cả hợp lý. Một số sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, lương thực và thủy sản có lợi thế cạnh tranh cao sẽ có cơ hội để mở rộng xuất khẩu với các nước FTA. Tuy nhiên, với một số ngành như sản xuất mía đường, đậu tương, ngô và ngành chăn nuôi bò thịt, bò sữa, lợn, gà có tính cạnh tranh thấp dễ bị sản phẩm của các nước có chất lượng cao, giá rẻ lấn át và chiếm lĩnh thị phần.

Để chủ động trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành phố nói chung cần phải đánh giá lại những điểm mạnh, điểm yếu trong sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp và xác định được cơ hội và thách thức khi hội nhập để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hội nhập vững chắc với nền kinh tế quốc tế.

II. ĐIỂM MANH, ĐIỂM YẾU, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI

1. Điểm mạnh của ngành nông nghiệp Hà Nội:

- Thành phố đã tập trung chỉ đạo trong việc dồn ô đổi thửa, xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Đến hết năm 2014 đã dồn ô đổi thửa được 75.965,3 ha, tương ứng 99,48% diện tích, mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa. Đây là cơ sở để đưa cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

- Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, thông qua các chương trình, đề án đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

- Quan tâm đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

- Có nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học, viện, trường nằm trên địa bàn là cơ hội hợp tác, trao đổi, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ công nghệ mới.

- Hạ tầng thương mại được quan tâm xây dựng các trung tâm thương mại, chợ dân sinh; các điểm bán nông sản an toàn cơ bản được bố trí trên địa bàn Thành phố.

- Là một thị trường tại chỗ với sức tiêu thụ lớn gần 10 triệu người mà nhu cầu tập quán hiện nay vẫn quen dùng hàng này rau, củ, quả, thịt tươi cho sinh hoạt hàng ngày cũng như tâm linh. Đây thực sự là lợi thế cho sản xuất tại chỗ của Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.

2. Điểm yếu của ngành nông nghiệp Hà Nội:

- Nông dân vẫn sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm; vai trò hợp tác xã còn mờ nhạt trong việc liên kết tổ nhóm sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật giảm chi phí, kiểm soát chất lượng và tạo sản lượng lớn đồng đều đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; chưa thể hiện vai trò là cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.

- Doanh nghiệp, thương lái chủ yếu quan hệ với người sản xuất là thuận mua vừa bán, chưa liên kết chuỗi để chia sẻ thuận lợi và khó khăn với người sản xuất; mối quan hệ cung cầu bất ổn định đặc biệt khi giá cả thị trường lên hoặc xuống.

- Kênh bán lẻ còn chưa quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, còn có bộ phận còn các sản phẩm kém chất lượng vào phân phối làm giảm sút và mất niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của các nhà phân phối, sản xuất đem lại cho họ.

- Công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thương mại điện tử còn chưa được quan tâm đúng mức.

- Chính sách chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đặc biệt là nhóm chế biến sâu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

3. Cơ hội của ngành nông nghiệp khi hội nhập quốc tế:

- Thuế xuất nhập khẩu thấp thuận lợi cho một số nông sản có thế mạnh xuất khẩu như gạo, thủy sản,…Bên cạnh đó ta được tiếp cận các nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh thúc đẩy doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phục vụ đầu vào cho sản xuất.

- Sức ép gia tăng của hàng hóa nhập khẩu có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh với các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước đòi hỏi phải xác định được ngành hàng nào của địa phương có lợi thế cạnh tranh và cạnh tranh thấp để từ đó tái cơ cấu lại các ngành hàng, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng để cạnh tranh.

- Doanh nghiệp, kênh bán lẻ có cơ hội được tiếp cận, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, thương hiệu mạnh để phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Người tiêu dùng có cơ hội được lựa chọn, sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng.

4. Thách thức của ngành nông nghiệp khi hội nhập quốc tế:

- Với những sản phẩm chất lượng thấp, không có lợi thế cạnh tranh trong vùng và hàng nhập ngoại thì sẽ bị gia tăng áp lực tới sản xuất và dần thu hẹp sản xuất. Lao động trong bộ phận này sẽ chuyển dịch dần sang ngành sản xuất khác có lợi thế cạnh tranh hơn.

- Các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước do hạn chế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý cũng như chiến lược phát triển thị trường kinh doanh, nguy cơ dễ bị các tập đoàn toàn cầu, thương hiệu mạnh thâu tóm.

- Kênh bán lẻ truyền thống rất dễ bị thay đổi bởi hàng hóa chất lượng cao, giá cả cạnh tranh ngoại nhập và sẽ làm giảm thị phần của các sản phẩm chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất trong nước.

- Thói quen truyền thống của người tiêu dùng sẽ bị dần thay đổi bởi đa dạng hóa sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao; giá hợp lý.

III. GIẢI PHÁP TÁI CƠ CẤU HỘI NHẬP QUỐC TẾ

1. Đối với khu vực sản xuất:

a. Đối với cây lúa: (Cạnh tranh nội địa, vùng)

- Cơ cấu giống lúa tập trung vào nhóm giống lúa chất lượng cao và 1 phần nhỏ giống lúa phục vụ chế biến bún, bánh…

- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình IPM để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc tổ chức các khâu dịch vụ trong sản xuất. Đưa cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất – thu hoạch – bảo quản – chế biến để mỗi địa phương đều có sản phẩm hoàn thiện đến khâu cuối cùng khi đưa ra thị trường.

b. Rau, củ, quả, chè: (Chủ yếu cạnh tranh nội địa, vùng)

- Vấn đề VSATTP là vấn đề sống còn đối với các sản phẩm này. Liên kết tổ, nhóm, hợp tác xã để kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về giống, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm và tạo sản phẩm khác biệt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

- Tăng cường nhận biết về thị trường, thương hiệu, nhãn hiệu; sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường. Liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để sản xuất bền vững giảm thiểu rủi ro, phát triển bền vững.

c. Ngô, đậu tương, lạc: (Cạnh tranh quốc tế, nội địa)

- Đây là cây luân canh với sản xuất lúa nước, cây khắc phục với các chân đất cưỡng, khó khăn về nước và các vùng bãi ven sông. Hiện nay các nhà khoa học, doanh nghiệp đã đưa ra các giống có năng suất chất lượng tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới.

- Tập trung chính là cây nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi; còn 1 phần nhỏ phát triển cho chế biến và ăn quả tươi.

- Tập trung liên kết nhóm để có qui mô lớn cho sản xuất. Áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu và kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất chất lượng, giảm giá thành nhằm giảm sức ép cạnh tranh của hàng ngoại nhập.

d. Chăn nuôi bò, lợn, gà:

Sản phẩm chăn nuôi trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, cho nên sản xuất cần tập trung theo hướng sau:

- Đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, phòng trừ dịch bệnh là nhiệm vụ hàng đầu của sản xuất.

- Đột phá về công tác giống và khoa học công nghệ: Đưa những giống vật nuôi có tiềm năng trên thế giới và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tạo ra đàn giống tốt, cung cấp cho sản xuất của Hà Nội cũng như các tỉnh, thành lân cận.

- Thúc đẩy, phát huy vai trò của hợp tác xã, chi hội, hội chăn nuôi trong liên kết giữa các hộ sản xuất nhằm ứng dụng TBKT mới vào sản xuất đặc biệt trong việc sử dụng các thức ăn sinh học, thảo dược nhằm cải thiện môi trường chăn nuôi, nâng cao chất lượng thịt, tạo sản phẩm khác biệt với hàng ngoại nhập; liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất để giảm chi phí sản xuất.

- Phát huy hiệu quả chăn nuôi gà thả vườn, đồi; lợn đặc sản, bản địa để đáp ứng thị trường ngách về thịt tươi và nhu cầu tâm linh của người tiêu dùng.

- Với chăn nuôi bò thịt, bò sữa: qui hoạch đồng cỏ, phế phụ phẩm nông nghiệp, đủ cơ số dự trữ thức ăn vụ đông. Tăng cường chế biến thức ăn ủ chua và TMR cho bò, bò sữa.

- Liên kết chặt chẽ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

e. Thủy sản:

- Nâng cao chất lượng đàn giống và hạ tầng cơ sở sản xuất con giống trên địa bàn.

- Quản trị môi trường nuôi trồng tốt, ứng dụng TBKT để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo VSATTP.

- Nâng cao vai trò của hợp tác xã, hội, chi hội trong tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

- Giảm bớt trung gian phân phối, thương lái trong chuỗi cung ứng nhằm gia tăng lợi nhuận cho sản xuất, người tiêu dùng được sử dụng với giá hợp lý hơn.

2. Doanh nghiệp trung gian phân phối:

- Chủ động trong việc liên kết với các tập đoàn quốc tế, doanh nghiệp có thương hiệu mạnh để đầu tư vào sản xuất, hạ tầng thương mại tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá cạnh tranh để tiêu thụ nội địa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

- Khai thông các nguồn vốn đầu tư, đầu tư công nghệ kỹ thuật mới đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

- Liên kết chặt chẽ với người sản xuất để chia sẻ khó khăn, lợi ích nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị phát triển bền vững.

- Kiểm soát, chia sẻ với kênh bán lẻ vì đây là nơi triển khai và cung ứng sản phẩm, sản phẩm mới ra thị trường và đây cũng là kênh tiếp thu phản hồi về nhu cầu, chất lượng sản phẩm với nhà sản xuất và doanh nghiệp.

- Chú trọng tới các rào cản kỹ thuật, giải quyết tranh chấp quốc tế khi xuất khẩu hàng hóa ra quốc tế.

- Tổ chức các Hội thảo nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị của doanh nghiệp, nhà sản xuất để nâng cao hiểu biết và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm mà các nhà cung cấp mang lại cho họ.

- Chú trọng tới thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu sản phẩm; Khuyến khích, duy trì phong tục, tập quán, tâm linh, thói quen tiêu dùng Việt trong việc sử dụng hàng tươi sống trong sinh hoạt hàng ngày để tạo lợi thế cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước với sản phẩm đông lạnh ngoại nhập.

3. Chính sách:

- Nhà nước có chính sách kiểm soát nhập siêu để thúc đẩy sản xuất trong nước chứ không để tê liệt sản xuất trong nước. Có hàng rào kỹ thuật để hạn chế, giảm thiểu các sản phẩm lỗi, hàng kém chất lượng nhập khẩu vào trong nước.

- Tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu sâu sắc về hội nhập kinh tế quốc tế.

- Có chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất – kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

- Xây dựng chính sách vùng; hỗ trợ các tỉnh, thành phố có sản phẩm an toàn đưa về Hà Nội và các doanh nghiệp có liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân.

- Nâng cấp hạ tầng thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Hỗ trợ những yếu tố đột phá trong sản xuất: giống, công nghệ, chế biến sâu, nông nghiệp công nghệ cao.

- Đào tạo đội ngũ lao động nông nghiệp chất lượng cao, trẻ hóa lao động nông nghiệp; Đào tạo kỹ năng tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi giá trị cho nông dân để hội nhập nhanh với thị trường quốc tế.

- Nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế.

Ths. Nguyễn Văn Chí Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 88
Tổng lượng truy cập: 22149013