“Bắt tay” đưa rau, thịt sạch về Thủ đô
Với nguồn rau, thịt phong phú từ 21 tỉnh, TP đưa về Thủ đô, muốn đảm bảo được ATTP cần thiết phải lập hàng rào kiểm soát chặt chẽ từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

 Bài 2: Kiểm soát từ gốc tới ngọn


Phối hợp chặt chẽ
Hiện nay, số lượng sản phẩm rau, thịt của các tỉnh đưa về Hà Nội được sản xuất theo chuỗi, có sự kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình còn khá hạn chế. Một lãnh đạo Bộ NN&PTNT từng lo ngại: “Nông dân tự trồng rau cho mình ăn thì rất đảm bảo, nhưng phần trồng để bán thì còn phải quản lý chặt hơn để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Nguy cơ mất an toàn chủ yếu xảy ra ở nơi sản xuất để bán và thị trường tập trung chính ở các đô thị”. Thực tế, cũng đã có trường hợp rau, thịt từ các tỉnh đưa về Hà Nội bị phát hiện mất ATTP. Do đó, yêu cầu đặt ra là Hà Nội và các tỉnh cần đẩy mạnh xây dựng các chuỗi sản xuất – tiêu thụ rau, thịt an toàn để nâng cao mức độ ATTP, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng TP.
\"Đại
Đại diện ngành nông nghiệp Hà Nội và Phú Thọ trao đổi kinh nghiệm nuôi bò BBB. Ảnh: Thắng Văn
Thời gian qua, một số chuỗi cung ứng thực phẩm về Thủ đô đã được hình thành, song chưa hoàn chỉnh, ngay như sản phẩm gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) dù được hai địa phương quan tâm nhưng vẫn có thời gian bị đứt quãng. Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các tỉnh khi đưa động vật, sản phẩm động vật về Thủ đô tiêu thụ cần phải có giấy kiểm dịch và được kiểm soát giết mổ. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã có cơ sở giết mổ bán công nghiệp tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì với công suất hơn 1.000 con/ngày. Ông Đăng cũng lưu ý các tỉnh hướng dẫn và có chính sách hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi, DN đưa thịt về Hà Nội phải có phương tiện vận chuyển bằng xe lạnh để đảm bảo chất lượng.
Đối với rau, củ, quả, cần phải rõ nguồn gốc, có bao gói, tem nhãn truy xuất nguồn gốc và từng bước hướng mạnh vào sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, Hà Nội cũng đang chỉ đạo các vùng rau trên địa bàn TP mở rộng diện tích trồng rau theo quy trình VietGAP với yêu cầu, tiêu chuẩn khá khắt khe. Các tỉnh kiểm soát tận gốc, còn về phần ngọn, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra sát sao tại các đầu mối tiêu thụ để đảm bảo chất lượng ATTP của các mặt hàng rau, thịt khi đưa về TP. Đặc biệt, các tỉnh, TP cần phối hợp chặt chẽ với Hà Nội và có sự trao đổi thông tin thường xuyên để thông báo khi có vấn đề xảy ra, cũng như giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình lưu thông, đưa sản phẩm về Thủ đô thuận lợi.
Rõ ràng, để liên kết bền chặt với Hà Nội trong chương trình lớn này, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất, đảm bảo ATTP và xúc tiến liên kết ngang giữa các hộ nông dân thông qua tổ chức HTX đủ mạnh để ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Khơi thông các rào cản
Với mục tiêu đến năm 2020, 90% lượng rau, thịt tiêu thụ trên thị trường Thủ đô được kiểm soát chất lượng, Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội còn khá nhiều việc phải làm. Theo đại diện một số địa phương, để vận hành hiệu quả chương trình này, cần tháo gỡ một số rào cản, vướng mắc. Trong đó, tập trung tạo cơ chế cho DN tham gia ký kết trực tiếp để đưa sản phẩm về tiêu thụ trong các hệ thống trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, sự tham gia của DN vào chuỗi này còn rất hạn chế. Ông Bùi Như Ý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc chia sẻ, tiêu thụ rau, thịt từ Vĩnh Phúc về Hà Nội vẫn đang diễn ra, song không có DN nào tham gia. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo thống kê, điều tra việc tiêu thụ của các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Ý cũng đề nghị, Hà Nội cần đẩy mạnh kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, bởi nếu làm chặt từ thị trường Hà Nội thì các tỉnh cũng sẽ có chuyển biến mạnh. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách ưu đãi về lưu thông, chẳng hạn bố trí tuyến đường riêng cho vận chuyển động vật, sản phẩm động vật như TP Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cũng nhận định, với 21 tỉnh, TP tham gia Ban Điều phối Chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội, đây là cơ hội rất tốt để thúc đẩy sản xuất. Theo ông Vân, mỗi tỉnh nên lựa chọn sản phẩm thế mạnh làm điểm, trong đó có xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Khi sản phẩm này thành công sẽ tạo tiền đề quan trọng cho các sản phẩm khác chuyển dịch theo. Đối với Hà Nội, việc quan trọng nhất trong tiêu thụ rau, thịt an toàn của các tỉnh là phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp cận các chuỗi, coi đây là “quả đấm thép” tạo sự thành công. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ các tỉnh về lưu thông, địa điểm tập kết hàng hóa…
Nhiều địa phương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát, hướng dẫn, đơn giản hóa các tiêu chí, thủ tục đánh giá theo tiêu chuẩn VietGAP, bởi hiện nay việc đánh giá vẫn rất phức tạp, gây khó khăn cho người nông dân. Trước những vấn đề đang đặt ra, nội dung hoạt động của Ban Điều phối Chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội trong năm 2015 sẽ tập trung vào việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau, thịt an toàn. Đồng thời đưa ra tiêu chí quy định về yêu cầu sản phẩm rau, thịt được đưa về tiêu thụ tại Hà Nội. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau, thịt đưa về tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội sẽ được kiểm tra, phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. (Còn nữa)
Để tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ rau an toàn, Hà Nội cần có quy định các bếp ăn tập thể, nhà trẻ mẫu giáo, đơn vị phải lấy rau an toàn từ các đơn vị được chứng nhận.
Ông Nguyễn Xuân Hồng Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật
Thiên Tú
Báo Kinh tế đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 14154
Tổng lượng truy cập: 22132949